Để tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu tại Huế” thực sự hấp dẫn
08/09/2022 | 09:21Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp với Sở Du lịch để hoàn thiện đề án khai thác tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu tại Huế”. Với hệ thống di tích, di sản đồ sộ liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế đang có nhiều lợi thế khi khai thác tour du lịch giáo dục gắn với các sản phẩm trải nghiệm làng nghề ở vùng ven.
Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ phát triển du lịch là đề án quan trọng được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho ngành văn hóa, du lịch và các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Sở Du lịch đã tiến hành khảo sát xây dựng tour du lịch giáo dục “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu tại Huế”, kết hợp tham quan hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan các làng nghề truyền thống, trải nghiệm các dịch vụ văn hóa tại các di tích và địa phương. Trong đó định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch hướng đến các đối tượng khách như: Dòng khách nội địa, cựu chiến binh, học sinh sinh viên, cùng dòng khách đến từ các thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…
Bảo tàng Hồ Chí Minh, Sở Du lịch cùng các đơn vị lữ hành đã cùng khảo sát tour du lịch giáo dục mới “Thời niên thiếu của Bác Hồ tại Huế” qua các điểm di tích, gồm: Bảo tàng Hồ Chí Minh; địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ tại khu vực núi Bân; Trường THPT Quốc Học Huế; Tòa Khâm sứ Trung Kỳ; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan; Đình làng Dương Nỗ và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ. Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế, thông tin: Thừa Thiên Huế được xem là quê hương thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi Người đã có 10 năm gắn bó với mảnh đất này. Hiện trên địa bàn tỉnh hiện có gần 10 di tích và điểm di tích lưu niệm về Bác Hồ, đặc biệt trong đó có 4 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Từ đầu năm 2022 đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế và hệ thống các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế đã đón hơn 98.650 lượt khách; trong đó có 41 đoàn đã tham gia sinh hoạt ngoại khóa tại các di tích lưu niệm về Bác.
Khai thác các giá trị về di sản, di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là lợi thế lớn của Thừa Thiên Huế, nhưng nhiều năm qua lại ít được chú trọng khiến cho du khách cảm giác đơn điệu khi chỉ đến tham quan rồi về; cũng có một số hoạt động trải nghiệm song phần lớn dành cho học sinh, sinh viên trong tỉnh và được tổ chức ở các điểm riêng lẻ, thiếu sự liên hoàn gắn với thời niên thiếu của Bác Hồ tại Huế. Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do các dịch vụ ở di tích và các điểm kết nối tour tuyến chưa thực sự hấp dẫn. Trong đợt khảo sát lần này, ngành du lịch cũng sẽ nhìn nhận để cùng với bảo tàng có sự điều chỉnh, kết nối hấp dẫn cho tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu tại Huế”. Do đó, ngoài các điểm di tích, đoàn khảo sát cũng mở rộng đến các các địa chỉ văn hóa, trải nghiệm các điểm du lịch cùng tuyến để kết nối tour như: Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trúc Chỉ Garden, cơ sở may đo áo dài Đoan Trang, trải nghiệm tranh dân gian làng Sình và rừng ngập mặn Rú Chá…
Để khai thác hiệu quả tour du lịch giáo dục “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu tại Huế”, tại các di tích về Người cũng được nâng cấp, chỉnh lý không gian và nội dung trưng bày một cách khoa học, hiện đại và phù hợp với nhu cầu của du khách. Trong đó, điểm nhấn là cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ (xã Phú Dương) với không gian trưng bày được mở rộng theo hướng kết nối, tổ chức thêm các không gian trưng bày bổ sung như: Trưng bày về lịch sử phát triển của làng Dương Nỗ, trưng bày ngoài trời theo con đường dọc bờ sông Phổ Lợi nối đình làng Dương Nỗ và Nhà lưu niệm Bác Hồ (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt)…; đồng thời chỉnh trang, tạo cảnh quan kết nối 2 di tích này và các điểm di tích lân cận. Đặc biệt, từ cụm di tích này có thể kết nối để du khách đến trải nghiệm làm tranh làng Sình (xã Phú Mậu) hoặc rừng ngập mặn Rú Chá (ở xã Hương Phong) và cùng thưởng thức ẩm thực đặc trưng của các vùng ven này.
Theo các chuyên gia, đối với tour du lịch cần thiết kế nhiều chương trình du lịch lựa chọn hoặc thời gian tour (1/2 ngày hay cả ngày), phương tiện di chuyển… để du khách dễ dàng tiếp cận và chọn lựa địa điểm muốn tham quan, khám phá, trải nghiệm. “Sau đợt khảo sát này, chúng tôi sẽ có cuộc họp lấy ý kiến của ngành du lịch, các đơn vị lữ hành và hoàn chỉnh tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu tại Huế” để có chương trình giới thiệu, quảng bá và sớm khai thác tour du lịch này”, bà Lê Thùy Chi cho hay.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, để phát huy giá trị của tour cũng như làm mới, bổ sung điểm tham quan tuyến, có thể xem xét hợp tác với ngành du lịch Nghệ An để gắn với tour đường bộ (hoặc tàu hỏa) về làng Sen quê Bác. Tuy nhiên, cần tiến hành khảo sát và đánh giá nhu cầu, nguyện vọng của du khách và các trường học để kết nối, lồng ghép giữa tour để có nội dung giới thiệu mang tính xuyên suốt về thời niên thiếu của Bác Hồ, tạo được sự quan tâm tìm hiểu của du khách và mang tính thực tế, hấp dẫn.