Để lan tỏa giá trị di sản Vịnh Hạ Long...
22/09/2020 | 15:21Vịnh Hạ Long với thương hiệu Di sản thiên nhiên thế giới đã tạo ra những bước phát triển đột phá cho du lịch Quảng Ninh thời gian qua. Và cho đến giờ, Vịnh Hạ Long vẫn là điểm đến khó có thể bỏ qua của du khách bốn phương khi tới Quảng Ninh...
Chú trọng bảo vệ môi trường di sản
Lượng khách tham quan Vịnh Hạ Long theo thống kê trong 5 năm trở lại đây đều tăng qua các năm, đạt trên 18,1 triệu lượt, trong đó số khách nước ngoài là hơn 12,3 triệu. Nguồn thu phí tham quan năm sau cao hơn năm trước, đạt hơn 4.700 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 4.000 tỷ đồng. Từ nguồn thu phí này tiếp tục đầu tư trở lại cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản ngày càng đi vào chiều sâu, theo xu hướng phát triển du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long.
Để có thể làm được điều đó, công tác quản lý môi trường tự nhiên được triển khai đồng bộ trên cơ sở cụ thể hóa Quy hoạch bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban thường trực Ban quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Việc quan trắc, giám sát chất lượng môi trường di sản được thực hiện định kỳ hàng quý tại khu vực vùng bảo vệ tuyệt đối, vùng đệm và phụ cận.
Đơn vị tập trung lực lượng, trang thiết bị đã thu gom được tổng số hơn 7.500 tấn rác thải trôi nổi tại vùng nước ven bờ và rác thải trôi nổi, rác thải phát sinh tại các khu vực có hoạt động kinh tế, xã hội trên vịnh trong 5 năm qua; đồng thời xử lý nước thải tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long. Quyết liệt triển khai các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa trên vịnh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và hưởng ứng tích cực của cộng đồng. Theo đó, từ 1/9/2019, các tổ chức, cá nhân không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh...
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, Quảng Ninh đã thực hiện quy định không đánh bắt thủy sản trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long từ ngày 1/10/2018. Bên cạnh đó thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản mới ngoài khu vực bảo vệ tuyệt đối của di sản; di dời các nhà bè kinh doanh nuôi trồng thủy sản không đúng quy định, tháo dỡ các công trình kè đá, đầm nuôi trồng thủy sản trái phép trên Vịnh Hạ Long.
Đến với Vịnh Hạ Long những năm gần đây, du khách cảm nhận sự thay đổi rõ rệt về cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang tại các điểm tham quan, như các công trình tại Thiên Cung, Đầu Gỗ, Ti Tốp, Mê Cung, Tiên Ông, Ba Hang, Vông Viêng và các điểm lưu trú nghỉ đêm trên vịnh.
Ông Phạm Đình Huỳnh chia sẻ: Các công trình được tu bổ, tôn tạo theo Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long và các quy định liên quan, với quan điểm luôn quản lý chặt chẽ các dự án và sẽ điều chỉnh kịp thời các quy hoạch không phù hợp theo hướng tôn trọng cảnh quan thiên nhiên, tôn trọng các giá trị di sản, đảm bảo môi trường bền vững để giảm thiểu các áp lực xấu đến Vịnh Hạ Long, tạo điều kiện an toàn, thuận lợi cho khách tham quan.
Nâng chất, tăng trải nghiệm
Qua tìm hiểu cho thấy, các dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long những năm gần đây ngày càng đa dạng, có nhiều dịch vụ cao cấp được đầu tư hơn. Hiện nay, trên Vịnh Hạ Long có hơn 500 tàu du lịch đưa khách tham quan vịnh, trong đó có gần 200 tàu lưu trú nghỉ đêm. Các phương tiện ngày càng được đầu tư theo hướng sang trọng, hiện đại hơn, trong đó có khoảng 30% số tàu lưu trú là tàu vỏ thép.
