Đắk Nông phát triển du lịch theo hướng bền vững
28/10/2023 | 18:44Là một trong ba trụ cột của nền kinh tế, Đắk Nông đã, đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phát huy thế mạnh, tiềm năng thúc đẩy ngành Du lịch phát triển.
Tiềm năng dần được khai thác
Đảng bộ tỉnh Đắk Nông xác định, một trong những “đòn bẩy”, nhiệm vụ quan trọng để kích cầu du lịch đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để các doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh du lịch.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 10 dự án đầu tư các khu, điểm du lịch. Trong đó, nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, đến khảo sát tiềm năng du lịch như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH, Tập đoàn Sao Mai, Tập đoàn Hòa Phát, Phú Cường, Novaland... Bên cạnh đó, địa phương đã tổ chức 36 hội nghị tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, tư vấn thành lập mới 70 hợp tác xã. Trong đó có hợp tác xã kinh doanh dịch vụ liên quan đến phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, ăn uống… gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các hoạt động quảng bá xúc tiến, đầu tư liên quan đến du lịch được chú trọng. Đắk Nông đã tham gia Ngày hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh lần thứ 17; Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022” khu vực miền Trung, Tây Nguyên tại Bình Định; Chương trình Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Lâm Đồng... Đặc biệt, tháng 4/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 749 về danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2022 với 22 dự án, trong đó có 3/22 dự án du lịch bảo đảm điều kiện pháp lý. Đó là Khu du lịch sinh thái thác Liêng Nung, Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly, Khu du lịch sinh thái Hồ Trúc.
Các cơ sở dịch vụ lưu trú được đầu tư, nâng cấp, đổi mới trang thiết bị theo hướng hiện đại, chất lượng. Đắk Nông hiện có 2 cơ sở lưu trú được xếp hạng 3 sao, 4 cơ sở được xếp hạng 2 sao, 15 cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Đồng thời, 4 khu, điểm du lịch của tỉnh được đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch gồm: Khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Đ’ray Sáp - Gia Long; Điểm du lịch sinh thái số 1 thác Đắk G'lun; Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên; Khu du lịch sinh thái Phước Sơn. Ngoài ra, một số điểm tham quan tại Tà Đùng và các huyện, thành phố, trong đó chủ yếu là khai thác cảnh quan, thác nước, sinh thái, lưu trú, ăn uống. Một số cơ sở có thêm dịch vụ tham quan vườn thú, vui chơi giải trí cho trẻ em...
Các dịch vụ hỗ trợ khác như vận chuyển, vui chơi giải trí, karaoke, làm đẹp, hồi phục sức khỏe phát triển, được đầu tư nâng cấp về quy mô, chất lượng, phù hợp với thị hiếu của du khách... Nhờ đó, hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh có nhiều khởi sắc. Lượng du khách tăng mạnh, nhất là dịp lễ. Năm 2021, tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông là 126.100 lượt; năm 2022 là 512.500 lượt; năm 2023 ước đạt 615.000 lượt. Không những vậy, ngành du lịch Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp thông tin, hỗ trợ xây dựng Đề tài khoa học “Bản đồ du lịch điện tử Đắk Nông”. Từ đó sẽ hình thành sơ bộ hệ thống bản đồ các điểm đến du lịch của tỉnh, các dịch vụ kèm theo... giúp du khách có đầy đủ thông tin, dễ dàng tiếp cận với các điểm đến của tỉnh, góp phần thu hút khách du lịch đến tỉnh.
Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch số 346 của UBND tỉnh Đắk Nông, địa phương đã triển khai thử nghiệm Cổng thông tin và Ứng dụng du lịch thông minh từ ngày 15/12/2022 - 15/03/2023. Sau 3 tháng chạy thử nghiệm đã thu hút được 300.000 lượt truy cập. Cổng thông tin và Ứng dụng du lịch thông minh cơ bản đã cung cấp được một số thông tin, hình ảnh quảng bá dịch vụ du lịch tỉnh Đắk Nông đến với du khách. Hiện nay, tỉnh đang triển khai Đề án ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ du lịch thông minh tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2022-2025.
Để du lịch bứt phá
Theo bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Nông, mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch Đắk Nông vẫn chưa thực sự phát triển, mới chỉ khai thác được một phần. Hiện nay, Đắk Nông đang gặp khó khăn trong quá trình kêu gọi đầu tư. Nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế. Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến với nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế hiệu quả chưa cao....
Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch có lúc, có nơi chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách, đặc biệt là vào các mùa du lịch cao điểm. Địa phương vẫn chưa phát triển nhiều mô hình du lịch, các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm, các trung tâm mua sắm có quy mô lớn... Nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng mềm trong phục vụ khách. Lao động có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch còn thấp. Lao động trong các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng thường xuyên thay đổi cũng là một cản trở lớn đối với sự phát triển của ngành Du lịch Đắk Nông.
Cũng theo bà Khúc Thị Thoi, để du lịch Đắk Nông có sự phát triển bứt phá, thực sự là một trong 3 trụ cột của ngành kinh tế, Đắk Nông tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với bài toán thu hút đầu tư, thay vì kêu gọi đầu tư vào các cụm, điểm đơn lẻ như trước đây, tỉnh chủ trương tập trung kêu gọi các công ty lữ hành, doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào chuỗi các sản phẩm du lịch. Trong đó ưu tiên vào hoạt động du lịch sinh thái, lưu trú để tăng tính hấp dẫn sản phẩm du lịch đặc trưng.
Đắk Nông đã đồng ý để một số công ty lữ hành, đơn vị nghiên cứu từ Lâm Đồng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội vào khảo sát các điểm du lịch, tuyến, tour và sản phẩm du lịch cụ thể. Đi đôi với đó, địa phương nỗ lực khôi phục và quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống như thổ cẩm, các làn điệu dân ca, dân vũ, món ăn truyền thống…
Việc trao đổi, nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án thuộc lĩnh vực du lịch như hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh dự án đầu tư phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm đúng các quy định của pháp luật được thực hiện thường xuyên.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhấn mạnh, du lịch là một trong 3 trụ cột, thế mạnh của địa phương. Tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh rất lớn, nhưng chưa được đầu tư, khai thác. Tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh theo hướng bền vững, chú trọng khai thác, phát triển du lịch mang tính đặc trưng riêng có của Đắk Nông, đặc biệt là các sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.