Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đẩy mạnh quảng bá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng

28/05/2021 | 14:25

Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có hơn 215 điểm di tích văn hóa và nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được đồng bào các dân tộc lưu giữ kết tinh thành giá trị cốt lõi quý báu. Phát huy các giá trị văn hóa trên, từ năm 2018 đến nay, Ban Quản lý (BQL) CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu giá trị di sản văn hóa CVĐC đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đẩy mạnh quảng bá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng - Ảnh 1.

Chuyên gia Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO chia sẻ quảng bá thương hiệu hạt dẻ gắn điểm du lịch di sản địa chất cảnh quan thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao (Trùng Khánh) với Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc BQL CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng Trương Thế Vinh cho biết: Trên cơ sở định hướng của tổ chức CVĐC Toàn cầu UNESCO đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và gợi ý của những chuyên gia quốc tế, BQL đã đẩy mạnh quảng bá đa dạng với nhiều hình thức. Đối với tỉnh Cao Bằng, BQL mở các lớp tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức về CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cho hàng trăm lượt công chức, viên chức huyện, các xã, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong vùng CVĐC; các trường học tổ chức học tập ngoại khóa cho hàng nghìn lượt học sinh…

Qua đó, cán bộ và người dân địa phương nêu cao tinh thần bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản, giáo viên, học sinh các trường trở thành những tuyên truyền viên trong nhà trường và xã hội, nhận thức về bảo vệ giá trị địa chất và di sản văn hóa của CVĐC được nâng lên. Văn hóa truyền thống bản địa đặc sắc vật thể và phi vật thể được đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… bảo tồn, phát huy trong đời sống hằng ngày.

Tại các điểm cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, di sản diện mạo địa chất CVĐC như: hệ thống hang động Ngườm Pục (Thạch An), hang Dơi (Hạ Lang), động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Pác Bó (Hà Quảng); hệ thống sông, suối, hồ gồm: sông Quây Sơn, thác Bản Giốc (Trùng Khánh); suối Lê-nin (Hà Quảng), hồ Thang Hen (Trùng Khánh); rừng nguyên sinh Phja Oắc (Nguyên Bình); rừng Thạch An; vườn đá Hoàng Tung (Hòa An); Cúc đá Lũng Nặm, thung lũng núi đá Lục Khu (Hà Quảng); đèo Mã Phục, núi Mắt thần (Trùng Khánh)… được gìn giữ, bảo vệ, chưa có điểm nào bị xâm hại về hệ sinh thái, cảnh quan, ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, tháng 5/2019, tỉnh phối hợp với Tổ chức UNESCO tổ chức Hội thảo quốc tế về “Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC Toàn cầu UNESCO” với sự tham gia của hơn 250 đại biểu, diễn giả nổi tiếng quốc tế, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm quản lý, định hướng bảo tồn, tuyên truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản CVĐC. Qua đó, lan tỏa nhiều thông điệp về giá trị di sản đặc sắc của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đến bạn bè quốc tế, thu hút khách du lịch.

BQL phối hợp với Đoàn quay phim Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phim tài liệu “Khám phá CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”. Triển khai các hoạt động quay phim, chụp ảnh quảng bá các điểm di sản trên 3 tuyến du lịch CVĐC gắn với hình ảnh top 25 Người đẹp Du lịch Non nước Cao Bằng; phát hành Bản tin tuyên truyền, quảng bá về CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng bằng tiếng Việt, tiếng Anh.

Phát hành trên 10.000 tờ rơi, 900 cuốn tài liệu hướng dẫn 3 tuyến du lịch CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh, tập huấn đối tác của CVĐC, trung tâm thông tin CVĐC. Phát hành tài liệu hướng dẫn về triển khai hoạt động giáo dục về CVĐC trong trường học thông qua mô hình “Câu lạc bộ cùng em khám phá CVĐC”.

Em Nông Thị Lan, học sinh Trường THCS Trường Hà (Hà Quảng) cho biết: Tham gia các buổi ngoại khóa về CVĐC, em thấy rất hứng thú, tự hào vì quê hương em là tuyến du lịch “Hành trình về với cội nguồn” của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Em và các bạn trong trường tích cực tham gia lao động, tổng vệ sinh hai bên đường từ trường học đến gần Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp.

Hệ thống thông tin cơ sở, Trung tâm Văn hóa và Thông tin các huyện, Thành phố thường xuyên tuyên truyền, phát thanh bố trí thời lượng phù hợp để đưa nội dung tuyên truyền về CVĐC trên hệ thống truyền thanh địa phương, phát tài liệu, tờ gấp, tờ rơi tuyên truyền về CVĐC đến người dân.

BQL CVĐC mở Trang thông tin điện tử CAO BANG GEOPARK song ngữ tiếng Anh - Việt đầu tiên của Cao Bằng thu hút số lượt truy cập hơn 31.000 lượt/tháng (năm 2020) đến từ nước ngoài. Trở thành kênh thông tin tạo hiệu ứng tích cực về quảng bá và giới thiệu Cao Bằng ra thế giới.

Chị Hoàng Lan, chủ khu du lịch Lan’s Homestay tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) - đơn vị đạt sản phẩm OCOP cấp huyện, chia sẻ: Tôi được tham gia các lớp tập huấn của BQL CVĐC nên hoạt động Lan’s Homestay đều dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa bản địa không gian kiến trúc nhà sàn mộc, ẩm thực bản địa, trải nghiệm đi bộ, đi ngựa leo núi…, gìn giữ văn hóa truyền thống, văn hóa đồng bào Tày, Nùng. Đồng thời, tôi xây dựng trang web riêng kết nối với Trang thông tin điện tử CAO BANG GEOPARK nên thu hút khách nước ngoài tìm đến trải nghiệm văn hóa bản địa tại cơ sở Lan’s Homestay.

Từ năm 2018 đến nay, Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng mở nhiều chuyên mục “CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”, “Du lịch Non nước Cao Bằng”, “Đất và người Cao Bằng”, “Thông tin đối ngoại”, “Cao Bằng tiềm năng và phát triển”… đã đăng hàng nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự, phim, clip... quảng bá giới thiệu CVĐC Non nước Cao Bằng với các giá trị di sản địa chất, văn hóa bản địa đặc sắc, địa mạo đa dạng sinh học nhằm tôn vinh di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Cùng với đẩy mạnh quảng bá trên báo chí Trung ương, địa phương, BQL phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã… đẩy mạnh quảng bá gắn logo CVĐC trên các sản phẩm có thương hiệu và đặc hữu của tỉnh như: gắn trên sản phẩm chè giảo cổ lam, chè Kolia, sản phẩm hương thơm (làng Phja Thắp); miến dong Nguyên Bình; sản phẩm dệt thổ cẩm Lũng Nọi; thổ cẩm in hoa văn sáp ong của đồng bào Dao Tiền... Tích cực giới thiệu các giá trị văn hóa, sản phẩm du lịch CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tại các hội chợ, hội nghị, hội thảo, các sự kiện lớn của tỉnh.

Tham gia hoạt động “triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm”, “thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam” tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam ở tỉnh Đắk Nông lần thứ II năm 2020. Tham gia cuộc họp tổng kết của mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình “Câu lạc bộ cùng em khám phá CVĐC” và chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động giáo dục về CVĐC Toàn cầu UNESCO với CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Tham gia Chương trình kỷ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO và khai mạc Lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI (tháng 11/2020)…

Từ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đem lại hiệu quả tích cực, cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn nêu cao ý thức bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản và thực hiện tốt các khuyến nghị của CVĐC Toàn cầu UNESCO để bước vào đợt tái thẩm định lần hai (tháng 6/2021), phát huy các giá trị di sản CVĐC. Thu hút du khách trong nước và quốc tế đến du lịch CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, góp phần tích cực đưa du lịch Cao Bằng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2018 - 2020.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×