Đến năm 2030 TP.HCM trở thành Thành phố văn hóa: Mục tiêu mới với thách thức không nhỏ
22/12/2021 | 15:55Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo Xây dựng TP.HCM văn hóa, hiện đại, nghĩa tình - sự kiện có thể coi là khá hiếm hoi, khi mà một đơn vị chuyên nghiên cứu về lĩnh vực khoa học công nghệ và kỹ thuật lại quan tâm đặc biệt và tổ chức một diễn đàn quy mô về văn hóa.
GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động góp phần hiện thực hóa mục tiêu do Đại hội XI Đảng bộ TP.HCM đặt ra: Đến năm 2025, TP.HCM sẽ trở thành Thành phố thông minh, hiện đại, nghĩa tình và đến năm 2030 sẽ là Thành phố văn hóa.
Tất yếu lịch sử
Tại Hội thảo, các nhà khoa học nhìn nhận, trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, văn hóa ngày càng trở thành vấn đề quan trọng, mang tính thời sự toàn cầu, thu hút nhiều nhà văn hóa, khoa học quan tâm, nghiên cứu. Trong 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn mang tầm vóc lịch sử. Trong đó, văn hóa có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém nhất định. “Như vậy, xây dựng TP.HCM - Thành phố văn hóa, hiện đại, nghĩa tình là một tất yếu lịch sử, có nội dung sâu sắc và toàn diện, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của Đảng bộ và nhân dân TP”, PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM khẳng định.
Theo TS Lê Thái Hỷ, Hội đồng Khoa học TP.HCM, “Lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, lãnh đạo Thành phố đặt mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, xây dựng TP.HCM trở thành thành phố văn hóa. Chúng ta thường nghe về mục tiêu xây dựng TP.HCM sớm trở thành “một trung tâm công nghiệp, thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”, hay “đô thị thông minh”, nay là Thành phố văn hóa - một mục tiêu mới với thách thức không nhỏ”. TS Hỷ cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này trong thời gian 10 năm (2 nhiệm kỳ), trước hết phải có sự nhận thức, thấu hiểu đúng và trúng những vấn đề liên quan; định vị, đánh giá hiện trạng nền văn hóa rồi mới nói đến hành động cụ thể, phù hợp với nguồn lực của Thành phố.
Trong toàn bộ tiến trình lịch sử và trong bối cảnh chung của cả nước, TP.HCM chưa bao giờ đứng trước những tiền đồ và thử thách lớn như hiện nay. Bên cạnh những mục tiêu chiến lược đã xác định rõ ràng là những yêu cầu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và xây dựng thành phố thông minh đã trở thành xu thế chung của cả nước, của thế giới, trong tình hình sự biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, xét về bản chất, nội dung “Văn hóa - Hiện đại - Nghĩa tình” là những hệ thống giá trị tiếp nối từ dòng chảy văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc. Trong không gian văn hóa TP.HCM và bên cạnh văn hóa Hồ Chí Minh, các giá trị đó đã và đang định hình, phát triển dựa trên sự tích hợp, nhân lên những giá trị truyền thống vốn có của dân tộc, kết hợp những giá trị hiện đại của văn minh đô thị, kinh tế thị trường hàng hóa, của khoa học kỹ thuật và công nghệ… để trở thành động lực phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược đã xác định của thành phố”.
Không nên xây dựng theo hướng áp đặt
TS Hồ Thiện Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, muốn xây dựng TP.HCM trở nên Thành phố văn hóa, hiện đại, nghĩa tình, thì điều kiện cần là phải thắp lên ngọn lửa khát vọng thiết thực, thiết thân với đại đa số dân cư. TS Lê Thái Hỷ nhấn mạnh 3 trụ cột: “Tôi cho rằng cần phát triển dựa trên 3 trụ cột chính: Kinh tế, môi trường và văn hóa. Trên cơ sở xây dựng vững chắc 3 trụ cột này, thành phố có thể triển khai các chương trình phát triển đặc thù như đô thị thông minh, thành phố học tập suốt đời, chính quyền đô thị, chính quyền số, các chương trình phúc lợi xã hội…”. Theo chuyên gia này, xây dựng Thành phố văn hóa cần chú trọng các nội dung: Bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, công trình cổ xưa,…; Tiếp cận, xây dựng các giá trị tiến bộ của văn minh đô thị để thích nghi, hòa nhập và tiến bộ; Lan tỏa, thẩm thấu các giá trị văn hóa truyền thống vào các giá trị văn hóa đô thị làm phong phú thêm giá trị văn hóa đô thị, kết tinh thành bản sắc riêng cho thành phố…
Còn theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM: “Để giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của bản sắc văn hóa và đặc trưng năng lực tính cách người Sài Gòn - TP.HCM, không nên xây dựng theo hướng áp đặt những bộ tiêu chí và các quy định chi tiết về hành vi cụ thể theo ý muốn chủ quan, mà phải xây dựng khung pháp luật công bằng và nhân văn, đồng thời thực thi nghiêm túc để bảo vệ bằng được quyền lợi chính đáng của những người lương thiện và kiên quyết chống sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai”.
Ở góc độ nghiên cứu văn hóa ASEAN, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Trường ĐH KHXHNV TP.HCM chia sẻ, cần xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa - văn minh đô thị TP.HCM. Theo bà Xuân: “Trong bối cảnh đa dạng văn hóa vốn là đặc thù của đô thị, cộng thêm sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học kỹ thuật trên nền tảng số, thiết nghĩ việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa - văn minh đô thị TP.HCM cũng là hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thành phố văn hóa - hiện đại - nghĩa tình, giàu bản sắc. Song song đó, cần phải kiến tạo, bồi đắp nền tảng văn hóa ứng xử từ trong các gia đình, trường học, công sở, doanh nghiệp,… để mọi người có thái độ, kiến thức, kỹ năng và thói quen cư xử với người khác, với tổ chức của mình và xã hội một cách có văn hóa”.
Lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, xây dựng TP.HCM trở thành Thành phố văn hóa. Chúng ta thường nghe về mục tiêu xây dựng TP.HCM sớm trở thành “một trung tâm công nghiệp, thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”, hay “đô thị thông minh”, nay là Thành phố văn hóa - một mục tiêu mới với thách thức không nhỏ. (TS LÊ THÁI HỶ, Hội đồng Khoa học TP.HCM) |
THÙY TRANG, Báo Văn hóa