Đẩy mạnh truyền thông, vận động phát triển văn hóa đọc trong thư viện
11/10/2024 | 10:25Ngày 10.10, tại TP. Huế, Liên hiệp Thư viện các tỉnh Bắc miền Trung đã tổ chức tổng kết hoạt động năm 2024 và tọa đàm “Truyền thông, vận động phát triển văn hóa đọc trong thư viện: Thực trạng và giải pháp”.
Trong năm 2024, thư viện cấp tỉnh ở các địa phương khu vực Bắc miền Trung đã tổ chức nhiều hoạt động trong công tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị; công tác bổ sung và xử lý kỹ thuật tài nguyên thông tin; công tác bạn đọc với phục vụ tại chỗ và phục vụ lưu động, luân chuyển sách và xây dựng cơ sở; công tác ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu khoa học; đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn…
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong các công tác chuyên môn, góp phần lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng đến cộng đồng, nhưng thư viện các tỉnh Bắc miền Trung còn gặp những khó khăn và hạn chế. Nguồn kinh phí ngân sách cấp cho bổ sung tài nguyên thông tin và tổ chức hoạt động văn hóa đọc hàng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu.
Tại các địa phương, nguồn lực đầu tư cho hoạt động của các thư viện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhiệm vụ được giao, nhất là việc trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại và phần mềm chuyên ngành. Nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thư viện điện tử còn khó khăn cả về kinh phí và nhân lực.
Tại buổi tọa đàm chủ đề “Truyền thông, vận động phát triển văn hóa đọc trong thư viện: Thực trạng và giải pháp”, các đại biểu cũng đã thẳng thắn thảo luận, đánh giá thực trạng và những hạn chế, khó khăn trong truyền thông phát triển văn hóa đọc. Thống kê cho thấy, bình quân mỗi người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó có đến 2,8 cuốn sách giáo khoa.
Thực tế, nhiều cuộc trưng bày, triển lãm sách của các thư viện còn mang tính hình thức, chưa có hiệu quả và tính kinh tế. Ngoài ra, các địa phương chưa vận động, xã hội hóa trong xây dựng và phát triển thư viện và văn hóa đọc cho người dân…
Dịp này, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm và một số cách làm hay để đẩy mạnh truyền thông vận động phát triển văn hóa đọc thời nay, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng theo quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Một số giải pháp, kinh nghiệm đã được chia sẻ như: tổ chức sự kiện góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc; công tác ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, phát triển tài liệu phục vụ bạn đọc; công tác xã hội hóa thu hút nguồn lực tham gia phát triển văn hóa đọc trong hoạt động thư viện; một số mô hình hiệu quả của tủ sách cơ sở…