Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đắk Lắk: Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch

28/06/2022 | 08:02

Khai thác tinh hoa văn hóa ẩm thực để phục vụ du lịch sẽ tạo cơ hội thúc đẩy ngành du lịch Đắk Lắk phát triển.

Đắk Lắk: Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Đầu bếp chuẩn bị các món ăn phục vụ khách du lịch.

Đậm đà bản sắc Tây Nguyên

Đắk Lắk có hệ thống ẩm thực phong phú với các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như gà nướng, cơm lam, cà đắng nấu canh, bóp gỏi, lá mì, rượu cần… Cùng với đó, trải qua quá trình tiếp thu văn hóa từ một bộ phận dân cư các vùng miền đến ngụ cư, Đắk Lắk đã hình thành một nền văn hóa ẩm thực mang hương vị và phong cách riêng.

Ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, cũng là CEO của khách sạn Elephants (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, chính sự phong phú đa dạng đó mà nhu cầu thưởng thức ẩm thực, dường như là tiêu chí hàng đầu du khách chọn lựa khi khám phá và trải nghiệm Đắk Lắk. Không chỉ thưởng thức vị ngon, hương vị độc đáo của món ăn, mà câu chuyện về nguyên liệu, cách chế biến, cho đến ý nghĩa của các món ăn cũng mang đến những giá trị tinh thần, nâng cao sự thú vị cho chuyến đi của du khách.

Bà Trần Thị Hoan, một du khách đến từ Phú Thọ, vừa tham gia chương trình "Đêm rượu cần" tại buôn Ako Dhong (TP. Buôn Ma Thuột) nhận xét: "Ẩm thực Đắk Lắk rất phong phú, có những món chỉ ở đây mới có. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn rau dớn, nghe chủ nhà nói, loài rau này họ dương xỉ, rất tốt cho sức khỏe. Và người dân phải đi từ sáng sớm vào nương, rẫy mới có thể thu hoạch được loài rau này mang về…". Còn bà Dương Thị Loan, du khách cùng đoàn Phú Thọ lại bị hấp dẫn bởi hương vị nồng nàn của rượu cần và sự thú vị khi khám phá cách uống rượu theo đúng phong tục tập quán của người Êđê.

Đây chính là lợi thế lớn, không chỉ giới thiệu cho du khách về món ăn ngon mà còn có thể lồng ghép khai thác những nét văn hóa, lịch sử ra đời và phát triển để tăng sức hấp dẫn cho chương trình du lịch.

Ngoài ẩm thực thưởng thức dùng liền tại chỗ, Đắk Lắk còn có các sản phẩm được chọn làm quà tặng mang đặc trưng ẩm thực riêng của vùng miền như: măng khô, cà phê, mật ong, nấm linh chi, rượu cần…; các sản phẩm nông sản theo mùa như bơ, sầu riêng, vải… Giá cả các sản phẩm cũng ở mức độ vừa phải, không quá cao, do đó rất được lòng các du khách.

Để tiềm năng biến thành thế mạnh

Đa dạng, hấp dẫn và khá nhiều tiềm năng, nhưng việc khai thác thế mạnh của ẩm thực trong phát triển du lịch ở tỉnh ta vẫn còn khá "nghèo". Ngành du lịch cần khai thác tài nguyên này đúng hướng để có chiến lược phát triển du lịch bền vững.

Đắk Lắk: Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Du khách thưởng thức và tìm hiểu về rượu cần của người Êđê.

Hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh ẩm thực, dịch vụ du lịch đã đưa ẩm thực Đắk Lắk vào nhà hàng, homestay… nhằm mang đến nhiều trải nghiệm cho khách. Một số cơ sở kinh doanh ẩm thực truyền thống Tây Nguyên được thực khách quan tâm hiện nay như: Arul House, Khu du lịch sinh thái Ako Ea, Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam… có chất lượng phục vụ tốt, không gian nhà hàng mang đậm phong cách Tây Nguyên. Bên cạnh đó, phong cách phục vụ, thực đơn và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của thực khách. Tuy nhiên, số lượng nhà hàng như vậy chưa nhiều, đa số nhà hàng trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, ít hoặc không tham gia vào các hoạt động ẩm thực phục vụ du lịch.

Thực tế, nếu khách hàng đi theo tour sẽ được giới thiệu hoặc sắp xếp để thưởng thức ẩm thực đặc trưng tại những địa điểm nói trên; còn nếu khách lẻ, tự túc đi lại, đôi khi sẽ bị mơ hồ. Chị Lê Thị Kim Oanh, một chủ cửa hàng cho thuê xe ô tô, xe máy (TP. Buôn Ma Thuột) thông tin: "Đại đa số khách thuê xe là khách du lịch. Họ thường xuyên nhờ tôi giới thiệu những địa điểm có món ăn ngon, hoặc độc lạ, hoặc thể hiện nhiều nhất bản sắc vùng miền… để thưởng thức. Vì thông tin trên Internet và mạng xã hội khá nhiều nên bị "loạn", không biết cái nào để lựa chọn. Vì vậy, chính tôi luôn cập nhật những địa điểm mới, thậm chí là trải nghiệm trước để còn tư vấn cho khách, chứ nếu họ từ xa đến mà còn ăn phải quán không phù hợp cũng khó".

Từ thực tế nói trên, nên chăng ngành du lịch tỉnh nhà cần đề ra các giải pháp nhằm khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực phục vụ phát triển du lịch. Ngoài việc có các cơ chế chính sách, kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng phục vụ ẩm thực, thì việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tại các cơ sở kinh doanh ẩm thực rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá ẩm thực địa phương, ẩm thực phục vụ du lịch, đặc sản ẩm thực và dịch vụ ẩm thực trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hoạt động riêng giới thiệu ẩm thực với du khách, tạo cơ hội cho du khách được thưởng thức và trải nghiệm ẩm thực…

Việc khai thác và phát triển dịch vụ ẩm thực phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc của vùng miền hiệu quả sẽ đưa du lịch Đắk Lắk đến gần với du khách, ghi dấu trên bản đồ du lịch của Việt Nam./.

Theo Báo Đắk Lắk

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×