Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19/7/2021

19/07/2021 | 17:02

Phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam; Đoàn thể thao Việt Nam đã tới Nhật Bản tham dự Olympic Tokyo 2020; Tạm dừng thu phí tham quan 3 điểm du lịch tại Sa Pa là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 19/7 đưa tin:

Những điểm nhấn của Festival Việt Nam lần thứ hai ở Pháp

Từ ngày 16 - 18/7, tại trung tâm thị trấn La Plagne Tarentaise, một trong những khu du lịch nổi tiếng thuộc vùng Savoie ở Đông Nam nước Pháp, đã diễn ra Festival Việt Nam với hình ảnh độc đáo từ những tà áo dài, chiếc nón lá và ẩm thực của Việt Nam. Phóng viên TTXVN tại Pháp cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam được chọn là khách mời danh dự duy nhất tại Lễ hội mùa hè 2021 của thị trấn xinh đẹp này và là lần thứ hai Festival Việt Nam được tổ chức ở Pháp theo ý tưởng của Hiệp hội Asia New Generation - Vietnam. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân cùng nhiều quan chức Pháp và địa phương đã tham dự sự kiện.

Cuộc thi thiết kế logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện 'Nghệ thuật sơn mài Việt Nam'

Ngày 16/7, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chính thức thông báo về Cuộc thi thiết kế logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam". Cuộc thi được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu Quốc gia "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" giai đoạn 2020-2030, lựa chọn mẫu logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" để sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, góp phần phát triển thị trường văn hoá, chấn hưng và khẳng định giá trị của sơn mài Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời đẩy mạnh giao lưu, chú trọng quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam trở thành sản phẩm văn hoá, nghệ thuật góp phần xây dựng công nghiệp văn hoá.

Mang sách hay đến các khu phong tỏa, cách ly tại TP Hồ Chí Minh

Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Quận đoàn Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình đưa sách vào các khu cách ly, khu vực bị phong tỏa vì COVID-19. Chương trình đưa sách vào các khu cách ly, khu vực bị phong tỏa vì COVID-19 chia ra làm nhiều đợt. Đợt 1, từ ngày 16/7, ban tổ chức sẽ đưa hàng trăm tựa sách (cả sách giấy và sách điện tử), bao gồm sách văn học, thiếu nhi, văn hóa, lịch sử, kỹ năng sống, sức khỏe… tới để phục vụ nhiều đối tượng khác nhau trên địa bàn quận Phú Nhuận. Đợt 2, chương trình sẽ tiếp tục đưa sách đến các khu vực phong tỏa của nhiều quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

- Báo Văn hóa ngày 19/7 đưa tin:

Đề xuất dời Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV sang năm 2022

Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký văn bản số 4205, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thay đổi thời gian tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại Bình Định. Theo đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở VHTT về việc chuyển thời gian tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại Bình Định sang năm 2022. Đồng thời, giao Sở VHTT có văn bản báo cáo Bộ VHTTDL xem xét quyết định chuyển thời gian tổ chức Ngày hội sang thời điểm khác phù hợp trong năm 2022, khi cả nước đã khống chế và kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

Chương trình nghệ thuật "Vị tướng của lòng dân" dự kiến diễn ra vào ngày 25.8

Chiều 17.7, đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Tạ Quang Đông làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về công tác chuẩn bị tổ chức chương trình nghệ thuật "Vị tướng của lòng dân" nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong cho biết: Chương trình nghệ thuật "Vị tướng của lòng dân" dự kiến được tổ chức vào ngày 25.8 tại Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Đơn vị chủ trì thực hiện chương trình là Nhà hát Ca- Múa-Nhạc Việt Nam.

Khánh thành Khu tưởng niệm Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi

UBND tỉnh Sơn La vừa tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm tâm linh thuộc giai đoạn 1, Dự án tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Ngã ba Cò Nòi là trọng điểm giao thông huyết mạch nối liền miền Bắc với Tây Bắc, bị không lực Pháp đánh phá ác liệt. Nơi đây đã có hơn 100 chiến sĩ thanh niên xung phong anh dũng hy sinh, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Để đời đời tri ân công ơn các liệt sỹ thanh niên xung phong đã chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc tại ngã ba Cò Nòi, ngày 21.4.2000 Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã khởi công xây dựng nhóm đài tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong tại ví trí "tọa độ lửa" năm xưa với diện tích 20.000m2.

