Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 16/7/2021
16/07/2021 | 16:40Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đặt mục tiêu dự World Cup 2023; Nghệ sĩ trẻ cùng biểu diễn trực tuyến gây quỹ chống dịch Covid-19; Thiết lập một lộ trình kích hoạt mới cho du lịch Việt Nam là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- Báo Hà Nội mới ngày 17/6 đưa tin: "Kiến tạo giá trị mới trên nền tảng di sản đô thị" cho biết: Trong quá trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhiều thành phố trên thế giới đã đưa nhà máy sản xuất ra khỏi nội đô. Thay vì phá bỏ, họ giữ lại một phần hoặc toàn bộ nhà máy cũ để làm chứng nhân lịch sử kể chuyện một thời của thành phố hoặc chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo. Chiến lược này vừa làm giàu môi trường văn hóa vừa giúp cải tạo, làm mới không gian đô thị.
- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 16/7 đưa tin:
Làm nghề không chỉ có giải thưởng
Trong danh sách của hội đồng cơ sở xét tặng danh hiệu, Sở VH-TT TPHCM cho biết về danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) có 22/29 hồ sơ được đề nghị xét tặng, danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) có 32/58 hồ sơ được đề nghị xét tặng đủ điều kiện. Sở VH-TT TPHCM vừa kết thúc thời gian tiếp nhận ý kiến phản hồi của cá nhân nghệ sĩ và tiến hành thực hiện hồ sơ đề xuất lên Hội đồng cấp Thành phố. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc có những nghệ sĩ xứng đáng, đã là nghệ sĩ trong lòng công chúng mến mộ, nhưng lại không có tên trong danh sách. Trong đó có cái khó của tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu phải được giải thưởng cấp quốc gia, mà phải là giải vàng.
Điểm sáng phim Việt
Trong bối cảnh thị trường điện ảnh trong nước đang đóng băng vì dịch Covid-19, một số nhà làm phim Việt vẫn đón nhận tin vui khi có cơ hội chiếu phim tại thị trường nước ngoài, tham gia các liên hoan phim (LHP), giải thưởng điện ảnh. Sau giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Oanh Kiều và 2 giải phụ của ban giám khảo: Special Mention Actor cho Quang Sự và Special Mention - Feature Film tại LHP quốc tế nghệ thuật châu Á 2021 (AFAIFF), phim Người lắng nghe: Lời thì thầm (tựa tiếng Anh Listeners: The Whispering) tiếp tục đón nhận tin vui từ LHP quốc tế New York.
Sôi nổi cộng đồng đọc sách trên mạng
Bên cạnh các thư viện hay dự án cộng đồng đọc sách tại chỗ, hiện tại, việc khuyến đọc còn được cộng hưởng bởi rất nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội. Các hội, nhóm này hoạt động sôi nổi, tạo thành những cộng đồng riêng, qua đó khơi gợi và lan tỏa tình yêu sách đến đông đảo người đọc. Được thành lập vào tháng 8-2016, đến nay "Hội yêu sách" đang có 108.000 thành viên, các quản trị viên (Admin) sống và làm việc ở nhiều nơi khác nhau như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên… Nhóm lập ra nhằm kết nối những người yêu mến sách ở khắp mọi nơi, có thể cùng nhau chia sẻ những cuốn sách mà bản thân tâm đắc. "Có rất nhiều group khác như hội thích trinh thám, hội yêu văn học kinh điển, nhưng "Hội yêu sách" thì yêu gì cũng được, miễn là yêu sách", Thiên Tư, một trong những Admin "Hội yêu sách" cho biết.
- Báo Nhân Dân ngày 15/7 đưa tin:
Sân khấu Lệ Ngọc dựng vở mới giữa mùa dịch Covid
Trong cơn bão Covid, dù khán giả chưa thể đến rạp, sân khấu chưa thể sáng đèn, song các nghệ sĩ Sân khấu kịch Lệ Ngọc vẫn quyết tâm không thể để sân khấu "ngủ đông". Ngày 15-7, tại Hà Nội, đơn vị nghệ thuật xã hội hóa này đã khai trương vở diễn mới mang tên "Nước mắt của mẹ". Buổi khai trương diễn ra ở nhà riêng của NSND Lệ Ngọc với số khách mời rất hạn chế để bảo đảm nguyên tắc phòng dịch. "Nước mắt của mẹ" sẽ được đạo diễn lão làng - NSND Lê Hùng dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Nguyễn Toàn Thắng.
