Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Để du lịch Sơn La phát triển theo hướng xanh và bền vững

17/12/2024 | 14:44

Sơn La nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Bắc, là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, có nhiều giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú… Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch Sơn La là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Sơn La, thân thiện với môi trường; đưa Sơn La trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước.

Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới 

Để du lịch Sơn La phát triển theo hướng xanh và bền vững - Ảnh 1.

Sơn La có vị trí đắc địa và hết sức quan trọng, là trung tâm của vùng Tây Bắc và là cửa ngõ đặc biệt quan trọng kết nối Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với Tây Bắc và kết nối với các tỉnh Bắc Lào - nước CHDCND Lào. Sơn La có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, gồm cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa đã tạo nên yếu tố nổi trội có tính cạnh tranh cao, đó là: địa hình và khí hậu trong lành, mát mẻ, vùng núi và cao nguyên hùng vĩ; có 12 dân tộc giàu bản sắc văn hóa với 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), 64 di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh được xếp hạng (trong đó: có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia và 46 di tích cấp tỉnh). Mộc Châu là khu du lịch quốc gia thứ 8 trong toàn quốc được công nhận theo quy định của Luật Du lịch và được tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Traval Awards) bình chọn là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”; Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La được đưa vào quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Để du lịch Sơn La phát triển theo hướng xanh và bền vững - Ảnh 2.

Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, Sơn La hiện có khoảng 30 điểm khai thác các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng, mô hình trải nghiệm du lịch vườn sinh thái.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Sơn La cho phát triển du lịch bền vững,  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định 3 khâu đột phá và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó lĩnh vực du lịch được xác định là nhóm nhiệm vụ trọng tâm quan trọng, mục tiêu đề ra là: “Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, phấn đấu đến năm 2025, được công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Định hướng xây dựng quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, kết nối phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào”.

Để du lịch Sơn La phát triển theo hướng xanh và bền vững - Ảnh 3.

Tạo đột phá để phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững

Nhận định phát triển du lịch với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, bền vững, trong những năm qua, Sơn La chú trọng phát triển du lịch nhanh bền vững gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và sản vật địa phương; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ, tôn tạo cảnh quan môi trường. Lấy du lịch văn hóa với giá trị cốt lõi là bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc làm nền tảng để hình thành các loại hình du lịch khác; phát triển du lịch thiên nhiên là sản phẩm đặc thù để tăng năng lực cạnh tranh. Khuyến khích mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm và gắn với xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn mới; lấy lợi thế về nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Để du lịch Sơn La phát triển theo hướng xanh và bền vững - Ảnh 4.

Tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022 - 2026 (gồm 4 nhóm chính sách: Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; chính sách xúc tiến quảng bá du lịch; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng) đã có hiệu quả trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch Sơn La.

Do đó các quy hoạch liên quan đến phát triển du lịch được lập và triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 02 Khu du lịch được quy hoạch là khu du lịch quốc gia (gồm Mộc Châu và Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La); hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ; thu hút đầu tư được đẩy mạnh; nhiều sản phẩm du lịch được hình thành, phát triển gắn với sinh thái, nông nghiệp và văn hóa đã đáp ứng xu thế, nhu cầu của khách du lịch. Sơn La hiện có 05 nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo bao gồm: Du lịch sinh thái, nông nghiệp; Du lịch văn hoá, lịch sử; Du lịch cộng đồng; Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; Du lịch chuyên đề (thể thao; hội thảo, hội nghị, ẩm thực). Truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai hiệu quả, rộng khắp trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế; nhiều sự kiện du lịch quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại được tổ chức; chuyến đổi số về du lịch cũng được quan tâm chú trọng; chất lượng nguồn nhân lực du lịch từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. 

Để du lịch Sơn La phát triển theo hướng xanh và bền vững - Ảnh 5.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững, Sơn La cần có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia đã được công nhận và các khu vực tiềm năng đã được đưa vào quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia; quan tâm có chính sách đủ mạnh về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan, môi trường gắn với phát triển du lịch; đồng thời có chính sách ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch.

Ngoài ra, sau khi Luật đất đại mới có hiệu lực, cần quan tâm hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển du lịch hiện nay. Đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu sớm sửa đổi, bổ sung, cập nhật mới các quy định quản lý lĩnh vực du lịch, đặc biệt là những loại hình sản phẩm, dịch vụ phát triển mới chưa có chế tài quản lý như: du lịch mạo hiểm; du lịch nông nghiệp gắn với quản lý đất đai, trật tự xây dựng; du lịch Trekking và Hiking gắn với quản lý bảo vệ rừng; du lịch Glamping và du lịch thể thao…

Bên cạnh đó cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp lĩnh vực du lịch, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý cũng như hoạt động sự nghiệp trong phát triển du lịch. Tiếp tục nghiên cứu, cải cách hành chính trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các địa phương, nhất là phân cấp cho cấp huyện trong việc thẩm định cấp phép hoạt động du lịch; tiếp tục nghiên cứu cải cách để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, cấp thị thực để thu hút khách du lịch quốc tế; ưu tiên đầu tư chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch thông minh đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; kiến nghị với cấp có thẩm quyền nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đảm bảo đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số lĩnh vực du lịch.

 Sơn La đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng Tây Bắc; phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La định hướng trở thành Khu du lịch quốc gia; từng bước xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc. 

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×