Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để giới trẻ quan tâm di sản văn hóa

24/02/2022 | 10:00

Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch tìm hiểu di sản văn hóa tại khu di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang và danh thắng Hòn Chồng. Qua hoạt động đó nhằm giúp các bạn học sinh, sinh viên thêm hiểu, thêm yêu di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Để giới trẻ quan tâm di sản văn hóa - Ảnh 1.

Danh thắng Hòn Chồng. (Ảnh minh họa)

Những trải nghiệm thú vị

Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã gửi văn bản về các phòng giáo dục và đào tạo, phòng văn hóa và thông tin, các trường học trong tỉnh để các địa phương, đơn vị quan tâm, đăng ký tham gia hoạt động tìm hiểu di sản văn hóa ở khu di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng. Khi tham gia hoạt động này, học sinh, sinh viên, giáo viên sẽ có dịp tìm hiểu, trải nghiệm để hiểu hơn về những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

Tại Tháp Bà Ponagar, các bạn trẻ sẽ được tham quan di tích, nghe thuyết minh, giới thiệu về những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng thờ Thiên Y Thánh Mẫu… Bên cạnh đó, các em được trải nghiệm tập làm thuyết minh viên; tìm hiểu về hoạt động văn hóa của dân tộc Chăm và hóa thân thành những diễn viên múa, nhạc công để biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Ngoài ra, các em còn được thực hành cách nặn gốm thủ công, cách dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm.

Tại danh thắng Hòn Chồng, học sinh, sinh viên sau khi tham quan, nghe thuyết minh viên giới thiệu thông tin về danh thắng, nhà cổ Hội quán Vịnh Nha Trang, thưởng thức nhạc cụ dân tộc truyền thống còn được tìm hiểu, trải nghiệm sử dụng một số nhạc cụ truyền thống như: Đàn bầu, đàn tranh, đàn T'rưng, đàn K'rông pút, sáo trúc, đàn đá… Ở đây, các em còn được tìm hiểu về những loại hình nghệ thuật truyền thống gồm dân ca kịch bài chòi, nghệ thuật tuồng thông qua các trích đoạn sân khấu; giới thiệu về phục trang, đạo cụ và nghệ thuật hóa trang… Ngoài ra, các em còn được tham gia một số trò chơi dân gian để buổi sinh hoạt sinh động, hấp dẫn.

Với những nội dung chương trình như vậy, các trường có thể đăng ký thời gian tham quan, ngoại khóa với thời lượng 1 buổi/1 địa điểm hoặc cả ngày ở 2 địa điểm trên. Ngoài ra, nếu có nhu cầu đi tham quan ở các di tích khác trong tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cũng sẽ phối hợp cử thuyết minh viên để giới thiệu về những di tích đó.

Hỗ trợ các trường chu đáo

Hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đến học sinh đã được Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh triển khai thực hiện trong nhiều năm qua, với những hình thức, cách làm khác nhau. Trong đó, nổi bật là hội thi tìm hiểu di sản văn hóa diễn ra hàng năm ở cấp huyện, cấp tỉnh đã được các trường và học sinh tích cực tham gia. Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do tác động của tình hình dịch Covid-19 nên hội thi này đã không được tổ chức. Năm 2022, dự kiến hội thi tìm hiểu di sản văn hóa ở các cấp vẫn sẽ được tổ chức. Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh còn thực hiện hoạt động tham quan, tìm hiểu di sản văn hóa ở di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang và danh thắng Hòn Chồng để góp phần giúp các em học sinh, sinh viên hiểu thêm về những giá trị văn hóa độc đáo ở quê hương Khánh Hòa.

Ông Trần Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết, bên cạnh việc ban hành kế hoạch, đơn vị cũng đã hoàn thành xong việc xây dựng kịch bản nội dung hoạt động cụ thể. Khi có đoàn tham gia hoạt động này, trung tâm sẽ phục vụ chu đáo; cử thuyết minh, hướng dẫn viên giới thiệu nội dung phù hợp với từng đối tượng học sinh, sinh viên; phối hợp với các nghệ nhân tổ chức cho học sinh, sinh viên thực hiện các hoạt động trải nghiệm; tổ chức biểu diễn, giới thiệu về một số nhạc cụ truyền thống; phối hợp với diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh giới thiệu, biểu diễn… Khi các trường đăng ký số lượng học sinh, sinh viên, thời gian tham gia hoạt động, trung tâm sẽ phối hợp để sắp xếp nội dung sinh hoạt phù hợp. Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh chịu trách nhiệm về kinh phí tổ chức, đồng thời hỗ trợ cho các trường chi phí chuyên chở học sinh.

Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Việc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tổ chức hoạt động tìm hiểu di sản văn hóa cho học sinh, sinh viên có ý nghĩa tích cực trong việc giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa trong nhà trường. Từ đó, khơi dậy sự quan tâm, tình yêu của các em về di sản văn hóa, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên trong hoạt động bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Tuy nhiên, để hoạt động diễn ra thành công và đạt hiệu quả thiết thực, trong quá trình tổ chức cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, cũng như phải tạo được sự sinh động, hấp dẫn trong các nội dung sinh hoạt. Cùng với đó, trong thời gian diễn ra hoạt động cần đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Báo Khánh Hòa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×