Để di sản trở thành nguồn lực phát triển
17/12/2024 | 08:21Để di sản văn hóa thực sự trở thành nguồn lực vừa phát huy giá trị vừa đóng góp vào phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, theo các nhà nghiên cứu, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư, tạo nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tại Hội nghị- Hội thảo "65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá" do Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) tổ chức, các thế hệ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, các Viện nghiên cứu, Lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố đồng quan điểm cho rằng, trong bối cảnh mới, cần nhiều chính sách đồng bộ để di sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội.
Thành tựu đi cùng thách thức
Sắc lệnh số 65/SL ngày 23 tháng 11 năm 1945 ra đời là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh được ban hành vào thời điểm đất nước còn muôn vàn khó khăn với giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, điều đó càng thể hiện rõ tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa.
65 năm qua, kể từ khi Sắc lệnh số 65/SL được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, cùng với tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta quan tâm, coi trọng, để lại nhiều dấu ấn và thành quả.
Hiện nay, trên cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có: 34 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh (gồm 08 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh); 138 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.653 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh, 589 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó có 161 hiện vật, nhóm hiện vật được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng.
Toàn quốc có 203 bảo tàng gồm 127 bảo tàng công lập và 76 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật đặc biệt quý hiếm. Qua 3 đợt xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, đã có 131 Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" và 1.619 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú".
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã khẳng định là một trong những nước thành viên tích cực tham gia các Công ước của tổ chức UNESCO (phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO), đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại.
Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho rằng, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trên con đường phát triển, chúng ta cần phải nhận diện được một số khó khăn, thách thức để cùng vượt qua. Cơ chế chính sách cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần hoàn thiện; nhận thức xã hội về di sản văn hóa cần được nâng cao hơn nữa để thật sự đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; nguồn kinh phí đầu tư cho cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần được tăng cường để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, sự phát triển kinh tế của đất nước, tạo nguồn lực cho việc tu bổ di tích nhưng cũng gây nên nhiều ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của di tích do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa… đang diễn ra nhanh chóng.
Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển đang nghiêng nhiều về phát triển nhằm đáp ứng những lợi ích trước mắt hơn là bảo tồn di sản cho những mục đích phát triển lâu dài, bền vững. Ở một số nơi, phát triển thiếu sự kiểm soát, không quan tâm đến bảo vệ di tích dẫn đến việc xâm phạm; một số nơi không khảo sát di tích trước khi triển khai dự án xây dựng và giám sát trong quá trình thi công công trình để đề xuất những giải pháp thích hợp khi phát hiện di tích nên đã hủy hoại không ít di tích, chỉ có số ít di tích được phát hiện, cứu vãn theo lối "chữa cháy" nhằm mục đích phục vụ xây dựng, phát triển...
Ở một số địa phương khi có kinh phí đã đầu tư tu bổ hàng loạt di tích trong tình trạng thiếu đội ngũ những người làm dự án có đủ chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích, thợ thi công có tay nghề, kinh nghiệm tu bổ di tích nên một số dự án tu bổ di tích không đáp ứng yêu cầu dẫn đến di tích bị làm mới, to đẹp nhưng không giữ được yếu tố gốc của di tích.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ ra những bất cập như bộ máy quản lý, nhất là tại địa phương, mỗi nơi có những mô hình quản lý di tích khác nhau, đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu tại các đơn vị quản lý di tích ở các địa phương vẫn còn mỏng và không được sử dụng đúng các vị trí cần chuyên môn cao. Việc đào tạo, tuyển dụng đội ngũ kế cận còn chưa được liên tục dẫn đến hiện tượng hụt hẫng về đội ngũ cán bộ, nhân viên kế cận.
Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn có sự chồng chéo giữa các bộ, ngành, khiến việc thực hiện công tác quản lý di tích văn hóa, triển khai các quy hoạch, dự án tu bổ di tích còn phải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục, khiến việc triển khai các quy hoạch, dự án tu bổ di tích diễn ra rất chậm, hoặc chưa đúng với quy định của Luật di sản văn hóa.
Để di sản trở thành nguồn lực
Để di sản văn hóa thực sự trở thành nguồn lực vừa phát huy giá trị vừa đóng góp vào phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, theo các nhà nghiên cứu, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư, tạo nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước và cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến di sản; Hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý di tích từ trung ương đến cơ sở, từng di tích phù hợp với quy mô, loại hình, đặc thù của mỗi di tích ở từng địa phương. Phát huy sức mạnh, tiềm năng của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích; Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động quản lý di tích đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0...
GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, cần quan tầm vấn đề chính sách và con người. "Nếu không có những định hướng, chính sách đúng đắn, kịp thời thì đất nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng về xã hội và văn hóa. Nếu như không có chính sách thực tế và kế hoạch hành động mau chóng, đúng đắn thì nền văn hóa của dân tộc sẽ bị mai một, mất bản sắc, con người Việt Nam sẽ bị tha hóa, kéo theo những hậu quả khó lường về an ninh của toàn xã hội. Cốt lõi của hệ giá trị văn hóa Việt Nam là con người và cốt lõi của giá trị con người Việt Nam là nhân cách văn hóa. Vì thế, cần có chiến lược xây dựng con người, xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện đại. Đó phải được coi là mối quan tâm hàng đầu, mục tiêu quan trọng"- GS.TS. Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh./.