Đẩy mạnh công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2022
20/01/2022 | 09:00Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-BCĐ về thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác gia đình trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về đạo đức, lối sống, xây dựng hạnh phúc gia đình, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng chống xâm hại trẻ em, từng bước ổn định, củng cố và xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong năm 2022 bao gồm:
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được xem là nhiệm vụ thường xuyên đối với các ngành, các cấp trong xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án. Thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới, trẻ em theo chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2022. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình về công tác gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình tạo cơ sở. Củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác gia đình ở các xã, phường, thị trấn. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06 CT/TW ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, giai đoạn 2021 - 2030; kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới;
Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức các ngành, các cấp nhằm giảm thiểu các vụ bạo hành trong gia đình góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; chú trọng hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên tập và phát hành các sản phẩm tuyên truyền về công tác gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức lối sống; kỹ năng ứng xử trong gia đình...lồng ghép công tác trẻ em và bình đẳng giới đến mọi đối tượng trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, hội thi, tọa đàm hưởng ứng kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6); Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực; kỹ năng hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình cho thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do Trung ương tổ chức.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị; tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố duy trì và nhân rộng Mô hình phòng chống bạo lực gia đình; tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Phối hợp, hướng dẫn cho cấp huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, tập trung vào 4 nội dung cơ bản là: Phòng ngừa bạo lực gia đình; Thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Thống kê, báo cáo số liệu về phòng, chống bạo lực gia đình và thanh tra, kiểm tra về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện.