Đào Hồng Tuyển – Người truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp đồng hành cùng ngành văn hóa
25/12/2019 | 13:10Sự kiện Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam lần đầu tiên được nhận tài trợ 20 tỷ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa từ doanh nhân Đào Hồng Tuyển khiến nhiều người bất ngờ, thán phục và hi vọng đây sẽ là câu chuyện truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp đồng hành cùng ngành văn hóa.
Từ một lời hứa đến một "sai sót"
Lời hứa 20 tỷ tài trợ được xuất phát trong ngày 23/11/2019, nhân Ngày di sản văn hóa Việt Nam và tham dự Lễ hiến tặng tư liệu di sản văn hóa phi vật thể của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư nguồn lực xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp vào văn hóa để khai thác, phát huy những tiềm năng và sức mạnh của văn hóa nước ta. Hưởng ứng lời phát động của Thủ tướng, ông Đào Hồng Tuyển, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh Đoàn tàu Không số Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu đã quyết định tài trợ 20 tỷ đồng cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam để bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa quý giá của dân tộc.
Phải nói rằng đây là thông tin vui, vô cùng bất ngờ. Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - Bùi Hoài Sơn chia sẻ một cách thành thật rằng, khi nghe xong lời hứa của ông Đào Hồng Tuyển thì " Tôi nghe có đôi chút bàng hoàng, và tin tưởng chắc chắn rằng đó là một câu chuyện "đùa vui một chút" trong lúc anh Tuyển thăng hoa. Chả có doanh nghiệp nào tài trợ cho những tư liệu mà chỉ những người trong nghề mới biết nó quan trọng thế nào đâu! Từ trước tới giờ, chuyện này chưa từng xảy ra! Chưa có tiền lệ đấy đâu! Đừng mơ!".
Nhưng rồi, sau đó rất nhanh, mọi thủ tục để thực hiện lời hứa tài trợ 20 tỷ đó đã được ông Đào Hồng Tuyển tiến hành ngay. Ông Đào Hồng Tuyển đã chứng minh đây không phải lời nói "đùa vui" mà rất nghiêm túc với di sản văn hóa.
Nói về nhận định sai lầm của mình, Viện trưởng Bùi Hoài Sơn thẳng thắn thừa nhận mà không chút e ngại rằng ông đã sai sót, đã sai lầm. Bởi vì "Niềm tin trong xã hội bây giờ hiếm lắm! Trong một xã hội thiếu niềm tin thì một hành động tốt cũng bị nghi ngờ! Tôi đã không tin anh Tuyển cũng là lẽ thường trong một xã hội mà chúng ta thích thú với những tin tức giật gân, xấu, sốc, còn với những tin tức tích cực, chúng ta dửng dưng" – Viện trưởng Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Bài học từ câu chuyện của anh Đào Hồng Tuyển cho chúng tôi thấy rằng, trong cuộc đời còn có rất nhiều tấm lòng tốt, có rất nhiều người nói đi đôi với làm, có rất nhiều bài học về sức mạnh của sự tử tế! – Viện trưởng nói thêm.
Truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp đồng hành cùng ngành văn hóa
Nói về lý do có "lời hứa tài trợ 20 tỷ" cho ngành văn hóa, doanh nhân Đào Hồng Tuyển Trong cho biết, trong cuộc gặp ngày 23/11, ông cảm nhận được rằng, công sức mà nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên đối với di sản văn hóa dân tộc thực sự đáng khâm phục và trân trọng. Mọi thời đại, mọi hoàn cảnh nếu không có người âm thầm lưu giữ di sản văn hóa dân tộc như nhà nghiên cứu có lẽ chúng ta sẽ không giữ được hồn của nước, gìn giữ được những giá trị giúp dân tộc trường tồn. Do đó, đối với những doanh nhân như chúng tôi, những nỗ lực ấy thực sự cao đẹp. Và chúng tôi mong muốn được góp một phần nhỏ của mình để hỗ trợ, gìn giữ những giá trị tốt đẹp ấy của dân tộc.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung, của một doanh nhân nói riêng là chung tay cùng Chính phủ, cùng ngành văn hóa và các địa phương gìn giữ những gì tốt đẹp nhất của dân tộc để trao truyền cho thế hệ tương lai, để mỗi chúng ta tự hào về văn hóa của đất nước mình, đây cũng chính là tài sản lớn nhất của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế - doanh nhân Đào Hồng Tuyển khẳng định.
Viện trưởng Bùi Hoài Sơn cho rằng: "Câu chuyện của anh Tuyển cũng là một câu chuyện truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là doanh nghiệp trong việc coi trọng những giá trị văn hóa dân tộc. Đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp chắc chắn phải đồng hành với sự phát triển văn hóa dân tộc. Nước Nhật phát triển thành một quốc gia hùng cường, và sẽ mãi giữ vị thế vượt trội chính nhờ văn hóa và tinh thần Nhật Bản. Nước Mỹ vĩ đại chính là nhờ văn hóa Mỹ, nhờ niềm tự hào khi được trở thành công dân Mỹ với những giá trị tự do được đề cao! Dân tộc Việt Nam ta cũng sẽ như vậy nếu chúng ta biết khơi gợi mạch nguồn văn hóa dân tộc, biến tài sản vô giá đó trở thành sức mạnh mềm chinh phục thế giới ngày hôm nay".
Ông Đào Hồng Tuyển khẳng định: "Đồng hành với văn hóa dân tộc là vinh dự và trách nhiệm của Tập đoàn, chúng tôi muốn nhắn nhủ rằng, với những người kinh doanh , tiền tuy là quan trọng nhưng không phải tất cả. Chúng tôi muốn kêu gọi, truyền cảm hứng cho tất cả các doanh nghiệp khác trên cả nước hãy nâng niu và trân trọng những giá trị văn hóa, những di sản do cha ông để lại, tự hào về đất nước, về truyền thống dân tộc chính là nền tảng cho văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam thêm sức mạnh và vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng quan điểm này, Viện trưởng Bùi Hoài Sơn cũng hi vọng văn hóa sẽ có sự chung tay của doanh nghiệp trong tương lai: "Tôi hy vọng, có thể là tín hiệu khởi đầu, mang thông điệp truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp đồng hành cùng ngành văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước, biến khát vọng phồn vinh của dân tộc trở thành sự thật!".
Triết lý kinh doanh của Tập đoàn Tuần Châu luôn hướng tới việc đem những điều tốt đẹp cho cuộc sống, lan tỏa những thông điệp tích cực cho cuộc đời và tạo ra những dấu ấn từ những hành động trân trọng quá khứ để vun đắp tương lai.
Bên cạnh đó, ông Đào Hồng Tuyển luôn coi trọng tầm quan trọng và giá trị của văn hóa đối với quá trình xây dựng, kiến thiết đất nước, xem di sản là tinh hoa văn hóa và niềm tự hào của dân tộc. Ông không chỉ có công lao lớn trong việc mang văn hóa dân tộc lên sân khấu thực cảnh như "Tinh hoa Bắc bộ" và "Ký ức Hội An", mà còn tài trợ cho nhiều nhà văn hóa, nghệ sĩ, đạo diễn đi tham quan và học tập nghệ thuật thực cảnh ở nước ngoài.