Đắk Lắk tăng cường quảng bá du lịch giai đoạn 2017 - 2020
21/11/2017 | 21:49UBND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND về quảng bá, xúc tiến du lịch thị xã Buôn Hồ giai đoạn 2017 - 2020.
Kế hoạch phát triển du lịch thị xã Buôn Hồ xác định, từ năm 2017 – 2020 sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch văn hóa – sinh thái trên địa bàn. Ảnh: Báo Đắk Lắk.
Mục đích của Kế hoạch là tuyên truyền trong thị xã và tỉnh về tiềm năng phát triển du lịch của thị xã, qua đó thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch góp phần thu hút khách du lịch đến với thị xã Buôn Hồ; gia tăng thời gian lưu trú, mức chi tiêu của du khách; tăng cường kêu gọi đầu tư du lịch vào các dự án du lịch đã được phê duyệt và đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư; nâng cao ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn hóa với khách du lịch trong và ngoài thị xã.
Các nội dung tuyên truyền, xúc tiến theo Kế hoạch, gồm: Cung cấp thông tin về tiềm năng, cơ hội, môi trường đầu tư, chính sách hỗ trợ đầu tư; xây dựng thông tin về dịch vụ và giá cả hàng hóa trên trang thông tin điện tử thị xã và hệ thống thông tin đại chúng để phục vụ du khách; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên Đài Phát thanh và Truyền hình của thị xã và tỉnh; xây dựng các panô quảng bá du lịch; tham gia các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch;…
Trước đó, UBND thị xã Buôn Hồ cũng đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND về phát triển du lịch thị xã giai đoạn 2017 – 2020. Theo Kế hoạch, các loại hình du lịch được thị xã Buôn Hồ tập trung phát triển gồm: Du lịch văn hóa (phát triển các câu lạc bộ Đàn Tính, hát Then; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại các buôn đồng bào dân tộc Ê đê, Tày, Nùng,…); Du lịch sinh thái (tập trung phát triển thác Dray Êga, du lịch sinh thái Buôn Tring 2, bến nước buôn Klia, Khu du lịch sinh thái Đèo Hà Lan); Du lịch làng nghề (tập trung phát triển các làng nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần tại Buôn Tring 1,2,3); Du lịch lễ hội và thương mại (bảo tồn và phát huy một số lễ hội tiêu biểu như Lễ hội dân gian văn hóa Hảng Pồ của dân tộc Tày – Nùng; Lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ bỏ mả của dân tộc Ê đê,…)
Kế hoạch đã đề xuất 06 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường du lịch; xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước về du lịch.
Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên, Kế hoạch cũng đưa ra được 09 giải pháp chủ yếu để thực hiện, như: Giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch; giải pháp về quy hoạch; giải pháp về đa dạng hóa sản phẩm, chương trình du lịch; giải pháp về bảo vệ, tôn tạo môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững; giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch; giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về nguồn vốn đầu tư và tăng cưởng quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương./.
Lan Phạm (t/h)