- Báo Hà Nội mới ngày 18/7 đưa tin:

Đẩy lùi hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc: Tạo môi trường lành mạnh

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật thường xảy ra nhiều hiện tượng xâm phạm bản quyền, đồng thời cũng là lĩnh vực được quan tâm thực thi bản quyền rất tích cực. Gần đây, lợi dụng nền tảng số, nhiều chiêu trò xâm phạm quyền tác giả âm nhạc phức tạp đã xuất hiện. Việc phát hiện, đẩy lùi những hành vi này cần sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, người làm nghề, nhằm tạo môi trường lành mạnh cho âm nhạc phát triển.

Nâng vị thế âm nhạc dân tộc

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa làm việc với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam về việc xây dựng Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam. Theo đó, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam sẽ kiện toàn, hoàn thiện Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Dàn nhạc được thành lập sẽ gồm hơn 80 nhạc công, có nhiệm vụ phục dựng, giữ gìn những tác phẩm, tiết mục âm nhạc truyền thống; quảng bá về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế qua âm nhạc dân tộc.

Phát huy giá trị không gian nghệ thuật công cộng

Là một phần không thể thiếu trong đời sống đương đại, không gian nghệ thuật công cộng không chỉ tạo dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, mà còn cung cấp những trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa, thẩm mỹ cho cộng đồng. Phát huy hiệu quả không gian nghệ thuật công cộng là nhu cầu thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Thủ đô, hình thành nên những điểm đến giàu bản sắc, thu hút đông đảo công chúng và du khách.

Những khoảng trống của phim truyền hình

Chưa bao giờ phim truyền hình có tính tương tác sâu rộng, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả như lúc này. Tuy nhiên, dù chất lượng phim có sự cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn đó sự thiếu vắng nhiều mảng đề tài nóng bỏng của đời sống. Khán giả theo sát diễn biến, xem và bình phẩm sôi động trên mạng. Ủng hộ phim Việt nhưng khán giả không khỏi phân vân vì sự nghèo nàn về đề tài. Điểm danh loạt phim giờ vàng, dễ thấy tất cả phim Việt đều xoay quanh chuyện gia đình.

-Báo Nhân Dân ngày 18/7 đưa tin:

Sắc phong - mạch nguồn giá trị văn hóa

Trong dòng chảy của văn hóa cội nguồn dân tộc Việt Nam, tư liệu sắc phong là nguồn di sản văn hóa vô cùng giá trị, không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh, tinh thần, mà còn chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử. Tại Ðà Nẵng, ngành văn hóa thành phố đã và đang phối hợp các đơn vị chuyên môn thực hiện số hóa nguồn tư liệu quý này.

"Tuổi đời mênh mông" mở đầu dự án nhạc Trịnh song ngữ

Sau thành công của bốn sản phẩm đầu tiên (Cho con, Cánh én tuổi thơ, Chỉ có một trên đời, Trái đất này là của chúng mình), dự án BSK - Nhạc thiếu nhi song ngữ vừa giới thiệu trên các nền tảng số ca khúc song ngữ thứ năm: "Tuổi đời mênh mông". "Tuổi đời mênh mông" của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn là một trong số hiếm hoi những tác phẩm hay viết cho tuổi thiếu niên, "tuổi hồng", "tuổi mực tím", "tuổi ô mai" hay còn được gọi bằng ngôn ngữ hiện đại là "tuổi teen".

- Báo Người Lao động ngày 19/7 đưa tin:

NSND Lê Hùng không "ngủ đông" trong mùa Covid

Cơn đại dịch Covid-19 khiến các sàn diễn đóng cửa, khán giả chưa thể đến rạp nhưng NSND Lê Hùng đã quyết định đưa lên sàn tập vở mới để chuẩn bị cho sân khấu có thể sáng đèn khi dịch bệnh được đẩy lùi. Ông và các nghệ sĩ của sân khấu kịch Lệ Ngọc đã khởi công tập vở diễn mới mang tên "Nước mắt của mẹ" của tác giả Nguyễn Toàn Thắng. NSND Lê Hùng đánh giá đây là một kịch bản hay và ý nghĩa. Để xử lý, chuyển tải nội dung kịch nhiều biến cố, mâu thuẫn, ông vận dụng nhiều thủ pháp mới trong dàn dựng để đưa vào kịch nhiều mảng miếng hấp dẫn, thú vị, thu hút giới trẻ.

