Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đắk Lắk: Quy hoạch, phát triển du lịch và "cây gậy" pháp lý

08/11/2022 | 14:46

Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời và thiết thực về quy hoạch, phát triển du lịch cho từng thời kỳ nhằm thúc đẩy ngành kinh tế quan trọng này tăng trưởng một cách mạnh mẽ (bình quân 18%/năm), đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 5-7% nguồn thu hằng năm, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế Đắk Lắk theo hướng tích cực hơn.

Đắk Lắk: Quy hoạch, phát triển du lịch và "cây gậy" pháp lý - Ảnh 1.

Du lịch huyện Lắk với điểm nhấn Hồ Lắk ngày càng phát triển nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh H'Yim Kđoh, tác động từ những chủ trương, chính sách về quy hoạch, phát triển du lịch ở đây trong thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý cho ngành kinh tế quan trọng này bứt phá. Cụ thể như: Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 04/10/2016 của Tỉnh ủy về "Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch giai đoạn 2016 - 2020"; Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 30/8/2016 của HĐND tỉnh về "Phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020"; Quyết định số 3394/QĐ-UBND ngày 15/11/2016 của UBND tỉnh về "Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020". Mới đây, "Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030" đã được cấp thẩm quyền ban hành, triển khai đồng bộ - từ việc quy hoạch điểm đến, xây dựng sản phẩm cạnh tranh đến công tác quảng bá, xúc tiến và kết nối liên vùng…

Trước hết có thể thấy, nhờ các văn bản trên ban hành kịp thời, và cũng được xem là "cây gậy" pháp lý có chức năng hướng dẫn, giám sát hoạt động du lịch nói chung trên địa bàn tỉnh nên đã khắc phục được tình trạng địa phương nào cũng có đề án quy hoạch du lịch, gây sự chồng chéo, dàn trải trong việc định hướng kêu gọi đầu tư như trước.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước năm 2020, trên địa bàn Đắk Lắk có hơn 24 đề án quy hoạch, phát triển du lịch được các huyện, thị xã và thành phố xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt để kêu gọi đầu tư, bất kể ở đó hạ tầng cơ sở thiết yếu (đường giao thông, điện chiếu sáng, môi trường và cảnh quan cũng như vốn văn hóa tại chỗ) có bảo đảm hay không. Trên cơ sở pháp lý của các văn bản trên, cơ quan chức năng đã tiến hành thẩm định, đánh giá và rà soát lại nên chỉ còn 8 đề án (dự án) là có tính khả thi cao.

Trong đó một số dự án có quy mô lớn, có sản phẩm du lịch cạnh tranh và khác biệt như: Khu du lịch văn hóa - sinh thái dọc sông Sêrêpốk (Buôn Đôn); Khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Hồ Lắk (huyện Lắk); Cụm du lịch sinh thái Thác Gia Long - Dray Nur (Krông Na); Khu du lịch văn hóa - sinh thái Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột) và Đồi cảnh quan Cư H'lâm (Cư M'gar) được chính quyền địa phương quan tâm triển khai.

Đắk Lắk: Quy hoạch, phát triển du lịch và "cây gậy" pháp lý - Ảnh 2.

Điểm du lịch cộng đồng buôn AKô Dhông (phường Tân Lợi - TP. Buôn Ma Thuột) hấp dẫn du khách nhờ vốn văn hóa giàu bản sắc.

Đến nay, những khu/điểm du lịch này đã hoàn tất thủ tục đầu tư, được bàn giao mặt bằng để khởi động với mục đích, yêu cầu như nghị quyết, kế hoạch nêu trên đặt ra là thân thiện với cảnh quan, môi trường; tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang đậm bản sắc và đặc trưng văn hóa của các cộng đồng dân tộc bản địa.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và thu hút đầu tư, chính sách cho thuê đất, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được cấp thẩm quyền vận dụng, triển khai theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những tác động bất lợi đến đời sống, cảnh quan và môi trường liên quan đến ngành du lịch cũng được các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, ngành liên quan vào cuộc nhằm chấn chỉnh, khắc phục bằng các giải pháp căn cơ, hài hòa và bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ: Những "nút thắt" trước đây khiến ngành du lịch không thể bứt phá được, hiện đang được chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng từng bước cởi bỏ thông qua nhiều quyết sách phù hợp và kịp thời như: rà soát, đánh giá việc chuyển đổi mục đích sử dụng tài nguyên (đất, rừng) một cách hợp lý, hiệu quả phục vụ mục tiêu phát triển; nhiều chính sách, giải pháp về bảo tồn vốn văn hóa truyền thống ở đây cũng được quan tâm, đẩy mạnh để dần hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức sống và sự lan tỏa dài lâu, sâu đậm hơn; vấn đề quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên nước trên các hệ thống sông, suối, hồ, thác (nhất là đối với những danh thắng được xếp hạng) đã được tăng cường kiểm soát và điều phối lợi ích giữa các ngành kinh tế, trong đó ưu tiên cho ngành du lịch theo hướng hài hòa, bền vững hơn.             

Cuối cùng, những vấn đề sát sườn, thiết thực mà Nhà nước đã quan tâm, giúp đỡ cộng đồng làm du lịch trên địa bàn tỉnh xốc lại và phát triển sau hai năm dịch bệnh COVID-19 cũng được đầu tư, đổi mới nhiều hơn.

Theo ghi nhận của ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk: Ví như việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà thông qua các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế vừa qua - thay vì làm theo kiểu dựng một gian hàng lên rồi bày bán, giới thiệu sản phẩm đính kèm tour/tuyến du lịch như lâu nay, thì hiện tại được sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành liên quan, doanh nghiệp làm du lịch ở đây (Nhà nước và dân doanh) đều tập trung khảo sát kỹ thị trường, sau đó mới tổ chức sự kiện một cách bài bản, có trọng điểm nên mang lại hiệu quả cao hơn.

Hơn nữa, nhiều giải pháp xây dựng, làm mới hình thức cũng như chất lượng sản phẩm du lịch tại các khu điểm, đặc biệt là du lịch văn hóa - sinh thái ở huyện Buôn Đôn, Lắk và TP. Buôn Ma Thuột cũng được Nhà nước cùng doanh nghiệp chú trọng kiến tạo nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh, thu hút ngày càng nhiều du khách tìm đến.

Theo Báo Đắk Lắk

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×