Nhiều dịch vụ cao cấp được đầu tư trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, như bay thủy phi cơ, bay trực thăng phục vụ nhu cầu trải nghiệm ngắm cảnh từ trên cao; đưa vào hoạt động thử nghiệm du thuyền khám phá với 3 tuyến tham quan riêng dành cho loại hình dịch vụ cao cấp này. Mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững kết hợp du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long từng bước được triển khai.
Bên cạnh đó trên vịnh đã hình thành 12 khu vực hoạt động dịch vụ kayak, đò chèo tay và 1 tuyến hoạt động của xuồng cao tốc, thuyền rồng với tổng số 1.409 kayak, 240 thuyền nan và 56 xuồng cao tốc, đảm bảo phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách trong quá trình tham quan Vịnh Hạ Long...
Để đảm bảo an toàn cũng như chất lượng trải nghiệm của du khách, các dịch vụ này đều được quản lý chặt chẽ. Hàng năm, 100% tàu du lịch đang hoạt động đều phải ký hợp đồng với nhiều điều khoản cam kết về chất lượng hoạt động, dịch vụ, bảo vệ môi trường.
Với mô hình tàu chở khách ghép phục vụ khách đi lẻ, không đi theo đoàn tham quan Vịnh Hạ Long, tại cảng tàu Tuần Châu, do Ban quản lý Vịnh Hạ Long trực tiếp quản lý, điều hành từ cuối năm 2018, đã góp phần đảm bảo quyền lợi, tạo thuận tiện cho du khách. Các dịch vụ kayak, đò chèo tay và xuồng cao tốc được rà soát, kiểm tra; có phương án đấu giá thí điểm quyền khai thác các điểm kinh doanh dịch vụ này đảm bảo thống nhất, một đầu mối quản lý...
Cùng với đó, các hoạt động kinh tế - xã hội khác diễn ra trên Vịnh Hạ Long cũng được các ngành, đơn vị, địa phương phối hợp quản lý chặt chẽ. Nhờ đó, những tồn tại liên quan đến môi trường kinh doanh du lịch trước đây gây nhiều bức xúc cho khách tham quan đã được xử lý như kinh doanh hải sản trái phép, “chặt chém” khách du lịch; giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn của các nhà bè nuôi trồng, kinh doanh hải sản. Qua thống kê trong 5 năm gần đây, các đơn vị đã phát hiện, xử lý 1.406 trường hợp vi phạm, xử phạt gần 1,6 tỷ đồng. Các trường hợp vi phạm giảm qua các năm...
Dù vậy, với đặc thù biển đảo rộng lớn, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đan xen và không ngừng gia tăng cả trên vịnh, khu vực ven bờ vẫn tạo ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long giai đoạn đã qua và trong thời gian tới đây. Đó là thách thức trong quản lý môi trường, du lịch bền vững, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh. Đó là khó khăn trong việc đầu tư những sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ trên Vịnh Hạ Long tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của di sản.
Đó là thách thức trong việc kiểm soát và xử lý chất thải bảo vệ môi trường đảm bảo đồng bộ và triệt để, nhất là từ hoạt động dịch vụ du lịch trên và ven bờ Vịnh Hạ Long, qua đó nhằm giảm thiểu những phản hồi từ khách du lịch và sự quan ngại của Trung tâm Di sản thế giới. Và gần đây nhất là khó khăn trong việc triển khai các giải pháp, có lộ trình để có thể phục hồi du lịch Vịnh Hạ Long trước tác động của đại dịch Covid-19.
Khó khăn, thách thức còn nhiều nhưng cơ hội cũng mở ra không ít, nhất là việc triển khai các nghị quyết của tỉnh về phát triển dịch vụ du lịch, môi trường... sẽ tạo nhiều thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long.
Thêm nữa, Quảng Ninh đã tiến hành sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, với việc quản lý đồng bộ hệ thống vịnh - biển - sông - núi, theo đánh giá sẽ tăng cường khả năng liên kết vùng, tạo điều kiện thực hiện quản lý theo mô hình hệ thống cũng hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đổi mới, đột phá, hiệu quả hơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long trong thời gian tới đây.