Đấu giá 150 tác phẩm nghệ thuật Việt Nam
12/06/2020 | 01:03Quảng bá điểm đến văn hóa- du lịch Hà Nội năm 2020; Hội thảo "Thơ Hà Nội: Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước"; Đấu giá 150 tác phẩm nghệ thuật Việt Nam là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại Thủ đô Hà Nội.
Quảng bá điểm đến văn hóa- du lịch Hà Nội năm 2020
Từ ngày 26/6 đến ngày 28/6/2020, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ diễn ra chương trình quảng bá điểm đến văn hóa- du lịch Hà Nội năm 2020.
Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.
Tại phố Đinh Tiên Hoàng sẽ diễn ra hoạt động giới thiệu một số điểm tham quan di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thành phố như: Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn, Thăng Long tứ trấn, chùa Hương, chùa Thầy…
Tại phố Lê Thạch sẽ diễn ra Lễ hội kích cầu du lịch với 50 gian hàng của các công ty Lữ hành, khách sạn, hàng không, CLB, Hiệp hội du lịch. Tại khu vực Nhà Bát Giác sẽ tổ chức hoạt động giới thiệu đồ uống không cồn đặc trưng của Hà Nội như: Trà sen Tây Hồ, cà phê Giảng, kem Tràng Tiền, chè hạt sen long nhãn, hoa quả dầm Tô Tịch và các đồ uống giải khát mùa hè…
Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ phối hợp với Jetstar Pacific Airlines, Trung tâm Bông Sen Vàng, Tạp chí Heritage, Công ty dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam VIAGS, Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài NASCO, tập đoàn Sungroup và các đối tác du lịch tổ chức các gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm kích cầu du lịch Hà Nội và sản phẩm liên kết du lịch Hà Nội với các địa phương.
Đặc biệt, vào 17h30, ngày 27/6/2020 tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ diễn ra Lễ hội văn hóa đường phố "Hà Nội điểm đến xanh" nhằm giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Hà Nội thông qua trang phục, nghệ thuật trình diễn và đạo cụ, với sự tham gia của gần 4000 nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa … Trong 2 ngày 27 và 28/6, tại vườn hoa Lý Thái Tổ và phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cũng sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…
Cũng trong dịp này, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Các hoạt động được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài nước về văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội, giới thiệu các sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, độc đáo, quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội an toàn- thân thiện- chất lượng- hấp dẫn, góp phần kích cầu du lịch nội địa, giới thiệu các sản phẩm liên kết du lịch
Hội thảo "Thơ Hà Nội: Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước"
Hội Nhà văn Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo "Thơ Hà Nội: Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước".
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh về sự chuyển mình mạnh mẽ, tích cực của thơ ca Hà Nội sau khi đất nước thống nhất, hòa bình.
Các tham luận đều chỉ ra, có một dòng chảy thơ về Hà Nội kéo dài cả nghìn năm và mang sức sống bền lâu. Đầu tiên, Hà Nội đi vào nhiều bài ca dao. Ở đó, đất kinh kỳ hiện lên trong vẻ đẹp của sự sống động, từ con người tới phố phường, danh lam thắng cảnh, các di tích văn hóa, sản vật, ẩm thực: Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây. Bài ca dao Hà Nội 36 phố phường trở thành niềm tự hào chung của người Việt Nam. Không chỉ tự hào về vẻ đẹp phố phường, người Hà Nội còn tự hào về cốt cách riêng của mình: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
Khi các triều đại phong kiến được hình thành, Thăng Long là cái tên được nhắc đến nhiều hơn cả và thậm chí đã trở thành biểu tượng về một thời kỳ phồn thịnh, vàng son của dân tộc, gắn với hai triều đại Lý – Trần kéo dài gần 4 thế kỷ với nhiều thành tựu, chiến công rực rỡ. Một loạt thi phẩm của các danh gia giai đoạn nửa cuối thể kỷ 18 – nửa đầu thế kỷ 19 đều sử dụng địa danh Thăng Long như hồi ức về một thời kỳ không thể nào quên. Một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất của Bà huyện Thanh Quan có ngay hai chữ Thăng Long từ nhan đề - Thăng Long thành hoài cổ - với những lời thơ day dứt, đầy hoài niệm tiếc nuối: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Trong thời chiến (1945-1975), hình ảnh của Hà Nội hiện lên với rất nhiều cung bậc cảm xúc như lãng mạn, hào hoa trong những vần thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm hay trường ca "Em ơi Hà Nội phố" của nhà thơ Phan Vũ....
Hà Nội vẫn là trung tâm đời sống thơ ca của đất nước với nhiều nhà thơ tên tuổi, nhiều tác phẩm nổi tiếng; đồng thời là nơi gắn kết, giao lưu với thơ ca thế giới qua nhiều hoạt động như: Ngày Thơ Việt Nam, Hội nghị quảng bá văn học... Buổi hội thảo cũng là tiền đề để Hội Nhà văn Hà Nội gặp mặt các hội viên, cây bút mới, chọn ra tác phẩm chất lượng để xuất bản những tuyển tập thơ về Hà Nội trong thời gian tới.
Đấu giá 150 tác phẩm nghệ thuật Việt Nam
Ngày 11/6, phiên đấu giá nghệ thuật đạt chuẩn quốc tế đầu tiên với tên gọi "Arts du Vietnam – Nghệ thuật Việt Nam" sẽ diễn ra vào ngày 27/6, tại thủ đô Hà Nội.
Dự kiến, phiên đấu giá trực tiếp trên sàn của PI Auction House sẽ diễn ra tại hội trường Thăng Long – Khách sạn Sofiel Metropole Hà Nội, số 15 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm và nền tảng Drouot Digital tại Paris.
Drouot được thành lập bởi Napoleon đệ Nhất vào năm 1851, là một Phòng đấu giá tư pháp quốc gia của Pháp. Cho đến nay, đây được coi là nơi tham chiếu cho thị trường nghệ thuật của châu Âu. Sàn đấu giá Drouot là nơi tập hợp của hơn 200 nhà đấu giá trên toàn thế giới.
Phiên đấu giá "Arts du Vietnam – Nghệ thuật Việt Nam" được kỳ vọng sẽ như một làn gió mới cho thị trường sưu tầm Việt Nam và thế giới, quy tụ hơn 150 tác phẩm nghệ thuật trải dài từ thời kỳ vàng Đông Dương, Kháng chiến đến nhiều nghệ sĩ đương đại nổi bật. Đây cũng là phiên đấu giá nghệ thuật quy mô nhất từng được tổ chức tại Việt Nam.