Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Di sản góp phần tạo dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

05/02/2025 | 14:38

Cuối năm 2024, TP.HCM đã có thêm năm di tích được xếp hạng. Hệ thống di sản phong phú và đa dạng này không chỉ góp phần tạo nên không gian văn hóa đặc trưng của thành phố, mà còn phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần xây dựng và khẳng định không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Di sản góp phần tạo dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ tại TP.HCM

Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận cho biết, những năm qua, Sở VHTT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đóng góp quan trọng vào việc tạo dựng không gian văn hóa đặc trưng của thành phố.

Nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Đến nay, TP.HCM có 193 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng. Thành phố cũng đang tiến hành kiểm kê hơn 130 công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản. Việc đầu tư, tu bổ và tôn tạo các di tích, đặc biệt là các công trình có giá trị lịch sử, được ưu tiên với nguồn vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa ngày càng tăng. Trong giai đoạn từ 2023-2024, nguồn vốn đầu tư tu bổ di tích bằng ngân sách nhà nước đạt khoảng 580 tỉ đồng, tăng hơn 600% so với giai đoạn trước.

Về di sản văn hóa phi vật thể, TP.HCM cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Gần đây nhất, nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa ở TP.HCM” được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy TP.HCM đã có bốn di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục này. Bên cạnh đó, TP.HCM còn có di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Hiện nay, TP.HCM có 18 bảo tàng, trong đó có 7 bảo tàng trực thuộc Sở VHTT, và 6 trong số này đã được Bộ VHTTDL xếp hạng một. Bên cạnh đó, số lượng bảo tàng ngoài công lập tại thành phố cũng đang tăng dần. Các bảo tàng công lập và ngoài công lập đều đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong năm 2023-2024, thành phố đã đón hơn 5,8 triệu lượt khách tham quan bảo tàng.

Công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng là dự án tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), hiện đã khánh thành đưa vào phục vụ công chúng từ ngày 3.1.2025. Tại bảo tàng, có một không gian rất đặc biệt đã được hình thành, đó là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đây là khu vực được thiết kế để trở thành điểm đến thường xuyên của cán bộ, nhân viên bảo tàng và khách tham quan, nơi mọi người có thể tìm hiểu, trải nghiệm và giao lưu với những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Sở VHTT đang tiếp tục triển khai một số dự án quan trọng khác, như dự án trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, dự án cải tạo và mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM, và dự án xây dựng mới Bảo tàng TP.HCM tại Công viên Lịch sử văn hóa Dân tộc, TP Thủ Đức.

Sở VHTT đang chỉ đạo các phòng chuyên môn hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để cấp thẩm quyền xem xét cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa TP.HCM; triển khai thực hiện các quy trình để lập hồ sơ Địa đạo Củ Chi đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, mà còn góp phần xây dựng không gian văn hóa phong phú, đa dạng, thể hiện bản sắc đặc trưng của TP.HCM.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong kỷ nguyên mới

Cách nay 80 năm, ngày 23.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, cụ thể là cổ tích: “Bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”… Đến nay, sắc lệnh ấy vẫn giữ nguyên ý nghĩa, là kim chỉ nam cho công cuộc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử, các công trình văn hóa là một phần quan trọng trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Tại TP.HCM, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là việc xếp hạng các di tích. Mới đây, TP.HCM đã xếp hạng năm di tích cấp thành phố, gồm: Trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, Trụ sở UBND quận 1, Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Mộ ông Binh Bộ Kiểm Duyệt Tỵ, Thừa vụ lang họ Trần. Đây là những minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng, cộng đồng và người dân TP.HCM trong việc bảo vệ những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc.

Việc các di tích này được xếp hạng không chỉ giúp bảo tồn những công trình có giá trị lịch sử mà còn là động lực quan trọng để tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và quảng bá về di sản văn hóa. Các di tích không chỉ có giá trị vật thể mà còn là những yếu tố mang tính biểu tượng, kết nối quá khứ với hiện tại, tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng của thành phố. Bên cạnh đó, TP.HCM còn sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, bao gồm các lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng, và các sinh hoạt văn hóa đặc sắc khác. Đây là những yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện đại.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác bảo tồn di sản văn hóa và di tích lịch sử đang đối mặt với không ít thách thức. Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các yếu tố toàn cầu hóa có thể khiến các giá trị văn hóa truyền thống dễ bị mai một, bị lãng quên trong guồng quay của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành di sản văn hóa ứng dụng các công nghệ mới như số hóa di sản, phục vụ việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích và các yếu tố văn hóa phi vật thể đến đông đảo công chúng. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM không chỉ là sự kết tinh của các di tích vật thể và phi vật thể, mà còn là nơi thể hiện niềm tự hào dân tộc, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Ngành Du lịch và Văn hóa thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch bền vững, dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Du lịch văn hóa không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế mà còn là phương thức giáo dục về truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích góp phần tạo dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM là một nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Để di sản văn hóa thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, cần nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn và ứng dụng công nghệ hiện đại để di sản văn hóa không chỉ được bảo vệ nguyên vẹn mà còn sống động trong đời sống đương đại. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×