Hào hứng với cuộc thi "Tìm hiểu về GS-TS Trần Văn Khê"

GS-TS Trần Quang Hải - con trai trưởng của cố GS-TS Trần Văn Khê, đã được mời làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi "Tìm hiểu về GS-TS Trần Văn Khê", nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông. Điều khiến GS-TS Trần Quang Hải vui mừng là sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều bạn trẻ đến với cuộc thi. GS-TS Trần Quang Hải chia sẻ: "Trong giai đoạn giãn cách xã hội tại TP HCM, những tác giả trẻ tham gia cuộc thi là niềm động viên rất lớn đối với ban tổ chức, để qua đó tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng tình yêu âm nhạc dân tộc, văn hóa cội nguồn mà cha tôi đã chọn".

- Báo Nhân Dân, TTXVN và nhiều báo khác ngày 18/7 đưa tin: "Phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam" cho biết: Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 19/7/2021 - Ảnh 1.

Một di sản tại Cố đô Huế. Ảnh: VNP

Mục tiêu của Chương trình là bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước.

Nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình là tu bổ, tôn tạo tổng thể các di tích lịch sử-văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ được UNESCO ghi danh, cấp quốc gia đặc biệt và các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu. Cụ thể, đầu tư tu bổ, tôn tạo tổng thể ít nhất 3 di sản đã được UNESCO ghi danh và 13 di tích quốc gia đặc biệt; đầu tư tu bổ ít nhất 11 di tích cách mạng - kháng chiến quan trọng, tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và 6 di tích khảo cổ tiêu biểu; đầu tư tu bổ, tôn tạo ít nhất 20 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ cấp quốc gia có giá trị đang bị xuống cấp.

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Văn hóa ngày 19/7 đưa tin:

Lào Cai: Tạm dừng thu phí tham quan 3 điểm du lịch tại Sa Pa

Do những bất hợp lý trong việc thu phí và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh vừa trình kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XVI xem xét thông qua việc tạm dừng thu phí tham quan tại các điểm du lịch Tả Phìn, Sín Chải, thung lũng Mường Hoa, thuộc thị xã Sa Pa. Theo đó, tỉnh Lào Cai sẽ tạm dừng thu phí tại các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa gồm điểm du lịch thôn Sín Chải, điểm du lịch xã Tả Phìn, điểm du lịch Thung lũng Mường Hoa. Thời gian tạm dừng thu phí đến hết ngày 31.12.2021.

Ninh Bình: Dừng hoạt động tại các khu, điểm du lịch từ 0h ngày 18.7

Ngày 16.7, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản số 405/UBND-VP6 triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, từ 0h ngày 18.7, tạm dừng hoạt động tại các khu, điểm du lịch, các di tích; hoạt động thể dục, thể thao tập trung trên 20 người; spa, thấm mỹ, phòng trà có giao lưu văn nghệ, bi-a, rạp chiếu phim, bể bơi cho đến khi có thông báo mới.

Phát triển du lịch nông thôn: Phải đảm bảo nguyên tắc chia sẻ lợi ích

Muốn phát huy các tiềm năng, thế mạnh của du lịch và nông thôn Việt Nam để phát triển du lịch nông thôn, cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Phát triển du lịch nông thôn cũng sẽ là giải pháp căn cơ để xây dựng nông thôn mới bền vững. Đó là nội dung được nhiều đại biểu đề cập tại Hội thảo trực tuyến về định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức, với 1 điểm cầu trung tâm và 10 điểm cầu tại các địa phương. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì.

- Báo Hà Nội mới ngày 19/7 đưa tin:

Ngành Du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng thời gian qua, ngành Du lịch vẫn đạt được những thành công về mặt quảng bá, tuyên truyền khi ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, công nghệ số vào các hoạt động du lịch. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với nhiều đơn vị triển khai các đợt truyền thông trên hệ thống website và mạng xã hội, thông qua nhiều ứng dụng, như: "Du lịch Việt Nam an toàn, kênh YouTube "Việt Nam - Đi để yêu"…

Du lịch về với thiên nhiên: Xu hướng trong mùa dịch

Cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, nhất là bối cảnh dịch Covid-19 buộc nhiều người phải thay đổi thói quen đi du lịch. Bởi thế, xu hướng tìm về với thiên nhiên đang ngày càng được ưa chuộng... Tiềm năng phát triển du lịch khám phá thiên nhiên ở Hà Nội rất lớn, nhưng để phát triển một cách bền vững, cần tăng cường vai trò quản lý của các ngành chức năng đi đôi với công tác bảo vệ rừng để không làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Đó mới là sức hấp dẫn lớn nhất.

Khám phá Đà Nẵng ''xanh''

Trên bản đồ Việt Nam, Đà Nẵng nằm ở điểm chính giữa của dải đất hình chữ S và là trung tâm của miền Trung. Nhắc đến Đà Nẵng, ấn tượng của du khách thường là hình ảnh về một thành phố biển xinh đẹp và hiện đại. Nhưng Đà Nẵng đâu chỉ có vậy. Đến với thành phố này, du khách còn có thể khám phá một Đà Nẵng "xanh" với những khu bảo tồn thiên nhiên, khu du lịch sinh thái trong lành cùng nhiều trải nghiệm thú vị.

Tư vấn du lịch: Phép lịch sự khi đến nhà hàng

Thưởng thức ẩm thực trong chuyến du lịch hoặc ở các nhà hàng tại nơi bạn sống mang lại những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, để trở thành một thực khách lịch sự, dù nơi bạn đến là nhà hàng sang trọng hay bình dân, cũng nên nhớ những nguyên tắc cơ bản sau: Đến đúng giờ; Cư xử đúng mực với người phục vụ; Giữ phép lịch sự trong khi ăn uống; Đừng "tip" tiền thiếu tinh tế;Không lấy lý do để được bồi hoàn.

- Báo Nhân Dân ngày 18/7 đưa tin:

Cơ hội hợp tác du lịch với thị trấn trượt tuyết nổi tiếng của Pháp

Nhiều tiềm năng hợp tác du lịch giữa các địa phương Việt Nam với thị trấn La Plagne Tarentaise, địa điểm được coi là nơi trượt tuyết đẹp nhất thế giới, đã được khơi mở. Chiều 16/7 tại Trung tâm thông tin du lịch của thị trấn La Plagne Tarentaise, Thị trưởng Jean-Luc Boch đã tiếp phái đoàn Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Pháp do Đại sứ Đinh Toàn Thắng dẫn đầu. Thị trưởng bày tỏ nguyện vọng được kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các thành phố và địa phương của Việt Nam. Ông tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác đó nếu đạt được thỏa thuận về nguyên tắc sẽ được triển khai "nhanh chóng và lâu dài".

Nâng tầm thương hiệu du lịch văn hóa

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa từ cuối năm 2020. Đối với Việt Nam, du lịch văn hóa từ lâu đã là dòng sản phẩm du lịch cơ bản. Tuy nhiên, để định vị và nâng tầm được thương hiệu cho du lịch văn hóa, còn nhiều việc phải làm, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch đang chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch Covid-19.

Khánh Hòa xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thống nhất với Sở Du lịch về chủ trương xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine bằng các chuyến bay charter đến tỉnh Khánh Hòa. Dựa trên nguyên tắc bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo lộ trình Chính phủ cho phép, phương án thực hiện xây dựng quy trình, điều kiện để chủ động, sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa trong tình hình mới.

Ẩm thực là nét độc đáo của du lịch Việt Nam

Nhấn mạnh ẩm thực Việt Nam độc đáo, ngon và tốt cho sức khỏe, Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam cho hay, món ăn Việt Nam rất hấp dẫn du khách Nhật Bản. Việt Nam có thể đẩy mạnh quảng bá thế mạnh này tới thế giới bằng cách xây dựng bản đồ ẩm thực, gây ấn tượng "Việt Nam là nước sành ăn".Chia sẻ tại buổi làm việc với Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, ông Takahashi Ayumi, Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam cũng đã dành những tình cảm đặc biệt cho du lịch Việt Nam.

Sau gần 9 tháng, du khách đã được ngắm toàn cảnh Paris từ Tháp Eiffel

Với thông điệp "Chào đón" bằng nhiều ngôn ngữ, Tháp Eiffel đã mở cửa đón du khách trở lại hôm 16/7 lần đầu sau gần chín tháng đóng cửa - thời gian đóng cửa lâu nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Những nụ cười rạng rỡ và cảm xúc dâng trào khi những du khách đầu tiên vào thang máy để lên đỉnh của ngọn tháp biểu tượng của Paris.

