ĐBQH đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách visa điện tử
06/11/2018 | 13:51Ngày 5/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về báo cáo của Chính phủ tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Nhiều ĐBQH đã đồng tình với báo cáo này và cho rằng, tiếp tục kéo dài thực hiện cấp thị thực điện tử sẽ thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cho ý kiến về nội dung này, ĐBQH đoàn Hà Nội Nguyễn Quốc Hưng đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc kéo dài thêm thời gian thực hiện cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu này cho biết, qua 2 năm thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, báo cáo đã nêu rõ chính sách này rất hiệu quả. Do vậy, đại biểu đề xuất tại sao phải tiếp tục thí điểm mà không cấp luôn.
"Qua thực tiễn 2 năm đã đúc kết thấy rất cần thiết nên cấp thị thực điện tử. Đề nghị không nên dùng từ "thí điểm". Khách quốc tế cũng như bên nước ngoài khi vào Việt Nam rất ngại vì có những chính sách không ổn định, thí điểm hết lần này đến lần khác"- ĐB Nguyễn Quốc Hưng cho hay.
ĐB này cũng cho hay, qua báo cáo của Chính phủ thấy tỷ lệ người khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam qua thị thực điện tử còn thấp, vậy nguyên nhân nằm ở đâu. Ví dụ: giữa Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cũng như Tổng cục du lịch trong vấn đề quảng bá, tuyên truyền, phối hợp làm sao giới thiệu cho khách đi theo con đường thị thực điện tử được nhiều hơn.
Tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là vấn đề cải cách hành chính chưa được quy định trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, quá cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam năm 2014.
"Do đó, khi muốn thực hiện điều này cũng nằm ngoài phạm vi của luật, nên phải xin Quốc hội có một nghị quyết và cho thực hiện thí điểm công việc này. Đó là một lý do như một số đại biểu đã nêu ra, tôi xin báo cáo rất rõ đây là cập nhật và cải cách hành chính mới chưa được quy định trong luật. Nếu không có nghị quyết thì không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc này"- Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Về nguyên nhân tại sao lượng thực hiện thị thực điện tử chưa nhiều, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, đó là tính chưa được phổ cập, hiện chúng ta đang thực hiện mới trong phạm vi của 46 nước. Hiện nay cũng rất nhiều nước đang thắc mắc, tại sao lại có sự phân biệt như vậy. Chính vì việc 46 nước nên số lượng người vào hoặc thậm chí ngay cả một nước vào cũng chưa nhiều. Cửa khẩu, chúng ta có rất nhiều cửa khẩu mà chỉ quy định vào một số cửa khẩu, có 28 cửa khẩu được quy định, còn các vấn đề khác tính phổ cập của nó cũng chưa được rộng rãi.
Tiếp nữa, theo Bộ trưởng, do đang thực hiện thí điểm nên người nước ngoài vào người ta cũng rất thận trọng, ngần ngại, nhất là những vấn đề liên quan đến luật pháp và họ thực hiện những phương pháp truyền thống…
Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu các vấn đề về nhân lực thực hiện thí điểm; công tác tuyên truyền…
"Về hiệu quả kinh tế, qua tổng kết, phí thu được từ thí điểm cấp thị thực điện tử là gần 200 tỷ đồng. Do vậy, nếu tiếp tục triển khai thực hiện, nguồn kinh phí thu được từ thị thực điện tử thì chắc chắn sẽ cao hơn. Mặt khác, việc tiếp tục cấp thị thực điện tử sẽ thu hút hơn nữa người nước ngoài đến Việt Nam để du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước"- Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Kết luận phiên thảo luận, ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay, về thời gian thí điểm, đồng ý với đề xuất của Chính phủ là kéo dài thêm không quá 2 năm, kể từ ngày 01/02/2019. Trong thời gian đó, đề nghị Chính phủ sớm khẩn trương tổng kết và đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để quy định vấn đề này.
Phó Chủ tịch cũng lưu ý Chính phủ cần phải rà soát, đánh giá kỹ việc triển khai rà soát lại các danh mục mà các nước được áp dụng, các cửa khẩu được nhập cảnh bằng thị thực điện tử để bảo đảm chặt chẽ, hợp lý; đề nghị nghiên cứu để xử lý những vấn đề liên quan đến công tác phối hợp, triển khai và những vấn đề phát sinh đồng thời cần phải làm tốt công tác tuyên truyền./.
Theo toquoc.vn