Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đầu tư xây dựng điểm vui chơi giải trí cho trẻ em

03/10/2010 | 23:44

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Tuy nhiên, để triển khai đồng bộ cần có một cơ quan chủ trì toàn bộ Chương trình cấp Trung ương làm nhiệmvụ đôn đốc điều hành các cơ quan được phân công thực hiện mục tiêu của Chương trình ở các cấp; trong đó có sự chỉ đạo, phối hợp của chính quyền, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 2 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001- 2010, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 03/2008/CT-TTg ngày 24/01/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em và việc triển khai thực hiện Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, chăm sóc đời sống văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em nói riêng đã có nhiều tiến bộ cả về nhận thức, tổ chức và kết quả hoạt động góp phần giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, tri thức, sức khoẻ và thẩm mỹ, hình thành nhân cách và nâng cao phẩm chất tốt đẹp cho trẻ em Việt Nam.

Việc đầu tư xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em đã có một số kết quả, toàn quốc  hiện có 58 Cung thiếu nhi, Nhà văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh; 244 Cung thiếu nhi, Nhà văn hóa thiếu nhi cấp huyện và 5 Nhà văn hóa thiếu nhi các ban, ngành.

Thời gian qua, số lượng Nhà văn hóa thiếu nhi không có biến động nhiều, nhưng chất lượng hoạt động từng bước được nâng cao. Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động được cải thiện, một số nhà văn hóa thiếu nhi quận, huyện được xây mới, Hội đồng đội Trung ương đầu tư các phương tiện hoạt động cho các Nhà văn hóa thiếu nhi, trong đó có các điểm vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Các địa phương xây dựng 8.451 điểm vui chơi trẻ em ở xã, phường. Nhiều khu vui chơi của trẻ em khác được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa và nhiều thiết chế văn hóa khác thu hút trẻ em đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa như nhà hát, rạp chiếu bóng, khu triển lãm... đến nay chưa xây dựng được chuẩn cho hệ thống điểm vui chơi cho trẻ em làm cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống này. Tuy nhiên phấn đấu cải tiến nội dung, phương thức tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa phục vụ thanh thiếu nhi cần có sự phối hợp lãnh đạo của các cấp, các ngành.

Xuất phát từ nhu cầu xã hội, trong 10 năm qua nhiều khu vui chơi giải trí, nhiều loại hình vui chơi cho trẻ em đã hình thành bằng hình thức xã hội hóa và có những điểm vui chơi giải trí hiệu quả. Từ những khu vui chơi quy mô lớn như khu Đầm Sen, Suối Tiên, Kỳ Hòa tại thành phố Hồ Chí Minh, khu Lạc cảnh Đại Nam tại Bình Dương, khu Công viên nước, công viên Vầng trăng, Thiên đường Bảo Sơn của Thủ đô Hà Nội, đến các điểm vui chơi nhỏ trong các Trung tâm Thương mại hiện đại đã cung cấp cho các gia đình địa chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí phong phú và đa dạng của thiếu nhi.

Khu vui chơi giải trí đầu tư bằng vốn xã hội hóa có nội dung và hình thức phong phú, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, yêu cầu sử dụng vốn đầu tư lớn, hoạt động theo hình thức kinh doanh nên chi phí sử dụng cao, chỉ phát triển ở thành phố lớn. Trẻ em nông thôn kể cả các cháu nghèo của thành phố cũng ít có điều kiện để tham gia vào các điểm vui chơi nói trên vì giá vé vào cửa, vé tham gia trò chơi cao đối với thu nhập của họ.       :

Các thiết chế văn hóa do ngành văn hoá quản lý từ Trung ương đến địa phương có đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình văn hóa quy mô lớn, kiến trúc đẹp được xây dựng; hệ thống thiết chế văn hóa đã phục vụ sát yêu cầu của nhân dân và thanh, thiếu nhi ở cơ sở; là nơi tổ chức đào tạo năng khiếu nghệ thuật, ca múa nhạc, mỹ thuật, võ thuật, thể thao cho thiếu nhi. Nhiều đơn vị có những sáng kiến và nỗ lực trong việc tổ chức các hình thức như: chiếu bóng, biểu diễn nghệ thuật, hội họa... tạo sân chơi cho các cháu. Nhiều hình thức vui chơi giải trí mới đã xuất hiện như Ngày hội trẻ em, Chương trình lễ hội, Chương trình ca nhạc trẻ em nhân các ngày Tết Trung thu, ngày Tết Thiếu nhi mồng 01 tháng 6 và ngày Tết cổ truyền...

Nhờ những nỗ lực trên, nên điều kiện về sức khỏe và thể chất của trẻ em nước ta ngày càng được hoàn thiện và nâng cao.

Chương trình hành động vì trẻ em đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các hoạt động triển khai thực hiện nội dung của Chương trình đã tạo được sự thay đổi  nhận thức trong xã hội về yêu cầu vui chơi giải trí của trẻ em.

Các Bộ, ngành đoàn thể Trung ương có nhiều nỗ lực tham gia thực hiện chương trình với tâm huyết và các biện pháp hiệu quả phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em.

Hệ thống Nhà Văn hóa thiếu nhi, Cung thiếu nhi từ cấp tỉnh, cấp huyện, thị đều phát huy hết công suất sử dụng, tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em và mở các đợt phục vụ thiếu nhi các vùng miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ cho trẻ em.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ còn nhiều hạn chế và bất cập về việc đảm bảo các quyền lợi cơ bản của trẻ em. Đặc biệt trong đó có quyền vui chơi giải trí đáp ứng với nhu cầu đời sống tinh thần của trẻ em.