- Báo Vietnamplus ngày 19/7 đưa tin: "Nhiều khách sạn ở TP.HCM hỗ trợ nơi ăn, ở miễn phí cho các y bác sỹ" cho biết: Ngày 19/7, đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong hoạt động hỗ trợ tuyến đầu chống dịch COVID-19 và hỗ trợ lực lượng y bác sỹ, đã có hơn 20 khách sạn miễn phí 100% chỗ lưu trú và ăn uống. Đặc biệt, hàng trăm khách sạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng chung tay góp sức trong công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã hỗ trợ 6.150 đêm phòng ở và 3 bữa ăn/ngày cho đội ngũ bác sỹ của hệ thống Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Tin tức ngày 19/7 đưa tin:

Hình ảnh Đoàn Thể thao Việt Nam bắt đầu hành trình tham dự Olympic Tokyo 2020

Vào lúc 23 giờ 20, tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Đoàn Thể thao Việt Nam đã lên chuyến bay mang số hiệu JL752 để đến Nhật Bản tham dự Thế vận hội thể thao lớn nhất hành tinh tại Tokyo. Trưởng đoàn TTVN tại Olympic Tokyo 2020 Trần Đức Phấn nhấn mạnh, dù còn nhiều khó khăn nhưng tất cả mọi thành viên sẽ biến khó khăn, thách thức thành động lực để đạt thành tích tốt, đáp lại sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTT&DL cũng như lòng mong mỏi của người hâm mộ cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng động viên, khích lệ Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020

Ngay trước giờ Đoàn Thể thao Việt Nam lên đường dự Olympic Tokyo 2020 (vào 23 giờ 20 ngày 18/7), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã gửi lời động viên: "Mỗi VĐV hãy mang trong tim lá cờ Tổ quốc để cống hiến, thi đấu hết mình, đem về niềm vui, tự hào, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần chống dịch của nhân dân cả nước". Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 Trần Đức Phấn đã truyền đạt lại lời căn dặn của Bộ trưởng tới mỗi HLV, VĐV của Đoàn thể thao Việt Nam tại Lễ tiễn đoàn lên đường sang Nhật Bản, tổ chức vào tối 18/7, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.

- Báo Hà Nội mới ngày 19/7 đưa tin:

Cơ hội nâng cao trình độ cho đội tuyển Việt Nam

Kết quả bốc thăm vòng loại thứ 3 World Cup 2022 - khu vực châu Á đã đưa đội tuyển bóng đá nam Việt Nam rơi vào bảng B "tử thần", cùng Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman. Dù gặp rất nhiều thách thức, song đây là cơ hội để đội tuyển Việt Nam nâng cao trình độ chuyên môn, khi lần đầu được thi đấu với các đội bóng hàng đầu châu lục.

Olympic Tokyo 2020: Hai cầu thủ Nam Phi dương tính với SARS-CoV-2

Việc đội tuyển Nam Phi có 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 làm dấy lên nguy cơ nhiều cầu thủ không thể thi đấu, trong bối cảnh môn bóng đá nam sẽ khởi tranh ngày 22-7 sắp tới. Theo Reuters hôm (18-7), hậu vệ phải Thabiso Monyane và tiền vệ tấn công Moroka Swallows là hai cầu thủ có thân nhiệt cao ngay khi đến thành phố Tokyo. Các kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định hai trường hợp này dương tính với SARS-CoV-2.

Tuyển nữ Việt Nam tập thiếu người trong buổi đầu tiên do phải cách ly

Theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), có 9 cầu thủ và 2 thành viên ban huấn luyện tuyển nữ Việt Nam phải cách ly y tế để bảo đảm công tác phòng dịch Covid-19. Sau khi được thông báo kết quả kiểm tra RT-PCR âm tính, tuyển nữ Việt Nam đã có buổi tập đầu tiên vào ngày 18-7 cùng huấn luyện viên trưởng Mai Đức Chung và huấn luyện viên thể lực mới Cédric Serge Christian Roger để chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup 2022.

- Báo Nhân Dân ngày 18/7 đưa tin:

FIFA cân nhắc thay đổi luật bóng đá

Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đang dự kiến thực hiện một số thay đổi trong luật bóng đá, từ cách tính giờ, luật thay người, cho tới chế tài của thẻ phạt. Năm đề xuất cụ thể như sau: Mỗi trận kéo dài hai hiệp, mỗi hiệp chỉ còn 30 phút; Đồng hồ đếm giờ sẽ lập tức dừng khi bóng chết; Các đội sẽ không còn bị giới hạn bởi số lần thay người; Cầu thủ có thể vào và ra khỏi sân liên tục; Cầu thủ nhận thẻ vàng sẽ phải ra khỏi sân năm phút và sau đó vào đá tiếp.

HLV Mai Đức Chung đặt mục tiêu cao tại Vòng loại Asian Cup nữ 2022

Trong buổi tập đầu tiên của đội tuyển nữ Quốc gia trên sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, HLV trưởng Mai Đức Chung đã có những chia sẻ về danh sách triệu tập lần này và kế hoạch tập huấn, chuẩn bị cho Vòng loại Asian Cup nữ 2022, sẽ diễn ra tại Tajikistan vào tháng 9 tới. Ông cho biết: Nhiều người có thể nghĩ đơn giản khi các đối thủ đều có thứ hạng thấp hơn chúng ta rất nhiều trên bảng xếp hạng FIFA. Nhưng đối với chúng tôi, những người làm chuyên môn không hề nghĩ như vậy.

- Báo Văn hóa ngày 19/7 đưa tin:

Tiêm đủ vắcxin mới vào sân dự khán

Cấp có thẩm quyền đã cho ý kiến đồng ý để VFF tổ chức các trận đấu vòng 3 của Vòng loại World Cup 2022 trên sân nhà, vừa đỡ tốn kinh phí và công sức đi lại, vừa bù đắp được ít nhiều về tài chính do có bán vé, lại vừa được khán giả nhà cổ vũ - đó thực sự là một tin vui đầy tốt lành cho Đội tuyển Việt Nam và giới hâm mộ bóng đá nước ta. Tuy nhiên, để được có mặt trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vào ngày 7.9 tới cũng như 4 trận tiếp theo thì còn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội thời gian đó, cho dù chúng ta vẫn áp dụng "cơ chế bong bóng khép kín" do FIFA quy định (cầu thủ bạn xuống sân bay sẽ phải cách ly ngay trong khách sạn và chỉ được ra sân tập cũng như thi đấu dưới sự kiểm soát chặt chẽ nhất có thể.

Đoàn Thể thao Việt Nam đã đến Nhật Bản

6h ngày 19.7 (theo giờ địa phương), chuyến bay mang mã số JL 752 của hãng hàng không quốc gia Nhật Bản Japan Airlines chở Đoàn Thể thao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Narita, cách thủ đô Tokyo khoảng 60km. Sau khi vào sân bay, Đoàn Thể thao Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các tình nguyện viên Nhật Bản. Thủ tục đầu tiên mà BTC nước chủ nhà yêu cầu với thành viên các Đoàn nước ngoài là phải trình việc cài đặt phần mềm theo dõi sức khỏe OCHA, theo quy định của BTC Đại hội. Để cài được phần mềm này các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam phải mất nhiều thời gian vì phải trả lời hàng loạt câu hỏi cũng như phải tải lên được 3 giấy chứng nhận âm tính với Covid - 19, ít nhất 72 tiếng trước khi đi.

Đà Nẵng: Dự án Nhà ở phục vụ vận động viên tại Khu Liên hợp Thể dục thể thao Hòa Xuân sẽ đáp ứng cho khoảng 1.000 VĐV

Theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao, tháng 5.2021, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà ở phục vụ vận động viên tại Khu Liên hợp Thể dục thể thao Hòa Xuân (tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Thời gian thực hiện từ năm 2020-2025 với tổng mức đầu tư dự án là hơn 139 tỉ đồng. Ông Nguyễn Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết: Mục đích dự án nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo ổn định nơi ăn ở, sinh hoạt và tập luyện cho các VĐV, từng bước hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV của thành phố; đồng thời tạo điều kiện cho các VĐV, HLV yên tâm tập luyện, nâng cao hiệu quả và thành tích thi đấu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền thể thao thành tích cao của thành phố.

