Đề xuất chính sách bảo lãnh tín dụng cho DN du lịch thông qua ngân hàng với tổng trị giá 150.000 tỷ đồng
06/05/2020 | 08:30Các DN du lịch đang chờ hồi sinh sau đợt dịch Covid-19 và theo đề xuất của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) với Chính phủ xem xét một chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150.000 tỷ đồng.
Đại đa số DN sẽ có khả năng hoàn trả các khoản vay
Theo khảo sát của TAB, 71% doanh nghiệp du lịch cho biết doanh thu trong quý I/2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ 2019, 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý II sẽ giảm hơn 80% so với quý II/2019.
Trong số các DN tham gia khảo sát, 18% DN đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và 48% DN đã cho nghỉ việc với tỷ lệ hơn 50%. Đồng thời, 75% DN có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau với người lao động bị mất việc.
Hơn 88% DN phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ.
Rất nhiều doanh nghiệp vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ vì các ngân hàng từ chối hồ sơ vay vốn do các quan ngại về khả năng trả nợ của người vay, hoặc vì không thể chứng minh được sẽ có dòng tiền dương.
TAB đánh giá ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra bởi dịch Covid-19 đã tác động mang tính hủy diệt đối với lĩnh vực du lịch lữ hành.
Năm 2019, ngành du lịch của Việt Nam đã đóng góp 8,8% GDP (536.000 tỷ đồng). Số lượng người lao động đạt 4,9 triệu người, hay 9,1% tổng số lao động cả nước.
Mới đây, trong bức thư gửi Thủ tướng, TAB đề xuất Chính phủ xem xét một chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch, nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch và lữ hành trong bối cảnh Covid-19.
Theo chương trình này, các doanh nghiệp đăng ký sẽ có thể vay vốn định kỳ hàng quý cho hai quý tiếp theo, với số tiền tương đương với khoản thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp và đóng góp ngân sách năm 2019, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng đảm bảo cho các hình thức bảo hiểm xã hội và y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
"Cấu trúc như vậy sẽ đơn giản để các ngân hàng thực hiện và giúp được các DN kinh doanh hợp pháp, chuyên nghiệp duy trì hoạt động. Đại đa số DN sẽ có khả năng hoàn trả các khoản vay"- TAB tin tưởng.
Những doanh nghiệp nằm trong diện kiến nghị là phải có đầy đủ các yếu tố, bao gồm vốn điều lệ tối thiểu 3 tỷ đồng, có tối thiểu 10 người lao động toàn thời gian vào thời điểm 29/2/2020 cũng như đóng đủ các khoản của năm 2019.
TAB kiến nghị lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm rút vốn vay cộng thêm 0,5%, cố định trong 6 tháng. Doanh nghiệp sẽ trả nợ vay làm hai lần, vào thời điểm 11 tháng sau mỗi lần rút vốn vay từ năm 2021.
"Cấu trúc như vậy sẽ đơn giản để các ngân hàng thực hiện và giúp được các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chuyên nghiệp duy trì hoạt động. Chúng tôi tin rằng đại đa số doanh nghiệp sẽ có khả năng hoàn trả các khoản vay", TAB kiến nghị.
TAB cho biết đang tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp khách sạn thành viên cung cấp chỗ ở miễn phí cho các du khách bị mắc kẹt lại ở Việt Nam có khó khăn về tài chính, cùng với các lựa chọn ăn uống không đắt tiền. Đồng thời liên hệ với các đại sứ quán có công dân mắc kẹt lại ở nước ta. "Đó là những cử chỉ nhỏ của ngành chúng tôi nhằm tăng sự thông cảm và đoàn kết với các thị trường nguồn"- bức thư của TAB gửi Thủ tướng nêu.
Các DN tìm hướng hồi sinh
Theo các chuyên gia, du lịch là một ngành kinh tế có khả năng phục hồi tốt. Điều này đã được chứng minh qua nhiều đợt khủng hoảng lớn trên toàn cầu như dịch SARS năm 2003, khủng hoảng kinh tế năm 2009…. Sau những cú sốc này, du lịch đã phục hồi nhanh chóng và tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau đó dù phải chịu những tổn thất nặng nề. Do vậy, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam và thế giới, ngành du lịch sẽ nhanh chóng hồi sinh nếu có sự đồng lòng vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp, địa phương và người dân.
Việc các địa phương, doanh nghiệp du lịch tái khởi động vào kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 trong bối cảnh lượng khách còn ít ỏi là nỗ lực lớn và quan trọng để hâm nóng thị trường du lịch vốn bị đóng băng trong nhiều tháng qua.
Ông Nguyễn Lâm An – Giám đốc Công ty CPDV Cáp treo Bà Nà cho hay, ngành du lịch Việt Nam đã bị tê liệt trong thời gian qua và sẽ cần thời gian dài nữa mới có thể phục hồi. Do đó, việc Bà Nà Hills mở cửa trở lại với những ưu đãi hấp dẫn dành cho người dân 19 tỉnh thành miền Trung- Tây Nguyên được kỳ vọng sẽ góp phần kích hoạt thị trường du lịch Đà Nẵng nói riêng và thị trường du lịch nội địa nói chung, từ đó giải quyết công ăn việc làm cho nhân lực ngành du lịch và từng bước kích cầu, phá băng du lịch Việt Nam sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh dù biết trước lượng khách sẽ giảm mạnh.
Dự báo, kể từ sau dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, thị trường du lịch nội địa sẽ sôi động hơn với sự vào cuộc đồng loạt của các doanh nghiệp du lịch và các chương trình kích cầu mạnh mẽ trên cả nước.
Theo đại diện của Tập đoàn Sun Group, tập đoàn này sẽ phối hợp với Vietnam Airlines tung ra những gói ưu đãi vô cùng hấp dẫn kéo dài từ nay đến cuối năm, đặc biệt dành cho đối tượng khách là gia đình.
Tập đoàn du lịch nghỉ dưỡng lớn hàng đầu cả nước này cũng đang chuẩn bị ra mắt hàng loạt sản phẩm mới như khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Yoko Onsen ở Quang Hanh, Cẩm Phả (Quảng Ninh) sắp đi vào vận hành giai đoạn 1 của dự án; khu nghỉ dưỡng Premier Village Halong Bay sắp khai trương; tuyến cáp treo 3 dây vượt biển Cát Hải – Phù Long trong hệ thống cáp treo Cát Bà dự kiến sẽ chính thức khai trương trong quý II năm nay; Sun World Ba Na Hills sẽ khai trương một tuyến cáp mới cùng với lâu đài Ravenstone – nơi tái hiện "hội chợ phù hoa" châu Âu cổ điển…/.