Đắk Lắk đẩy nhanh tiến độ cấp "sổ đỏ" cho di tích
25/05/2021 | 14:50Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở VHTTDL tỉnh này đã chủ động làm việc trực tiếp với các địa phương về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (từ đây gọi là "sổ đỏ") cho di tích và các nội dung liên quan. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện vẫn còn "chậm", các địa phương vẫn chưa quyết liệt trong việc này.
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 38 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 Di tích quốc gia đặc biệt, 17 Di tích quốc gia, 19 Di tích cấp tỉnh và khoảng 30 di tích tiềm năng. Trong số này mới chỉ có 4 di tích được cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ. Liên quan đến việc cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ và đẩy nhanh tiến độ cấp "sổ đỏ" cho các di tích trên địa bàn, tháng 3/2021, Sở VHTTDL đã làm việc với các huyện: Ea Súp, Krông Ana, Krông Pắk, Krông Bông, M'Đrắk, Ea H'Leo và thị xã Buôn Hồ. Kết quả kiểm tra cho thấy, một số di tích không bị lấn chiếm, nhưng đa số đều nằm trên đất rừng. Đơn cử như Di tích kiến trúc Tháp Yang Prong (thuộc thôn 5, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) nằm trên đất có rừng tự nhiên. Di tích này được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1991 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ 4,76 ha.
Hay thác Dray Sáp Thượng (thác Gia Long), thuộc xã Dray Sáp, huyện Krông Ana được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1999 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ 165,65 ha, bao gồm các loại đất có rừng tự nhiên, đất nông nghiệp, đất sông suối, ao hồ. Còn thác Dray Nur ở gần đó được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2011 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích 76,4 ha với các loại đất tương tự. Hai di tích này năm 2018 đã được UBND tỉnh có chủ trương giao cho Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê đầu tư Dự án phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Công ty đã hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỷ lệ 1/500, trích lục bản đồ và bồi thường cho các hộ dân trong khu vực bảo vệ di tích. Tuy nhiên, việc triển khai Dự án còn gặp một số khó khăn do các quy định về đất rừng…
Theo Sở VHTTDL Đắk Lắk, dù nhiều di tích đã được xếp hạng từ lâu, nhưng đến nay các di tích trên vẫn chưa có "sổ đỏ", chưa được chuyển đổi loại rừng để thực hiện các bước tiếp theo trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Trước thực trạng một số vướng mắc trong việc cấp "sổ đỏ" cho các di tích, ngày 4/5 vừa qua UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản số 3720 về việc cấp "sổ đỏ" tại di tích trên địa bàn tỉnh. Ngày 10/5, Sở NN&PTNT đã có văn bản số 1290 để triển khai thực hiện. Theo đó, đối với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt trong Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cần rà soát diện tích đất có rừng để chuyển loại sang rừng đặc dụng nhằm phù hợp với tiêu chí phân loại rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Trước đó, tháng 4/2021, Sở này cũng đã ban hành văn bản số 963 về việc xây dựng phương án chuyển loại rừng gửi cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để thực hiện. Nội dung văn bản nêu rõ, một số vấn đề còn vướng mắc trong việc cấp "sổ đỏ" cho di tích là do hầu hết diện tích rừng trong các khu vực là rừng sản xuất, rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp và chưa có chủ thực sự nên không có cơ sở giao rừng đồng bộ với giao đất theo quy định. Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các nội dung, trình tự, thủ tục chuyển loại rừng, tổng hợp sơ bộ các khu vực dự kiến là địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa và đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai rà soát, thống kê các diện tích rừng theo tiêu chí phân loại để đưa vào phương án chuyển loại rừng trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi hồ sơ Phương án chuyển loại rừng đến Sở NN&PTNT trước ngày 30.5 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển loại rừng cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cùng thời kỳ.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk cho biết, để tiến hành trình tự, thủ tục theo đúng nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất triển khai đúng tiến độ, việc chuyển đổi loại rừng và cấp "sổ đỏ" cho các di tích đang rất cần sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của chính quyền cơ sở và các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh. Có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu đến năm 2025 ít nhất có 50% di tích được cấp "sổ đỏ", làm cơ sở để xây dựng các đề án bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trong những năm tiếp theo".