- Báo Người Lao động ngày 19/7 đưa tin:

Người cầm cờ Olympic và khát vọng điền kinh Việt

Cũng ly kỳ như khi được công nhận thành tích muộn để trở thành nhà vô địch ASIAD 2018 hay trước đó là 2 HCV Giải Vô địch châu Á 2017, Quách Thị Lan nhận suất đặc cách tham dự rồi được vinh dự cầm cờ Việt Nam tại lễ khai mạc Olympic Tokyo như chuyện trong mơ. Olympic Tokyo là kỳ đại hội đầu tiên quy định mỗi đoàn thể thao quốc gia cử 2 VĐV cùng cầm quốc kỳ trong phần diễu hành tại lễ khai mạc. Đây là vinh dự lớn đối với mỗi VĐV sau khi tất cả đã phải vất vả vượt qua các cuộc thi đấu tuyển chọn để giành quyền góp mặt tại những ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Nhiều CLB không đồng ý hoãn V-League đến năm 2022

Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) là đại diện của đất nước nhưng không phải là tất cả của nền bóng đá Việt Nam. Vì vậy, ngay sau khi Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) gửi phiếu lấy ý kiến về việc hoãn V-League đến tháng 2 năm 2022, nhiều CLB đã bày tỏ quan điểm không đồng thuận vì càng kéo dài, càng thất thu tài chính trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu chi của các đội.

Trông chờ V-League trở lại

Các CLB cần kế hoạch mở lại giải đấu để tránh những rắc rối phát sinh về tài chính, đền bù hợp đồng chuyển nhượng...Chỉ còn 10 ngày nữa, CLB Viettel sẽ kết thúc cách ly 14 ngày, tính từ thời điểm thầy trò HLV Trương Việt Hoàng kết thúc vòng bảng AFC Champions League. Như vậy, 14 đội bóng có thể sẵn sàng quay trở lại tranh tài ở V-League 2021 nếu LĐBĐ Việt Nam (VFF) và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đồng ý tổ chức phần còn lại của mùa giải theo hình thức thi đấu tập trung.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 18/7 đưa tin: "Để chấm dứt bạo lực giới: Chỉ phụ nữ lên tiếng là chưa đủ" cho biết: Được bố mẹ đặt tên là "Cẩm" có nghĩa là gấm vóc, lụa là, lấp lánh, rực rỡ để mong con gái được nâng niu, trân trọng, mong được hưởng cuộc sống an nhàn, hạnh phúc. Nhưng Cẩm trong câu chuyện của Phạm Thanh Xuân (Hà Nội) lại không như vậy. Cuộc đời của nhân vật Cẩm trái ngược hoàn toàn, đó là sự tủi nhục, đau đớn, dày vò… kể từ khi cô kết hôn. "Cẩm" cũng chính là tên bộ ảnh truyền thông về bạo lực giới của tác giả Phạm Thanh Xuân. Đây là 1 trong 10 tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi "Nam giới hành động - Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ" do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và một số đơn vị tổ chức. Tác phẩm nhằm mang đến người xem một thông điệp rằng không riêng gì Cẩm, bất cứ người phụ nữ nào là nạn nhân của bạo lực giới đều cần một cánh tay giúp đỡ từ cộng đồng. Nam giới, những người được thế giới gọi bằng mỹ từ "phái mạnh", hãy chứng tỏ bạn là một người đàn ông thực thụ. Hãy dùng sức mạnh của mình để bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là bảo vệ những người phụ nữ hạn chế hơn bạn về mặt sức khoẻ, chứ không phải cư xử thô bạo với họ. Chính những hành động nhỏ của nam giới sẽ góp phần to lớn vào công cuộc chấm dứt bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái.

-Báo điện tử Quảng Ninh ngày 18/7 đưa tin: "Nhìn lại cuộc thi sáng tác VHNT về phòng chống mua bán người" cho biết: Hội LHPN tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội VHNT tỉnh vừa tổng kết và trao giải cuộc thi "Sáng tác các tác phẩm văn học về phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại". Cuộc thi thành công một phần vì sự tham gia nhiệt tình của các văn nghệ sĩ Quảng Ninh. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức, cho biết: Thành công lớn nhất của cuộc thi là đã huy động được sự tham gia của đông đảo các tác giả trong tỉnh. Cuộc thi đã chuyển tải tốt những thông điệp về phòng chống mua bán người. Chúng tôi mong muốn những tác phẩm có chất lượng tốt nhất đã được ban giám khảo lựa chọn sẽ được đưa vào tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân không chỉ trên phạm vi địa bàn Quảng Ninh mà cả toàn quốc.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×