Nghệ sĩ trẻ cùng biểu diễn trực tuyến gây quỹ chống dịch Covid-19
Chiều 15/7, thông tin từ Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết: Trung tâm Tình nguyện quốc gia (trực thuộc Trung ương Hội) sẽ phối hợp các đơn vị liên quan triển khai Chương trình "Sing for life, Sing for love - Hát để sẻ chia". Trong chương trình, các nghệ sĩ sẽ tham gia các thử thách thú vị mang ý nghĩa hướng tới cộng đồng, chung tay bảo vệ sức khỏe toàn dân, khắc họa cuộc sống của những người làm nghệ thuật trong vùng dịch nhưng luôn trăn trở, ước mong lan tỏa những điều ý nghĩa cho xã hội.
- Báo Văn hóa ngày 15/7 đưa tin:
Phê duyệt danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 phê duyệt danh sách 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo danh sách, 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn bao gồm: La Hủ, Phù Lá, La Chí, Kháng, Hà Nhì, Xinh-mun, Co, Tà-ôi, Cơ-tu, Khơ-mú, Bru-Vân Kiều, Mnông, Ra-glai, Xơ-đăng, Hmông, Xtiêng, Gia-rai, Dao, Nùng, Tày, Sán Chay, Lào, Giáy, Giẻ-Triêng, Mường, Ba-na, Hrê, Chăm, Ê-đê, Cơ-ho, Khơ-me, Mạ.
TP. Hải Dương dừng hoạt động lễ hội, tôn giáo, sự kiện tập trung trên 20 người
UBND thành phố Hải Dương vừa có văn bản số 4382/QĐ- UBND về việc quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hải Dương. Theo đó, tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung quá 20 người trở lên tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định, phải bảo đảm đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Văn nghệ sĩ TP.HCM cùng nhau truyền năng lượng tích cực
Trong bối cảnh sân khấu phải đóng cửa, khó khăn chồng chất, các văn nghệ sĩ TP.HCM vẫn ngày đêm cống hiến hết mình cho công tác xã hội, tích cực tham gia các đội tình nguyện cùng lực lượng tuyến đầu. Những ngày này khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều tác giả, nghệ sĩ chọn chủ đề Covid-19 để sáng tác các ca khúc với ca từ da diết, giai điệu nhẹ nhàng, mang tính cổ vũ tinh thần người dân sớm vượt qua dịch bệnh. Nếu như trước đây các video ca nhạc lấy chủ đề chống dịch Covid-19 thường là những ca khúc sôi động, lời ca hùng hồn kèm theo những vũ điệu khỏe khoắn, tươi vui nhằm cổ vũ tinh thần nhân dân thì gần đây các video về chủ đề này chuyển hướng sang những giai điệu trữ tình, lời ca da diết, mang tính tự sự, đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.
- Báo Công an Nhân Dân ngày 15/7 đưa tin: "Thơ Việt đang chuyển động" cho biết: Trên bề dày lịch sử văn hóa dân tộc dựng nước và giữ nước bi tráng hàng nghìn năm, Việt Nam có nền thi ca phát triển đáng tự hào. Không khó lắm nếu chúng ta muốn chứng minh điều đó từ kho tàng văn học dân gian phong phú đến các tác giả, tác phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam qua các thời kỳ. Tuy nhiên, tôi nghĩ, điều khá nhiều người đang quan tâm là thơ Việt hiện nay đang chuyển động như thế nào.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 16/7 đưa tin:
Cả nước có 395 di sản phi vật thể cấp quốc gia
Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) hiện cả nước có 395 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, 31 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện tại, hồ sơ đề cử di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) ghi danh vào Danh mục di sản thế giới; đưa Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới được hoàn thiện.
'Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại'
Hướng tới kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Binh chủng Hóa học, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề "Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại".
Tìm hiểu về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và tỉnh Quảng Bình phát động cuộc thi tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chủ đề: "Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của Nhân dân". Theo đó, công dân Việt Nam trong nước và nước ngoài tham gia cuộc thi bằng hai hình thức trắc nghiệm tương tác trực tuyến và thi viết.
Kênh truyền hình chuyên biệt cho thiếu nhi
Kênh truyền hình chuyên biệt dành cho thiếu nhi ở Việt Nam đã ít lại phát sóng nhiều các chương trình do nước ngoài sản xuất. Nếu ngoài chương trình truyền hình đã được kiểm duyệt mà để trẻ tự xem các kênh YouTube thì mối lo về nguồn dinh dưỡng mang tính giáo dục và an toàn luôn thường trực. Các chương trình sản xuất cho thiếu nhi hiện tại đa phần đều phải chạy theo thương mại. Để có chương trình phát sóng, nhiều đài truyền hình đã hợp tác với các doanh nghiệp, công ty truyền thông sản xuất các chương trình. Dễ thấy các chương trình thu hút sự quan tâm của phụ huynh và học sinh là các chương trình trẻ em tranh tài, ca hát, nhảy múa…
2.Lĩnh vực Du lịch
- Báo Vietnamplus ngày 16/7 đưa tin: "Thiết lập một lộ trình kích hoạt mới cho du lịch Việt Nam" cho biết: Khi dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát và chưa có dấu hiệu dừng lại, người làm du lịch không chỉ lo việc được tiêm chủng COVID-19 mà lãnh đạo ngành còn phải lên lộ trình nhằm kích hoạt nền kinh tế xanh. Xây dựng lộ trình kích hoạt các hoạt động du lịch song song với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 chính là cách giúp xây dựng lại niềm tin xê dịch của du khách, phục hồi nền kinh tế xanh sau những tổn thất khủng khiếp do đại dịch gây ra. Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp này không chỉ được các nước trên thế giới triển khai mà Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch gấp rút thực thi.
-Báo Hà Nội mới ngày 16/7 đưa tin:
Gỡ khó cho ngành Du lịch Thủ đô
Trong tháng 7 này, nhiều điểm lưu trú nhà dân (homestay), khu nghỉ dưỡng (resort) ở khu vực ngoại thành Hà Nội đã thực hiện đón khách theo mô hình biệt lập, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, xu hướng du lịch nghỉ dưỡng theo hình thức khép kín này được xem là giải pháp gỡ khó cho ngành Du lịch Thủ đô.
Du lịch Quảng Ninh khởi sắc trước ''bão'' dịch Covid-19
Thành công từ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 cùng các chính sách ưu đãi, kích cầu du lịch nội tỉnh đã giúp nhiều điểm du lịch tại tỉnh Quảng Ninh có sức sống trở lại sau những ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch Covid-19 thứ ba. Hiện tại, với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, không phát sinh thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo và thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá để thu hút du khách, sớm phục hồi du lịch.
- Báo Văn hóa ngày 15/7 đưa tin:
Kiên Giang đón hơn 2,3 triệu lượt khách du lịch
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Kiên Giang đã đón hơn 2,3 triệu lượt du khách đến tham quan, đạt hơn 33% kế hoạch năm, tổng thu ước đạt hơn 2.680 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Kiên Giang thực hiện khá hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển du lịch. Toàn tỉnh Kiên Giang đã đón hơn 2,3 triệu lượt du khách đến tham quan, đạt hơn 33% kế hoạch năm, tổng thu ước đạt hơn 2.680 tỷ đồng. Hiện nay, đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang , tạm dừng hoạt động đón khách tham quan du lịch kể từ 0h ngày 14.7 đến hết ngày 30.7. Riêng các trường hợp khách đến Kiên Giang trước 0h ngày 14.7 các đơn vị tiếp tục phục vụ cho đến khi kết thúc hợp đồng.
- Báo Công an Nhân Dân ngày 15/7 đưa tin: "Quảng bá du lịch qua điện ảnh: Để hiệu quả xứng tiềm năng" cho biết: Triển lãm "Di sản tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch Việt Nam" tại Viện Phim Việt Nam đã giới thiệu tới công chúng 120 bối cảnh quay tại các vùng miền đất nước tới công chúng. Nguồn bối cảnh phong phú đó không chỉ là nguyên liệu quý báu cho các bộ phim điện ảnh trong và ngoài nước mà có thể góp phần khiến ngành du lịch điện ảnh phát huy được tiềm năng của mình.
-Báo điện tử Vnexpress ngày 16/7 đưa tin:
Bát Xát tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật
Tác giả gửi ảnh dự thi với nội dung "Vẻ đẹp Du lịch Bát Xát" có cơ hội nhận giải thưởng tới 10 triệu đồng. Ngày 15/7, UBND huyện Bát Xát phát động cuộc thi nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, thiên nhiên đặc trưng của huyện tới du khách trong nước và quốc tế. Thời gian nhận ảnh từ ngày phát động đến hết 10/9. Lễ trao giải dự kiến vào 10/10.
Khánh Hòa dự kiến đón khách quốc tế vào cuối năm
Theo dự thảo, tỉnh sẽ đón khách vào cuối năm khi được Chính phủ cho phép tại khu vực Bãi Dài, ưu tiên nghỉ dưỡng biển, dịch vụ khép kín. Thông tin được bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết sáng 15/7. Dự thảo do đơn vị lên xây dựng chi tiết sẽ lấy ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
Bản Cát Cát hư hỏng nhiều hạng mục sau mưa lũ
Cơn mưa lớn tại Sa Pa đêm 14/7 gây hư hại các cảnh quan trang trí, hoa màu ở khu vực bên suối tại bản du lịch nổi tiếng. Đại diện ban quản lý khu du lịch bản Cát Cát cho biết, mưa lớn kéo dài tới rạng sáng 15/7 làm nước suối trong bản Cát Cát dâng cao, gây hư hại tới cảnh quan lan can, cầu thang, vườn hoa hồng... Các công trình này được tạo dựng để du khách check-in, tham quan, chủ yếu làm từ gỗ pơmu, song, mây. Nhiều gốc hoa hồng cổ cũng thiệt hại, ước tính khoảng 2 tỷ đồng.
- Báo điện tử VOV ngày 15/7 đưa tin:
Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong ngành ẩm thực miền Trung
Chuỗi sự kiện "Văn hóa ẩm thực - con đường di sản miền Trung" sẽ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 12/2021, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành ẩm thực tại miền Trung. Định kỳ hàng tháng, các chương trình "Văn hóa ẩm thực - con đường di sản miền Trung" sẽ diễn ra trực tuyến, cung cấp nhìn nhận tổng quan về bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực miền Trung; giải pháp phát triển ẩm thực miền Trung từ những giá trị lịch sử. Chuỗi sự kiện cũng kêu gọi vai trò các bên và tìm giải pháp, sáng kiến thúc đẩy văn hóa ẩm thực miền Trung, kết nối nguồn lực cho phát triển khởi nghiệp và doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị mới.
Australia lùi kế hoạch tổ chức lễ hội ánh sáng Vivid Sydney
Vì sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Sydney, sự kiện này sẽ lại lùi thời gian tổ chức vào nửa cuối tháng 9 và đầu tháng 10 tới để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho cộng đồng và những người tham dự. Lễ hội ánh sáng Vivid Sydney của Australia là một trong những sự kiện văn hóa du lịch lớn nhất trong năm. Năm ngoái, sự kiện này đã bị hủy bỏ và năm nay, vì sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Sydney, sự kiện này sẽ lại lùi thời gian tổ chức vào nửa cuối tháng 9 và đầu tháng 10 tới để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho cộng đồng và những người tham dự.
Thái Lan mở cửa thêm 3 điểm đến cho khách quốc tế
Từ 15/7, 3 hòn đảo Samui, Tao và Phangan mở cửa cho khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng, bất chấp sự gia tăng về số ca Covid-19 do biến thể Delta tại Thái Lan. Khởi động bằng kế hoạch "hộp cát Phuket" vào ngày 1/7, Thái Lan tiếp tục lộ trình hồi sinh ngành du lịch của mình. Tại Phuket, những du khách đã tiêm vaccine Covid-19 và có xét nghiệm âm tính sẽ không phải cách ly, nhưng cũng không thể rời Phuket trong hai tuần. Với chương trình "Samui Plus", khách du lịch phải ở tại một khách sạn được cấp phép tại đây trong một tuần và có thể rời khỏi khách sạn vào ngày thứ tư của chuyến đi. Sau 1 tuần, họ cần làm xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính nếu muốn tiếp tục đến Tao hoặc Phangan.
3.Lĩnh vực Thể thao
-Báo điện tử VTV, Báo điện tử Người Loa động, Báo điện tử VOV và nhiều báo khác ngày 16/7 đưa tin: "ĐT Nữ Việt Nam đặt mục tiêu góp mặt ở VCK World Cup 2023" cho biết: Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - ông Trần Quốc Tuấn tiết lộ mục tiêu của ĐT nữ Việt Nam trong thời gian tới. Năm 2021 là năm quan trọng với bóng đá nữ Việt Nam, bởi các cô gái của chúng ta tham dự Vòng loại Asian Cup 2022 đồng thời cũng là Vòng loại World Cup nữ 2023. Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - ông Trần Quốc Tuấn cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, VFF đã chủ động điều chỉnh lịch thi đấu trong nước để ĐT nữ Việt Nam có thể tập trung sớm hơn và có nhiều thời gian hơn để tập luyện, chuẩn bị lực lượng.
-Báo điện tử VOV ngày 16/7 đưa tin:
U23 Việt Nam sẽ tập huấn nước ngoài để chuẩn bị cho Vòng loại U23 châu Á
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ cố gắng để U23 Việt Nam có đợt tập huấn và thi đấu giao hữu tại nước ngoài trước khi tham dự Vòng loại U23 châu Á. Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết, VFF sẽ cố gắng để U23 Việt Nam có đợt tập huấn và thi đấu giao hữu tại nước ngoài nhằm chuẩn bị cho Vòng loại U23 châu Á 2022. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên các cầu thủ U23 Việt Nam đã không có nhiều cơ hội để thi đấu cọ xát, đặc biệt là đối với các trận đấu quốc tế khi lỡ hẹn với giải Toulon tổ chức tại Pháp, với sự tham dự của các đội tuyển rất mạnh như Nhật Bản, Qatar, Pháp, Nga…
ĐT Futsal Việt Nam muốn làm nên kỳ tích ở VCK FIFA Futsal World Cup 2021
ĐT Futsal Việt Nam xuất sắc giành vé dự VCK FIFA Futsal World Cup 2021 và đang phấn đấu đạt thành tích tốt hơn so với năm 2016. ĐT Futsal Việt Nam đã xuất sắc giành vé dự VCK FIFA Futsal World Cup 2021 sau khi đánh bại Lebanon ở trận play-off. Đây là lần thứ 2 Futsal Việt Nam tham dự VCK World Cup. Ở lần tham dự vào năm 2016 tại Colombia, ĐT Futsal Việt Nam đã gây ấn tượng, khi vượt qua vòng bảng, nhưng sau đó đã thua Nga, đội giành ngôi Á quân.
ĐT Việt Nam có thể tập trung sớm để chuẩn bị cho Vòng loại World Cup
Nếu V-League vẫn diễn ra trong tháng 8, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ tập trung vào ngày 24/8. Còn nếu giải chưa diễn ra được, ĐT Việt Nam sẽ tập trung sớm hơn. Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn cho biết, VFF đang trao đổi với các đội bóng V-League để lên kế hoạch tập trung cho ĐT Việt Nam. Nếu giải đấu vẫn diễn ra trong tháng 8, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ tập trung vào ngày 24/8. Còn nếu giải chưa diễn ra được, ĐT Việt Nam sẽ tập trung sớm hơn.
-Báo Văn hóa ngày 16/7 đưa tin: "TP.HCM động viên HLV, VĐV dự Olympic Tokyo 2020" cho biết: Chiều 15.7 tại Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ (TP.HCM), đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cùng Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP.HCM đã có buổi gặp mặt, động viên các HLV, VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 với 43 thành viên (18 VĐV) do ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT làm trưởng đoàn. Trong đó, danh sách đoàn tham dự trong khu vực phía Nam gồm có 10 HLV, VĐV, riêng TP.HCM đóng góp 5 thành viên.
- Báo Hà Nội mới ngày 16/7 đưa tin:
Hai vận động viên cầm cờ Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020
Thông tin từ Ủy ban Olympic Việt Nam ngày 15-7 cho biết, Quách Thị Lan và Nguyễn Huy Hoàng là 2 vận động viên được chọn cầm cờ Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 vào tối 23-7. Tại kỳ Olympic Tokyo 2020, lần đầu tiên sẽ có hai vận động viên cùng cầm cờ cho mỗi quốc gia trong phần diễu hành tại lễ khai mạc. Quách Thị Lan là vận động viên nữ đầu tiên của Việt Nam được trao vinh dự cầm cờ trong lễ khai mạc Thế vận hội. Cùng cầm cờ với Quách Thị Lan là vận động viên bơi Nguyễn Huy Hoàng.
Olympic Tokyo 2020: Câu hỏi về sự an toàn
Ngày 23-7 tới, Olympic Tokyo 2020 chính thức khai mạc. Đã có không ít câu hỏi về sự an toàn trong việc tổ chức Olympic Tokyo 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, và giờ đây, khi Olympic đã ở trước mắt, đó vẫn là câu hỏi khó dù nước chủ nhà đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Không chỉ với BTC nước chủ nhà Nhật Bản, việc có một chuyến thi đấu an toàn cũng là mục tiêu lớn nhất của Đoàn thể thao Việt Nam khi tham dự Olympic Tokyo 2020.
-Báo An ninh Thủ đô ngày 15/7 đưa tin:
9 nữ cầu thủ TP.HCM ra Hà Nội cách ly để kịp tập trung ĐTQG
9 cầu thủ cùng 2 HLV bóng đá nữ TP.HCM chủ động ra Hà Nội sớm để thực hiện cách ly y tế theo quy định, trước khi hội quân cùng đội tuyển quốc gia vào ngày 17-7 tới. Ngày 17-7 tới, đội tuyển nữ quốc gia sẽ hội quân tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chuẩn bị cho 3 trận bảng B vòng loại Asian Cup nữ 2022 tổ chức tại Takijistan - giải đấu mở màn chiến dịch săn vé World Cup nữ 2023.
Sân Mỹ Đình đem lại lợi thế lớn cho ĐT Việt Nam ở vòng loại World Cup
LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã khẳng định ĐT Việt Nam được đá trên sân Mỹ Đình ở các trận sân nhà của bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, thay vì đá sân trung lập do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kể từ khi HLV Park Hang-seo đến với bóng đá Việt Nam, đội tuyển của chúng ta chưa thua một trận nào trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình. Việc được đá vòng loại cuối cùng World Cup 2022 tại đây mang đến lợi thế rất lớn cho "Những chiến binh Sao vàng".
- Báo điện tử Người Lao động ngày 16/7 đưa tin "Công nghệ VAR lần đầu xuất hiện ở Mỹ Đình" cho biết: AFC sẽ cử đối tác về VAR sang Hà Nội khảo sát, lắp hệ thống thiết bị tại sân Mỹ Đình, phục vụ các trận đấu của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Sau khi nhận được sự đồng thuận của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác tổ chức các trận đấu của đội tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, một chi tiết khác được LĐBĐ Việt Nam (VFF) đặc biệt lưu ý là thông qua LĐBĐ châu Á (AFC), lần đầu tiên công nghệ VAR, còn gọi là trợ lý video hỗ trợ trọng tài, sẽ được áp dụng trên sân Mỹ Đình.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Hà Nội mới ngày 16/7 đưa tin: "Tạo thuận lợi cho tổ chức con nuôi nước ngoài thực hiện thủ tục xin cấp, gia hạn giấy phép" cho biết: Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) vừa đánh giá kết quả sau gần 10 năm thực hiện Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21-11-2011 của Bộ Tư pháp về việc quản lý Văn phòng Con nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Để con nuôi là người Việt Nam thực hiện được nguyện vọng của mình thì cần có sự hỗ trợ tích cực của các văn phòng con nuôi nước ngoài. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về nội dung này nên sự tham gia của các văn phòng con nuôi nước ngoài còn hạn chế.
Từ bất cập trên, tại dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21-11-2011 của Bộ Tư pháp về việc quản lý Văn phòng Con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan này đề xuất bãi bỏ Khoản 2 Điều 5 về thời hạn của giấy phép để tạo thuận lợi cho tổ chức con nuôi nước ngoài trong việc thực hiện thủ tục xin cấp, gia hạn giấy phép hoạt động tại Việt Nam cũng như bảo đảm tính liên tục của công tác giải quyết việc nuôi con nuôi. Đồng thời, bổ sung quy định về việc Văn phòng Con nuôi nước ngoài phối hợp với Cục Con nuôi tổ chức thực hiện các chương trình đưa trẻ em về thăm quê hương, đất nước, tìm hiểu về nguồn gốc của mình và khám phá văn hóa Việt Nam.