Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam

04/08/2023 | 16:42

Chiều 3/8, Hội thảo các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030 đã được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang; Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt; các chuyên gia; nhà khoa học cùng 200 võ sư, trọng tài võ cổ truyền trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, võ cổ truyền Việt Nam là tên gọi chung cho các hệ phái võ thuật của 54 dân tộc Việt Nam, được hình thành, phát triển gắn liền với công cuộc dựng nước, giữ nước oai hùng của ông cha ta. Trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử, võ cổ truyền Việt Nam không chỉ là di sản văn hoá quý báu của dân tộc mà còn là môn thể thao để rèn luyện kỹ năng tự vệ, nâng cao sức khoẻ, hun đúc tinh thần thượng võ, yêu nước, đoàn kết và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các thế hệ người Việt Nam.

Đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt phát biểu tại Hội thảo.

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa to lớn của Võ cổ truyền Việt Nam, ngày 3/4/2014, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 10 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020" nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tính đến năm 2022, võ cổ truyền Việt Nam phát triển ở hơn 50 quốc gia, quảng bá tại hơn 70 nước trên thế giới. Ở trong nước, võ cổ truyền có ở 58 đơn vị, địa phương, trong đó có trên 40 tổ chức Hội, Liên đoàn cấp tỉnh/thành, Bộ, ngành với trên 60 chi hội trực thuộc; có hơn 700 võ đường, câu lạc bộ với trên 100 môn phái, võ phái, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài nước tham gia tập luyện, nhất là Thanh thiêu nhi, học sinh và cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân, quân đội nhân dân Việt Nam.

Đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu chào mừng tại Hội thảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Võ cổ truyền Việt Nam còn nhiều khó khăn, tồn tại, công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của Võ cổ truyền còn hạn chế; một số địa phương chưa ưu tiên đầu tư phát triển võ cổ truyền trong trường học theo quy định tại  khoản 3 Điều 4, khoản 1 Điều 21 và khoản 6 Điều 22, Luật sửa đổi bổ sung Luật Thể dục, thể thao.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế và tiếp tục triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trong tình hình mới, Bộ VHTTDL giao cho Tổng cục Thể dục thể thao (nay là Cục TDTT) phối hợp Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức Hội thảo bàn về các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030.

Đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam - Ảnh 3.

Biểu diễn tiết mục “Song diễn Thái sơn côn”.

Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng mong muốn, tại Hội thảo, các đại biểu sẽ đánh giá về thực trạng phong trào võ cổ truyền Việt Nam trong 10 năm qua và kết quả triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020. Các ý kiến cần thẳng thắn đánh giá những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, bàn về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030.

Ban tổ chức cũng mong muốn qua Hội thảo, lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm hơn nữa đến sự phát triển môn Võ cổ truyền, coi môn Võ cổ truyền là một phương tiện hữu hiệu để phát triển thể lực, tầm vóc và giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam - Ảnh 4.

… Rồi đến tiết mục đồng diễn “Đao lăn khiên”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam. Hiện nay, có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ những tinh hoa võ thuật của dân tộc, có hàng chục ngàn người trong cả nước và quốc tế đã học võ cổ truyền Việt Nam và tìm thấy ở đó nhiều triết lý sống, nhiều giá trị võ học, văn hóa vô cùng độc đáo.

Song song với công tác bảo tồn, công tác quảng bá Võ cổ truyền Việt Nam cũng từng bước được đẩy mạnh. Bình Định là địa phương tiên phong tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam từ năm 2006, với định kỳ ba năm một lần để các võ sư, võ sĩ, võ sinh và những người đam mê, yêu võ thuật cổ truyền Việt Nam hội tụ về miền Đất võ học hỏi, giao lưu, nhằm góp phần cùng với cả nước để Võ cổ truyền Việt Nam tỏa sáng và vươn xa.

Là môn thể thao có truyền thống và giàu tiềm năng nhưng cho tới nay, sự phát triển của võ cổ truyền Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Chính vì vậy, Hội thảo về các giải pháp phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030 hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của võ cổ truyền Việt Nam, kể cả trước mắt và lâu dài. Đây là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại một chặng đường đã qua; những gì chúng ta đã làm được và những gì chúng ta chưa làm được, khó khăn, thách thức là gì để từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả và khả thi nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Võ cổ truyền Việt Nam trong thời gian tới đến.

Đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam - Ảnh 5.

Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Nguyễn Ngọc Anh trình bày kết quả bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam giai đoạn 2012 -2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng mong muốn, Hội thảo sẽ đưa ra các giải pháp vừa mang tính tổng thể, vừa có tính đột phá để võ cổ truyền Việt Nam tiếp tục tỏa sáng và vươn xa.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá về thực trạng phong trào võ cổ truyền Việt Nam trong 10 năm qua và kết quả triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”. Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng thẳng thắn đánh giá những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, bàn về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030.

Đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam - Ảnh 6.

Quang cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, các chuyên gia, nhà khoa học cùng các võ sư cần tập trung nghiên cứu để đưa ra các chính sách và nhiệm vụ cần phải thực hiện để bảo tồn, phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030. Đồng thời, đưa ra các giải pháp tuyên truyền, quảng bá và hợp tác quốc tế về Võ cổ truyền Việt Nam; các giải pháp về xây dựng và nâng cao chất lượng phòng trào Võ cổ truyền Việt Nam…

Hội thảo bế mạc vào ngày 4/8, tại Bình Định.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×