ĐBSCL và TP.HCM khai thác 22 tuyến du lịch đường sông
25/12/2024 | 11:07"Cú bắt tay" giữa TP.HCM và ĐBSCL đã lên ý tưởng cho 22 tuyến và 4 trung tâm trung chuyển hành khách để phát triển du lịch. Đây là triển vọng để ĐBSCL thu hút một lượng lớn du khách lẫn doanh thu, phát huy thế mạnh sông nước với 28.000 km đường thủy.
Xuôi dòng Cổ Chiên rộng lớn, đến thủy phận ấp Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, khách du lịch sẽ thấy Cồn Hô hiện ra với màu xanh bạt ngàn của vườn cây ăn trái. Người dân xứ cồn khoác chiếc áo bà ba, đầu đội nón lá với nụ cười hiền hòa.
Cồn Hô bốn bề sóng vỗ là điểm tham quan mới nhất ở Trà Vinh theo mô hình “Du lịch tự thân”. Tại đây có hệ thống vườn cây ăn trái xanh tươi, trĩu quả quanh năm, như: vú sữa, bưởi hồng, mít thái, dừa xiêm… tách biệt với những ồn ào, khói bụi của đô thị. Ẩm thực Cồn Hô là những món cá đồng, tôm sông… được chế biến theo công thức dân dã. Đặc biệt, cụm dân cư chốn cù lao mát rượi này chỉ vỏn vẹn 21 nóc nhà, nhưng mỗi nhà có một sản phẩm riêng không trùng hợp. Nép mình bên dòng sông rộng lớn, Cồn Hô đã kể câu chuyện của sông Cổ Chiên với những loài cá nước ngọt để du khách thấy thích và muốn quay trở lại nhiều lần.
Anh Dương Đức Minh, một du khách từ TP.HCM đã 2 lần đến với Cồn Hô chia sẻ: "Cảm nhận của tôi khi đến với Cồn Hô đó là một cù lao có không gian xanh và sự chân thành. Tôi dành tình cảm đặc biệt cho Cồn Hô vì người làm du lịch ở đây đón khách bằng cả tấm chân tình của mình".
Nếu như trước đây, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quy hoạch du lịch đường sông gắn liền với các làng nghề truyền thống, thì nay, sản phẩm mới của du lịch đường sông là những bãi Cồn. Cồn Hô, Cồn Sơn hay Cồn Chim… có thể được xem là "linh hồn" của du lịch đường sông vì nếp sống trên Cồn là hiện thân của nền văn minh sông nước. Họ đón khách để kể lại câu chuyện của những bãi trầm tích hàng trăm năm ở đồng bằng; kể những “chiến tích” chinh phục dòng sông và du khách ăn những loại cá ngon của dòng sông hùng vĩ. Du khách được "chạm" vào thiên nhiên trong lành với khoản chi phí hợp túi tiền.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng cho biết: “Lợi thế của ĐBSCL là có hệ thống cù lao dài từ Bến Tre qua tới Cần Thơ. Bến Tre thì có cù lao Minh, cù lao Bảo, cù lao An Hóa. Tiền Giang có cồn Thới Sơn, cồn Phụng. Dài xuống sông Hậu có nhiều cù lao khác. Du lịch đường sông phải kết hợp hệ sinh thái vườn, sinh cảnh và đa dạng sinh học của sông ngòi thì mới đa dạng và mang sắc thái riêng của Tây Nam Bộ”.
Nằm ở hạ lưu sông Mekong, ĐBSCL có 9 đường rẽ chảy vào biển Đông với hệ thống thực vật phong phú mà chủ yếu là sản vật sông nước, cá tôm và cây ăn trái. Bên cạnh các tuyến du lịch trên dòng sông truyền thống, như: sông Vàm Cỏ (Long An), sông Tiền (Tiền Giang), sông Cổ Chiên (Vĩnh Long), sông Hàm Luông (Bến Tre), sông Hậu (An Giang - Cần Thơ)… thì mới đây, TP.HCM đã kết hợp với ĐBSCL phác thảo 22 tuyến du lịch trên sông để “nhào nặn” ra sản phẩm mới.
Theo định hướng mới nhất giữa TP.HCM – ĐBSCL, du lịch đường sông sẽ chọn 4 trung tâm trung chuyển hành khách lớn, đó là: cảng du thuyền Mỹ Tho (Tiền Giang); bến cảng hành khách Vĩnh Long (Vĩnh Long); bến tàu khách du lịch Cần Thơ (Cần Thơ) và bến tàu du lịch Châu Đốc (An Giang). 22 tuyến du lịch đường sông sẽ kết nối với 4 trung tâm này theo tỷ lệ: cảng Mỹ Tho đáp ứng 5 tuyến; cảng Vĩnh Long đón 5 tuyến; 7 tuyến xuất phát từ bến tàu khách du lịch Cần Thơ và 5 tuyến xuất phát từ bến tàu du lịch Châu Đốc.
Ví dụ, nếu tuyến từ cảng du thuyền Mỹ Tho đi Bến Tre sẽ tham quan khu du lịch Cồn Phụng, chùa Vĩnh Tràng, khu du lịch sinh thái Riverside Garden…Trong 22 tuyến thì sẽ có 12 tuyến du lịch đường sông kết nối TP.HCM với ĐBSCL. Ví dụ như: TP.HCM - Long An - Tiền Giang sẽ xuất phát từ bến Bạch Đằng - Khu du lịch Long Hữu Tây - Di tích Nhà trăm cột - Pháo đài Rạch Cát - bến trải nghiệm du thuyền, thuyền buồm Tân Viễn Đông.
Ông Võ Phạm Tân – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang cho biết những kế hoạch để đón đầu dòng khách du lịch đường sông: “Chúng tôi đã đặt loại hình du lịch sinh thái miệt vườn là chủ lực, gắn với các dịch vụ đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, đò chèo... đưa du khách lên nhà vườn hái trái cây thưởng thức tại chỗ, cảm nhận hương vị của đồng quê”.
Năm 2024, lượng khách đến ĐBSCL ước đạt trên 52 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt trên 62.000 tỉ đồng. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, các sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng và biển đảo. Trong nhiều năm qua, nhằm thu hút khách du lịch và gia tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của các điểm đến ở phía Nam, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã liên kết, hợp tác xây dựng nhiều sản phẩm, góp phần gia tăng lượng khách đến với vùng.
Trước hết, TP.HCM và các địa phương ĐBSCL đang thảo luận chính sách thuận lợi, tháo gỡ các rào cản pháp lý về đầu tư, quy hoạch thuê đất. Đối với các bến bãi hiện hữu đang tiếp tục tục đầu tư thêm không gian và các dịch vụ du lịch đi kèm. Đầu tư cải tạo, đặt báo hiệu để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Xây dựng các bờ kè bảo vệ, đặc biệt các đoạn bờ đang bị sạt lở. Về phương tiện vận chuyển đường sông thì đầu tư phù hợp với lịch trình tuyến và đa dạng hóa để tạo nên sự phong phú cho sản phẩm du lịch đường sông với các loại, như: cano, tàu tham quan, tàu có lưu trú, du thuyền...