Để văn hóa thực sự là nền tảng, động lực, nguồn lực của sự phát triển đất nước
12/02/2021 | 23:02Năm 2020, quán triệt phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả" của Chính phủ, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đề ra, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh và thiên tai. Bước vào năm 2021 với một khí thế mới, ngành văn hóa, thể thao và du dịch cần có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam, để văn hoá thực sự "là nền tảng, là động lực, nguồn lực phát triển đất nước".
Có thể nói năm 2020 là năm khó khăn của không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới bởi tác động của dịch bệnh COVID-19. Ở nước ta, không chỉ bệnh dịch mà thiên tai cũng gây hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, kinh tế, văn hóa, xã hội... vẫn đạt nhiều thành tựu đáng kể. Trong đó, không thể thiếu sự đóng góp của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Về lĩnh vực văn hóa, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được tăng cường. Nhiều di sản đã được bảo vệ, phát huy giá trị. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có nhiều đổi mới, tạo sự lan tỏa, thẩm thấu vào các mặt của đời sống xã hội. Việc thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được triển khai sâu rộng ở cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Cùng với lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực thể dục thể thao cũng hoàn thành các mục tiêu lớn đã đặt ra. Về thể thao thành tích cao, chúng ta đã tập trung đào tạo, tập huấn VĐV thành tích cao sẵn sàng tham dự các giải thể thao khu vực, châu lục và thế giới như: Tham dự vòng loại Olympic, Paralympic Tokyo, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 6, SEA Games 31 năm 2021… Chúng ta đã tổ chức 148 giải thể thao quốc gia trong khi vẫn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID -19 khiến người hâm mộ thể thao trong nước và quốc tế hoan nghênh. Năm 2020, thể thao Việt Nam đã tham dự 18 cuộc thi đấu quốc tế, giành được 26 HCV, 11 HCB, 8 HCĐ; có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo.
Trong lĩnh vực du lịch, dịch bệnh COVID-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình trên 22,7%/năm trong giai đoạn 2015-2019 của du lịch Việt Nam. Tính cả năm 2020, Việt Nam đón 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1% và tổng thu từ du lịch chỉ đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7%, tương đương 19 tỷ đô la Mỹ. Dù vậy du lịch Việt Nam vẫn tiếp tục được thế giới ghi nhận với những giải thưởng danh giá như: Năm thứ 2 liên tiếp là điểm đến hàng đầu thế giới về di sản; điểm đến hàng đầu châu Á về văn hóa và ẩm thực; điểm đến du lịch golf tốt nhất châu Á, kèm theo đó là hàng loạt giải thưởng, danh hiệu hàng đầu thế giới và khu vực của các doanh nghiệp du lịch trong nước.
Dẫu rằng, thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp là có thật. Nhiều hội thảo, nhiều tài liệu đánh giá là xuống cấp đáng báo động, một số mặt nghiêm trọng, thể hiện rõ ở tội phạm, tệ nạn, những hành vi bị đồng tiền chi phối, một số giá trị văn hóa truyền thống bị mai một... nhưng đánh giá thực trạng cần nhìn nhận ở cả hai mặt.
Trong bối cảnh khó khăn chung, một điểm sáng của năm 2020 đó là tinh thần nhường cơm sẻ áo khi thiên tai, tinh thần đoàn kết, hy sinh để chống dịch bệnh của người dân Việt Nam. Trong Hội nghị Triển khai nhiệm vụ của ngành năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định, chưa có lúc nào trong dịch bệnh, thiên tai, những giá trị nhân văn, tốt đẹp nhất của dân tộc lại được khơi lên như vậy.
Câu chuyện của văn hóa, hình thành văn hóa, đạo đức xã hội là câu chuyện dài hơi của mấy chục năm, trăm năm thậm chí dài hơn. Tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội xuất hiện từ khi chúng ta chuyển đổi sang cơ chế thị trường, bắt đầu đổi mới thì thấy rõ hơn. Nhưng mặt khác chúng ta không quên và vẫn rất tự hào về những ưu điểm lớn nhất của đạo đức, văn hóa xã hội Việt Nam.