Các chỉ tiêu chương trình hành động chưa đạt, chưa có sự tăng trưởng về số lượng khu vui chơi trẻ em.

Việc xây dựng và triển khai Quy hoạch các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em giai đoạn 2000 đến năm 2010 và giai đoạn 2010 đến năm 2015 làm chậm.

Trên thực tế các điểm vui chơi trẻ em và hoạt động văn hóa thông tin chủ yếu tập trung ở các đô thị, gần đô thị, do đó trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng có hoàn cảnh đặc biệt chưa được tiếp cận nhiều với các hoạt động văn hóa và vui chơi giải trí.

Căn cứ trên kết quả khảo sát, nghiên cứu thực tế tình hình đời sống văn hóa của trẻ em cả nước nói chung và khu vực các vùng miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cả nước có 85% các Nhà văn hóa, Cung thiếu nhi hầu hết đều tập trung ở trung tâm đô thị; chỉ có 10-15% trẻ em ở các vùng đô thị và 5% trẻ em vùng miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tham gia vui chơi, giải trí đầy đủ. Vì vậy, việc chăm lo đầy đủ cho trẻ em được vui chơi, được đọc sách báo, xem biểu diễn nghệ thuật và phim ảnh cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các ngành, các cấp. Đối với nhiều xã nghèo còn là điểm trắng về điều kiện dành cho trẻ em được sinh hoạt vui chơi, giải trí.

Khu vui chơi của trẻ em ở cấp xã, phường nhiều nơi chỉ là bãi đất trống, trang thiết bị nghèo nàn. Các biện pháp tổ chức vui chơi giải trí phù hợp điều kiện sinh hoạt trẻ em nông thôn và các thị xã, thị trấn nhỏ chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội cũng như đảm bảo các điều kiện hoạt động cho trẻ em. Việc quản lý các khu vui chơi trẻ em chưa tốt. Nhiều trang bị nhanh hư hỏng và xuống cấp không được bảo quản chu đáo.

Mức kinh phí cho các Nhà thiếu nhi hiện nay còn thiếu, chưa phát huy hết công xuất cơ sở vật chất hiện có. Một số khu vui chơi giải trí, thiết chế văn hóa cơ sở có nội dung hoạt động đơn điệu không phong phú, hấp dẫn, không thu hút được các cháu và người dân đến tham gia.

Đội ngũ những người làm công tác tại các cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí trẻ em chưa được đào tạo cơ bản, thu nhập thấp, không khuyến khích họ yên tâm công tác.

Một nguyên nhân quan trọng của các tồn tại, bất cập trên  là do trình độ phát triển kinh tế- xã hội của nước ta còn thấp. Ngân sách nhà nước đầu tư còn hạn hẹp. Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em, cơ quan được phân công chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương để triển khai thực hiện chương trình không chủ động phối hợp nên thiếu điều kiện để thực hiện mục tiêu và sự đầu tư xứng đáng với nhiệm vụ đề ra. Các Bộ, Ngành, địa phương đã tùy theo khả năng và nhiệm vụ quản lý của mình để thực hiện. Công tác tổng kết, đánh giá từng lĩnh vực, mục tiêu không thực hiện hàng năm nên không kịp thời đôn đốc rút kinh nghiệm chỉ đạo.

Để đầu tư xây dựng khu vui chơi cho trẻ em cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Khẩn trương hoàn thành đề án quy hoạch tổng thể và chính sách hỗ trợ phát triển các cơ sở văn hoá, vui chơi. giải trí cho trẻ em giai đoạn 2011- 2015 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đề án phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương để chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực này.

Trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế, những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp cho thiếu nhi tiếp cận với nhiều loại hình hoạt động vui chơi giải trí, trong đó có nhiều hoạt động văn hóa mới du nhập vào thế hệ trẻ nên cần có những biện pháp quản lý đồng bộ với các lĩnh vực này. Có chính sách ưu đãi trong đầu tư giải quyết nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em ; dành quỹ  đất, đầu tư ngân sách để xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em, đào tạo cán bộ chuyên môn, đảm bảo kinh phí hoạt động, chế độ cho đội ngũ cán bộ chuyên môn.

Về công tác chỉ đạo, cần có một cơ quan chủ trì toàn bộ Chương trình cấp Trung ương làm nhiệm vụ đôn đốc điều hành các cơ quan được phân công thực hiện mục tiêu của Chương trình ở các cấp; trong đó có sự chỉ đạo, phối hợp của chính quyền, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tổ chức sơ kết đánh giá kết quả, đôn đốc các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; trực tiếp là Hội đồng Đội Trung ương chỉ đạo hệ thống Cung, Nhà văn hóa thiếu nhi ở cơ sở và điểm vui chơi trẻ em xã, phường chủ động xây dựng đề án thực hiện Quy hoạch.      

Có nguồn kinh phí riêng để thực hiện Chương trình, hạn mức kinh phí thực hiện đối với từng mục tiêu. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Huy động nhiều doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác tham gia xây dựng và tổ chức điểm vui chơi cho trẻ em.

Trong các trường học, các thiết chế văn hoá, hệ thống công viên của các thành phố, thị xã, thị trấn trong cả nước cần bố trí các điểm vui chơi cho trẻ em. Đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em trong hệ thống trường học.

Nâng cao trách nhiệm của các cấp Ủy Đảng, chính quyền cơ sở, đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; lồng ghép nội dung chương trình hành động vì trẻ em vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xác định rõ địa điểm, quỹ đất và cơ chế đầu tư ngân sách để xây dựng điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.

Trương Công Thấm
(theo vhcs.gov.vn)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×