Đẩy mạnh tuyên truyền tạo bước chuyển biến trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Hà Nội
11/05/2020 | 10:13Đẩy mạnh tuyên truyền tạo bước chuyển biến trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Hà Nội; Tu sửa cấp thiết di tích lịch sử cách mạng nhà số 01; Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội" là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình.
Hà Nội: Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội vừa có Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy và Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND thành phố về "Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh" Quý I năm 2020.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, trong Quý I/2020, công tác chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ trên được triển khai chủ động, quyết liệt, bám sát thực tế, qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội của thành phố. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao được tổ chức an toàn, tiết kiệm, hiệu quả tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Phát huy kết quả đạt được, trong quý II, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đối với lĩnh vực văn hóa và thể thao, Ban Chỉ đạo yêu cầu tổ chức tốt các ngày lễ kỷ niệm lớn trong năm; đẩy mạnh tuyên truyền tạo bước chuyển biến trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Hà Nội; đưa công nghệ thông tin vào tuyên truyền, tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố…
Hải Phòng: UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu sửa cấp thiết di tích lịch sử cách mạng nhà số 01, ngõ 42 Mê Linh, phường An Biên, quận Lê Chân.
Mục tiêu đầu tư tu sửa cấp thiết cơ sở Đảng (1929-1930) thuộc phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, nhằm gìn giữ và bảo tồn di tích lịch sử cách mạng, để tri ân đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Nội dung tu bổ: Cạo bỏ, tróc trát toàn bộ tường, bậc thang, lan can; vôi ve, sơn mới toàn bộ tường, bậc thang, lan can; dọn dẹp, vệ sinh sân tầng 2; tu bổ, sơn sửa các cửa đi, cửa sổ; sản xuất, lắp đặt cổng sắt mới (02 cổng ra, vào hai ngõ số 40 và số 42); thay mới hệ thống đường điện, nước; thay mới toàn bộ hệ thống mái gói; phá nền cũ, tôn nền, lát gạch sân tầng 1 và kho; phá nền gạch cũ, lát gạch toàn bộ sân tầng 2. Thực hiện trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
UBND thành phố giao Bảo tàng Hải Phòng chịu trách nhiệm thực hiện tu sửa cấp thiết di tích theo quy định tại Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các quy định khác liên quan. Tổ chức thi công công trình theo đúng nội dung Hồ sơ tu sửa cấp thiết đã được phê duyệt. Trong quá trình thi công phải tuân thủ các quy định về thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, chất lượng công trình, bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan.
Đồng thời giao Sở VHTT chủ trì cùng các ban, ngành liên quan chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát Chủ đầu tư triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa…
Thời gian thực hiện trong Quý II, III năm 2020.
Ninh Bình: Sở Du lịch vừa có báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội".
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong việc đấu tranh phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại; tích cực tham gia các phong trào tại cơ quan, đơn vị, địa phương như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa", "xây dựng cơ quan văn hóa"; tuyên truyền vận động người thân nâng cao ý thức tự giác tẩy chay, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại.
Công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình luôn được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền pháp luật quy định; công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, liên tục đã góp phần ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế những tiêu cực phát sinh, tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2017 đến nay, Sở Du lịch đã tiến hành kiểm tra 401 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh (trong đó có: 312 cơ sở lưu trú du lịch; 25 cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành; 63 hướng dẫn viên du lịch và 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch). Qua kiểm tra, Sở đã tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nhận thức được sự tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội trong đời sống và sinh hoạt.