Đắk Lắk: Lập hồ sơ "Sưu tập mũi khoan Thác Hai" đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia
29/07/2023 | 07:38Vừa qua, tại Hội trường Bảo tàng Đắk Lắk, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức họp Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật "Sưu tập mũi khoan thác hai" đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
Di chỉ khảo cổ học Thác Hai được phát hiện đầu năm 2020 và khai quật lần thứ nhất vào tháng 3 năm 2021. Ở lần khai quật thứ 2 thực hiện từ cuối năm 2021 đến nay, các nhà khảo cổ đã thu thập được một khối lượng di tích, di vật phong phú như: rìu bôn đá, đồ gốm, đồ thủy tinh, mộ táng, hơn 1.000 mũi khoan đá các loại và hàng vạn mảnh tước nhỏ.
Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật "Sưu tập mũi khoan thác hai" đề nghị công nhận bảo vật quốc gia thảo luận
Tại đây đã xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2 mét, bên trong chứa các di tích như mộ táng, hố đất đen cùng nhiều di vật như: bàn mài, rìu, bôn, bàn đập vỏ cây bằng đá. Đặc biệt, qua sàng đãi đã phát hiện thêm mũi khoan và các phác vật bằng các loại đá như: opal, jasper, silic, phtanite… cùng hàng vạn vảy tước.
Việc phát lộ hàng nghìn mũi khoan đá cùng hàng nghìn chuỗi hạt thủy tinh được chế tạc tinh xảo và những tín hiệu của hoạt động chế tác quy mô lớn bước đầu có thể cho thấy khu di tích khảo cổ học Thác Hai (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, lại vừa là một công xưởng chế tác quy mô lớn cách ngày nay 2.000 - 3.500 năm.
Các đại biểu tham quan hiện vật được khai quật tại di chỉ Thác Hai
Theo lãnh đạo Sở VHTTDL, qua buổi làm việc, Hội đồng đã tư vấn, đóng góp nhiều ý kiến cho bộ phận chuyên môn Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục chỉnh sửa thông tin hồ sơ hiện vật "Sưu tập mũi khoan Thác Hai" để phù hợp với các tiêu chí đề nghị công nhận bảo vật quốc gia và thống nhất đưa sưu tập mũi khoan thác hai đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Trên cơ sở góp ý của Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật, Sở sẽ tiến hành lập hồ sơ và trình UBND tỉnh xem xét gửi Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận. Các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia căn cứ theo Điều 41a Luật di sản văn hóa 2001 và khoản 21 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009.
Lần thu thập thứ 2, thu thập hơn 1.000 mũi khoan đá các loại
Trước đó, Sở VHTTDL ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật gồm: ông Thái Hồng Hà - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk và Phòng Quản lý Văn hóa; PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng biên tập tạp chí Khảo cổ học, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia; TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia; TS. Phạm Quốc Quân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia; PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia.