Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Di tích Chùa Cầu – Hội An được tu bổ theo nguyên tắc, giải pháp nào?

30/07/2024 | 14:49

Ngày 30/7, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam – đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án tu bổ Chùa Cầu) thông tin về những quan điểm, nguyên tắc, giải pháp đã áp dụng trong quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.

Di tích Chùa Cầu – Hội An được tu bổ theo nguyên tắc, giải pháp nào? - Ảnh 1.

Di tích Chùa Cầu sau trùng tu.

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trước hết phải khẳng định trùng tu di tích là chuyên ngành khoa học ngoài việc tuân thủ các qui định trong nước chúng ta phải tuân theo các công ước, quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ, bên cạnh việc đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn đặc điểm, các giá trị của di tích, các giải pháp can thiệp cần đảm bảo gia tăng độ ổn định, bền vững lâu dài cho di tích trong điều kiện bảo tồn, duy trì toàn vẹn công năng từng thành phần cấu thành (miếu, cầu) của di tích.

Mọi hoạt động can thiệp đều được tính toán trên cơ sở tôn trọng lịch sử, đảm bảo tính khoa học và khách quan. Tu bổ phải đảm bảo giữ lại tối đa các dấu tích vật chất hiện hữu, xác thực hàm chứa các giá trị lịch sử văn hóa của di tích Chùa Cầu, qua đó, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị kiến trúc, nghệ thuật đã tạo nên hình ảnh biểu tượng của Hội An.

Hoạt động tu bổ được thực hiện với cách tiếp cận khoa học trong tính toán các giải pháp can thiệp, dựa trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ, xác thực và các đánh giá khách quan, toàn diện về di tích.

Bên cạnh đó, việc tu bổ di tích Chùa Cầu được xem xét trong tổng thể, không tách rời việc tu bổ các thành phần kiến trúc của di tích với tôn tạo cảnh quan khu vực xung quanh.

Các giải pháp gia cố, bảo quản và tu bổ phải loại bỏ các yếu tố gây hại đến hệ khung gỗ, cấu trúc cơ bản của di tích và hệ thống nền móng chịu lực, bờ kè bảo vệ nhằm đảm bảo sự ổn định của tổng thể công trình.

Cùng với đó là việc nghiên cứu bổ sung giải pháp gia cường kết cấu theo hướng giảm thiểu, cách ly những chấn động do hoạt động giao thông, kết hợp giải pháp điều tiết lưu lượng giao thông qua cầu phù hợp nhằm giảm thiểu tác động, ngăn ngừa ảnh hưởng xấu đến độ ổn định của kết cấu.

"Nguyên tắc tu bổ di tích Chùa Cầu là bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc cấu thành di tích (miếu, cầu, dòng chảy, các cấu trúc khảo cổ, thành phần giao thông gắn liền). Tôn trọng và giữ lại cho được sự hòa nhập của các thành phần kiến trúc thay thế và bổ sung qua các thời kỳ; tôn trọng thực thể khách quan và tuổi tác, niên đại, màu thời gian của công trình. Hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết, tránh làm thay đổi những đặc điểm cơ bản tạo nên các giá trị của di tích", ông Ngọc cho biết.

Di tích Chùa Cầu – Hội An được tu bổ theo nguyên tắc, giải pháp nào? - Ảnh 2.

Tu bổ phải đảm bảo giữ lại tối đa các dấu tích vật chất hiện hữu, xác thực hàm chứa các giá trị lịch sử văn hóa của di tích Chùa Cầu, qua đó, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị kiến trúc, nghệ thuật đã tạo nên hình ảnh biểu tượng của Hội An.

Di tích Chùa Cầu – Hội An được tu bổ theo nguyên tắc, giải pháp nào? - Ảnh 3.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trong trường hợp buộc phải can thiệp, ưu tiên bảo quản, gia cường trước khi áp dụng các giải pháp tu bổ, tôn tạo, phục hồi; sử dụng chủ yếu các thủ pháp và kỹ thuật tu sửa truyền thống, đặc biệt tuân thủ thuộc tính lắp ghép của cấu trúc nhằm không gây ra sự xáo trộn thể tĩnh học công trình. Không cản trở các thế hệ sau trong việc nghiên cứu cũng như duy tu, bảo dưỡng di tích…

Giải pháp tổ chức thi công tu bổ di tích Chùa Cầu được thực hiện với cách thức mẫu mực, áp dụng đầy đủ các quy trình, giải pháp thi công bài bản, khoa học. Các giải pháp thi công được cân nhắc áp dụng phù hợp các quy trình tu bổ, bảo quản các di tích gỗ đã được đánh giá, chắt lọc, đúc kết từ thực tiễn; đáp ứng các yêu cầu về quản lý, giám sát chất lượng; tuân thủ quy trình thủ tục theo quy định; phù hợp các tiêu chuẩn chuyên ngành, các tiêu chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn liên quan khác…

"Hồ sơ về quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu đã được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tập hợp, biên soạn và xuất bản với tên gọi "Tu bổ di tích Chùa Cầu" và phát hành trong dịp khánh thành ngày 3/8/2024 với hy vọng sẽ đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách gần xa, người dân Hội An có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu. Đây cũng là cơ sở dữ liệu lưu trữ quan trọng cho thế hệ hôm nay và mai sau trong công tác quản lý bảo tồn, phát huy di tích Chùa Cầu", ông Ngọc chia sẻ.

Di tích Chùa Cầu – Hội An được tu bổ theo nguyên tắc, giải pháp nào? - Ảnh 4.

Lễ khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu sẽ được tổ chức lúc 16 giờ 30 ngày 3/8 nhân sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20.

Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam mong tiếp tục nhận được các góp ý về Chùa Cầu

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, mấy ngày vừa qua, ông nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn… hỏi quan điểm của ngành Văn hóa tỉnh về kết quả thực hiện dự án trùng tu Chùa Cầu - Hội An.

Ông Hồng cho biết, Chùa Cầu - Hội An là công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa đặc biệt, là di tích thành phần đặc biệt trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An-vừa là Di sản Văn hóa thế giới.

"Di tích Chùa Cầu đã được trùng tu nhiều lần chứ không phải lần trùng tu này là đầu tiên. Việc trùng tu lần này là cấp bách vì nếu không công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến và đã được UBND TP Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý. Đồng thời, Thành phố Hội An đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, tham vấn ý kiến cộng đồng, lãnh đạo Hội An qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, phía Nhật Bản (Jica, Đại sứ quán và các đối tác) và đã được UBND tỉnh, Bộ VHTTDL phê duyệt trên cơ sở thẩm định của các cơ quan chuyên môn", ông Hồng cho biết.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, theo báo cáo của UBND TP Hội An và thực tế tại di tích Chùa Cầu hiện nay, sau khi trùng tu cho thấy Hội An đã thực hiện đúng như thiết kế dự án đã được phê duyệt và đảm bảo các quy định pháp lý về trùng tu di tích. Việc dư luận, nhiều người quan tâm có ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến Chùa Cầu - Hội An, nhất là hình ảnh cổ kính của Chùa Cầu và Quảng Nam.

"Ngành Văn hóa và thành phố Hội An luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để ngành Văn hóa tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn", ông Hồng nói.

Đức Hoàng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×