Trong Nghị quyết số 33-NQ/TƯ đã nêu rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng". Và thực tế chúng ta cũng có thể thấy, biểu hiện của sự tha hóa len lỏi ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội với các mức độ khác nhau. Đây là hệ quả của rất nhiều yếu tố tác động: từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và của các phương tiện truyền thông mới; những bất cập về thể chế, cơ chế, đi kèm với những yếu kém trong thực thi pháp luật, quản lý xã hội; một số nơi các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức tới việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống, nâng cao văn hóa ứng xử.
Tuy nhiên, dân tộc ta có truyền thống yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc vô cùng lớn lao. Cùng với đó là tình yêu thương đồng loại, thương người. Chưa thấy quốc gia nào mà trong lũ lụt, dịch bệnh như vừa qua người dân lại thương nhau, chia sẻ, giúp đỡ nhau nhiều đến như vậy! Những ngày đồng bào miền Trung oằn mình hứng chịu lũ lụt thì ở nhiều nơi trên cả nước cũng hô hào góp sức cho tiền tuyến với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".
Trong dịch bệnh, thiên tai, những giá trị nhân văn, tốt đẹp nhất của dân tộc lại được khơi lên
Dù rằng hiện tượng xuống cấp của toàn xã hội là đáng báo động nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một cách công bằng. Chúng ta nhìn thẳng vào những khiếm khuyết để khắc phục và gần đây đã có những khắc phục rất tốt.
Cũng cần khẳng định, chống xuống cấp đạo đức, lối sống phải là công việc của cả hệ thống chính trị, phải có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả và cộng đồng trách nhiệm của tất cả các cấp, các Bộ, ngành, địa phương, gia đình, trường học và toàn xã hội và phải làm lâu dài. Trong đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay, trước hết cần phải giải quyết cho được những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và cần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp như tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, ngành sẽ đẩy mạnh việc xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử, tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống như: phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", phát huy hiệu quả phối hợp giáo dục của 3 môi trường "gia đình - nhà trường - xã hội", tiếp tục thí điểm thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình". Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: du lịch, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp... Cùng với đó, ngành cũng sẽ làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong các lĩnh vực quản lý của ngành.
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 và các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt. Đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là đối với đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải hàng không.
Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi và được kế thừa những thành tựu quan trọng của 35 năm đổi mới, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp; yêu cầu cho đầu tư phát triển, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế. Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ… vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Để đổi mới hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện từng khẳng định, chúng ta cần kiên trì mấy quan điểm như sau:
Thứ nhất, phải tiếp tục đổi mới tư duy quản lý văn hóa theo hướng kiến tạo, minh bạch, hiệu quả; phải cụ thể hóa tư tưởng Chính phủ kiến tạo trong các hoạt động quản lý của ngành văn hoá, tránh để tình trạng "không quản được thì cấm", tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân có thể tham gia vào các hoạt động văn hoá.
Du lịch Việt Nam tiếp tục được thế giới đánh giá cao với những giải thưởng danh giá
Thứ hai, quản lý văn hóa cần chú ý đến quyền văn hóa của người dân. Quản lý dựa trên quyền là cách làm phù hợp với việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Từ việc chú ý đến quyền văn hóa của người dân, chúng ta sẽ tạo điều kiện tối đa để người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá, từ đó tạo điều kiện cho văn hóa nói chung phát triển; đồng thời cũng chú ý đến các nhóm yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi trong hưởng thụ và sáng tạo văn hóa để thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với người dân, thực hiện chính sách "không bỏ ai lại phía sau".
Thứ ba, xây dựng những chính sách, biện pháp để chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng cách triển khai kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử trong ngành văn hoá, chuyển đổi mô hình hoạt động sang nền tảng trực tuyến, tinh giản nhân lực và tối đa hóa nguồn lực trong các cơ quan, đơn vị của ngành.
Để phát triển văn hóa là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ và lâu dài. Chính vì vậy, ngành văn hóa, thể thao và du dịch cần có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, để văn hóa thực sự "là nền tảng, là động lực, nguồn lực phát triển đất nước"./.