Đắk Nông - Nơi định vị giá trị du lịch toàn cầu mới của Việt Nam?
14/11/2020 | 07:22Đắk Nông vẫn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, và phải đến khi Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, vùng đất này mới bắt đầu được để mắt tới.
Cũng nằm trên đại ngàn Tây Nguyên, Đắk Nông sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, sự đa dạng bản sắc văn hóa của 40 dân tộc anh em cùng vị trí cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực duyên hải Nam Trung bộ.
Giàu tiềm năng phát triển du lịch xanh và bền vững như vậy, thế nhưng trên bản đồ du lịch Việt Nam, Đắk Nông lại khá mờ nhạt và chưa phải là điểm đến được ưu tiên lựa chọn của du khách trong nước và quốc tế.
Có lẽ, phải đến khi Công viên địa chất Đắk Nông đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông thời gian qua, vùng đất này mới bắt đầu được để mắt tới. Có lẽ cũng vì vậy, Đắk Nông mới còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ như bây giờ.
Đặc biệt, thời gian gần đây, lãnh đạo địa phương đã chuyên tâm tìm tòi, nghiên cứu để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Trong đó, tập trung khai thác một số dòng sản phẩm du lịch độc đáo và riêng có.
Điểm đến của thiên nhiên và văn hóa độc đáo
Có thể nói, sự kiện Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã góp phần định vị giá trị và đẳng cấp toàn cầu về du lịch cho địa phương. Theo đó, tỉnh chủ trương đang và sẽ khai thác các giá trị đặc thù về địa chất, địa mạo, văn hóa truyền thống đặc trưng của 40 dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Trên cơ sở các giá trị địa chất đặc sắc đó, tỉnh Đắk Nông đã xác định 44 điểm đến, hình thành ba tuyến du lịch với chủ đề "Xứ sở của những âm điệu." Ba tuyến du lịch: "Trường ca của Lửa và Nước," "Bản giao hưởng của Làn gió mới" và "Âm vang từ Trái Đất," trải dài trên 6 huyện, thành phố.
Những sản phẩm này được đánh giá là riêng có, thu hút du khách khám phá, tìm tòi, trải nghiệm những giá trị độc đáo của vùng đất Đắk Nông.
Đặc biệt, hệ thống các hang động nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ; cảnh sắc hùng vĩ của những thác nước như thác Đray Sáp, Gia Long, thác Lụa, Lưu Ly, Bảy tầng; các vườn quốc gia như Tà Đùng, Nam Cát Tiên; khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung với hệ sinh thái rừng đa dạng hệ động, thực vật rừng bao gồm cả nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, nhiều ốc đảo lớn, nhỏ đa dạng loại động, thực vật quý hiếm như báo gấm, voọc chà vá, khỉ đuôi lợn…
Ngoài ra, những giá trị độc đáo của địa chất, địa mạo gắn với việc hình thành hệ thống hang động (trên 100 hang), những mỏ đá saphia, mỏ quặng alumin, wolfram… mang sắc thái riêng, được hình thành với sự phun trào của núi lửa cách đây 3,5 triệu năm cũng là những đặc điểm riêng biệt của hệ thống Công viên địa chất.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông, cho biết gắn với du lịch thiên nhiên, sản phẩm du lịch của Đắk Nông còn hướng đến cho du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa độc đáo, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, hát Sử thi Ót N'drong, dân ca Nau M'pring, xem các nghệ nhân trình diễn đàn đá, dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống; thưởng thức những món ăn đặc sản, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây đa dạng và phong phú…
Thêm nhiều lựa chọn trải nghiệm
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết ngoài những sản phẩm du lịch gắn với các giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo, riêng có, địa phương đang tập trung vào một số dòng sản phẩm chủ đạo như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng… và một số dự án đầu tư du lịch.
May mắn sở hữu nhiều hồ thác, cảnh quan rừng như Vườn quốc gia Tà Đùng, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Vườn quốc gia Yok Đôn, rừng đặc dụng Đray Sáp, thác Bảy tầng, Lưu Ly, Đray Sáp…; Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung cùng với giá trị địa chất độc đáo của hệ thống hang động núi lửa, Đắk Nông có nhiều tiềm năng để chú trọng phát triển loại hình du lịch thể thao mạo hiểm.
Đặc biệt, du lịch cộng đồng (homestay) là sản phẩm mà Đắk Nông đang hướng tới. Với hơn 70% dân số làm nông nghiệp, lại có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của 40 dân tộc anh em đến từ các vùng miền, du lịch cộng đồng được xem là phương kế giúp Đắk Nông xóa đói giảm nghèo, tạo thu nhập, xuất khẩu tại chỗ (nông sản, các sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương).
Dựa trên điều kiện tự nhiên có nhiều thác rừng đẹp, thiên nhiên hoang sơ, khí hậu nhiệt đới mát mẻ, trong chiến lược phát triển du lịch địa phương trong thời gian tới là tiếp tục khai thác những lợi thế này phục vụ cho xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu của du khách và phù hợp với xu thế phát triển du hiện nay.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về hạ tầng, về kinh nghiệm cũng như kỹ năng du lịch, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản… nhưng bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông kỳ vọng với tiềm năng dồi dào và nỗ lực phát triển của địa phương, viên "ngọc thô" giữa đại ngàn Tây Nguyên sẽ sớm tỏa sáng./.