Đắk Lắk: “Khoảng trống” trong phát triển bền vững du lịch cộng đồng
04/06/2024 | 15:25Du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là việc tạo sinh kế cho người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gắn với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mỗi cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao phát triển một cách bền vững cho loại hình du lịch này.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm xác lập và thúc đẩy phát triển bền vững cho du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức và kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho những buôn làng có tiềm năng; xây dựng và hoàn thiện một số mô hình điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu như: Buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) và buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) để từ đó nhân rộng ra nhiều nơi khác.
Chính quyền các địa phương cũng đã và đang xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng với nhiều chính sách ưu đãi (về thuế, sử dụng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường) nhằm hỗ trợ, giúp đỡ mọi cộng đồng tham gia làm du lịch.
Đặc biệt, Đề án Phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được HĐND tỉnh thông qua vào đầu năm 2023 được xem là hành lang pháp lý để loại hình du lịch có tiềm năng, thế mạnh này phát triển xứng tầm.
Những nỗ lực trên, nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk H’Yim Kđoh là nhằm hướng tới việc khai thác vốn tài nguyên (văn hóa, nhân văn) quý giá trong các cộng đồng dân tộc tại chỗ để không những đa dạng hóa sản phẩm cho ngành “công nghiệp không khói”, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn tạo điều kiện và cơ hội cho bà con vươn lên, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trước đời sống hiện đại.
Song, vấn đề quan trọng nhằm hiện thực hóa điều đó vẫn là yếu tố bền vững trong quá trình phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn. Theo bà H’Yim Kđoh, đến nay yếu tố ấy vẫn còn những “khoảng trống” khiến hoạt động du lịch cộng đồng nói riêng và ngành du lịch Đắk Lắk nói chung chưa thể bứt phá mạnh mẽ.
Mới đây, tại huyện Buôn Đôn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở VH-TT&DL cùng chính quyền địa phương tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở Đắk Lắk” nhằm tìm giải pháp khỏa lấp những “khoảng trống” còn tồn tại để từng bước xác lập vị thế cho loại hình du lịch này.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những hạn chế có tính phổ biến như còn tự phát, thiếu sự gắn kết trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư; thiếu đội ngũ lao động có chuyên môn; cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch chưa đồng bộ và thiếu chuyên nghiệp… thì vấn đề bức xúc nhất vẫn là thực trạng vốn văn hóa truyền thống trong mỗi cộng đồng dân tộc tại chỗ ngày càng mai một, không gian sống bị đô thị hóa nhanh chóng; xung đột lợi ích giữa các ngành nghề đang diễn ra sâu sắc…
Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) nêu dẫn chứng, như buôn Trí A và B (là những nơi đã và đang được chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng làm du lịch theo Đề án Phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số), muốn làm du lịch cộng đồng bền vững thì nhất thiết phải gìn giữ nguyên vẹn không gian sống (cũng là không gian lịch sử - văn hóa) của người dân trong vùng với hệ thống vườn, rừng, sông suối, nhà dài gắn kết với văn hóa cồng chiêng, hát múa dân gian truyền thống, bởi đó là vốn tài nguyên/tài sản để cộng đồng các dân tộc thiểu số ở đây khai thác phục vụ du lịch như một lợi thế lâu dài. Hiện nay, lợi thế đó lần lượt mất đi, đồng nghĩa với việc triệt tiêu dần yếu tố bền vững trong phát triển du lịch cộng đồng ở đây.
Thêm nữa, sự đánh đổi lợi ích giữa các ngành nghề (nhất là thủy điện và các dự án công - nông nghiệp khác) cũng đã kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc. Dễ thấy nhất là từ khi công trình thủy điện Sêrêpốk 4A được chặn dòng vào năm 2004, khiến đoạn sông chảy qua buôn Trí A và B kiệt nước đã không những làm mất sinh kế của người dân, mà còn ảnh hưởng nặng nề và lâu dài đến hoạt động du lịch trên địa bàn Buôn Đôn nói chung khi nhìn vào một số sản phẩm du lịch (như đánh bắt thủy sản phục vụ nhu cầu ẩm thực cho du khách; đưa đón khách tham quan, trải nghiệm sông nước, thác ghềnh bằng thuyền độc mộc) vốn là thế mạnh nay đã không còn, hoặc đã sụt giảm đáng kể.
Từ thực tế này, nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu việc phát triển du lịch cộng đồng ở đây theo hướng bền vững có khả thi hay không? Câu trả lời phải bắt đầu từ cấp có thẩm quyền cùng các cơ quan chức năng, cũng như cộng đồng làm du lịch ở địa phương và rộng ra là cả tỉnh Đắk Lắk cần có quyết sách, giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm giải quyết những thách thức trên mới mong đạt được mục đích như mong muốn.