Đầu tư cho văn hóa qua góc nhìn của các Đại biểu Quốc hội
25/01/2020 | 11:08Trong nhiều phiên thảo luận tại Quốc hội cũng như trao đổi bên hành lang, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã lên tiếng về đầu tư cho văn hóa trong tổng thể tiến trình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH lại tiếp tục đặt ra vấn đề này và mong muốn Chính phủ cần có sự đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực văn hóa hiện nay.
Định hướng phát triển bền vững dựa vào ba trụ cột: văn hóa, môi trường và di sản
Theo ĐBQH Đoàn TP. HCM Trương Trọng Nghĩa, thời gian qua, chúng ta liên tục nhắc tới cụm từ "phát triển bền vững", và ông cho rằng phát triển bền vững của Việt Nam có ba trụ cột trong đó thứ nhất phải là nâng cao văn hóa, thứ hai bảo vệ môi trường và thứ ba là bảo tồn di sản sẽ duy trì được đạo đức.
Đại biểu này phân tích, nâng cao văn hóa gồm hai vế: phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu, tiếp cận văn hóa hiện đại của thế giới. Bảo vệ môi trường thì có bảo vệ môi trường thiên nhiên, không khí, đất, nước, rừng, biển, không trung, mặt đất, lòng đất và bảo vệ môi trường xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng, sắc tộc, tôn giáo. Bảo tồn di sản thì gồm có di sản thiên nhiên, di sản văn hóa.
"Tôi cho rằng phát triển đất nước bền vững là song song với những giá trị vật chất thì chúng ta phải định hướng xã hội, định hướng công dân, định hướng các ngành và các vùng miền vào ba trụ cột này. Nếu chúng ta chỉ định hướng bằng tiền thôi thì cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào vào đây để tăng GDP lên và cuối cùng thì chúng ta đánh mất chủ quyền, lệ thuộc về kinh tế và từ đó sẽ không có thể tự chủ về nhiều mặt khác nữa"- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh và đề nghị xoay trục, xuyên suốt trong việc định hướng phát triển của chúng ta là ba trụ cột: văn hóa, môi trường, di sản và đó chính là con người. Nếu không, theo đại biểu Nghĩa, chúng ta sẽ có những con người giống nhau ở khắp nơi trên thế giới, sống ở đâu cũng được, không còn con người với bản sắc Việt Nam.
"Như thế sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, bảo vệ bản sắc của dân tộc chúng ta"- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích.
Trong các buổi thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội của Quốc hội, một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần ưu tiên bố trí tăng cường nguồn ngân sách để tu bổ cho các công trình văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Theo ĐBQH Đoàn Hà Nội Dương Minh Ánh, hiện nguồn ngân sách dành cho các dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa khoảng 76 tỉ một năm và 58 tỉ một năm đối với nguồn kinh phí tu bổ cấp thiết của 118 công trình di tích cấp quốc gia và nếu chia bình quân thì chưa đầy 500 triệu đồng một công trình. Ngoài ra, nhiều công trình văn hóa cấp quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng…
Không chấp nhận tình trạng văn hóa "lờ nhờ, nhợt nhạt"
Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu cũng đặt vấn đề với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về đầu tư cho văn hóa. ĐBQH Đoàn Hà Nội Nguyễn Quốc Hưng cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa, đảm bảo đầu tư cho văn hóa ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Kết luận số 30 ngày 20/7/2004 của Hội nghị Trung ương lần thứ 10.
Chia sẻ các vấn đề này, tại diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta phấn đấu là một cường quốc kinh tế, nhưng mới đi một chặng. "Nếu chúng ta trở thành một cường quốc văn hóa thì Việt Nam mới thành công. Bởi vì chúng ta đã có trên 4.000 năm lịch sử, có một sức mạnh nền tảng rất lớn của dân tộc. Đặc biệt chúng ta có 54 dân tộc anh em đa dạng, phong phú. 54 dân tộc đoàn kết thống nhất là một đặc điểm văn hóa Việt Nam"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta có nhiều lễ hội tốt đẹp, truyền thống của dân tộc, phần lớn lễ hội truyền thống là rất quý, không phải dân tộc nào cũng có được như vậy. Việt Nam cũng có rất nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trong đó có 12 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể… mà không phải đất nước nào, dân tộc nào cũng có được một nền văn hóa như thế.
"Tôi nêu mục tiêu của Chính phủ là kinh tế chúng ta phải sớm vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhưng chúng ta không chấp nhận một tình trạng văn hóa Việt Nam "lờ nhờ, nhợt nhạt", kém văn hóa, một nền văn hóa lai căng. Đó là những yêu cầu đặt ra không những trong phát triển kinh tế mà còn phải giữ gìn văn hóa của đất nước để xứng đáng với truyền thống oai hùng của dân tộc chúng ta trên 4.000 năm lịch sử"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ dành một khoản kinh phí cần thiết để phát triển văn hóa chứ không thể tập trung hết cho phát triển kinh tế.
"Về thời gian thực hiện chủ trương đầu tư 1,8% trong tổng chi ngân sách nhà nước, với tầm quan trọng của phát triển văn hóa, giữ gìn văn hóa, chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội bố trí dự toán ngân sách hàng năm, chúng ta nhanh chóng thực hiện chủ trương này. Nếu chưa bố trí được trong năm 2020, chúng ta phải thực hiện từ 2021 để văn hóa có một vị trí quan trọng trong phát triển, giữ gìn đất nước"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết thêm, không chỉ dành nguồn lực cho văn hóa, phải bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn cần chú trọng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, văn hóa nghị trường… mà chúng ta đang mong mỏi. Mọi cơ sở đều phải có văn hóa trong quá trình phát triển đất nước.