Đắk Lắk: Cấp chiêng và trang phục truyền thống cho đồng bào các dân tộc thiểu số
12/12/2017 | 21:08Ngày 12/12/2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành bàn giao 8 bộ chiêng (trong đó có 6 bộ chiêng Êđê, 1 bộ chiêng M’nông và 1 bộ chiêng Jarai) cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Đội nghệ nhân diễn tấu để hội đồng thẩm định. Ảnh: vhttdldaklak
Theo đó, 8 bộ chiêng đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk hợp đồng với các nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) chế tác được chuyền về TP. Buôn Ma Thuột để các nghệ nhân kiểm định chất lượng.
Sở cũng thành lập Hội đồng thẩm định chiêng để chỉnh sửa thang âm từng bộ chiêng cho phù hợp với nhịp điệu, tiết tấu của mỗi cộng đồng dân tộc trước khi bàn giao cho các buôn làng.
Được biết, cuối năm nay, 8 bộ chiêng (Êđê, M’nông và Jarai) cùng 100 bộ trang phục truyền thống sẽ được trao cho 8 buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Đắk Lắk để bà con sử dụng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản tiêu biểu này.
Trước đó, nhằm bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu cụ thể của Nghị quyết là cấp trang phục và hỗ trợ kinh phí cho 75 đội chiêng, đội văn nghệ có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng; phấn đấu có trên 70% buôn đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn toàn tỉnh có cồng chiêng; hoàn thành nội dung về thống kê, sưu tầm các bài chiêng cổ, số lượng nghệ nhân truyền dạy, số lượng cồng chiêng; 100% các huyện, thị xã, thành phố được tổ chức các lớp truyền dạy về cách đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng; 100% trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được phổ biến kiến thức và tổ chức sinh hoạt ngoại khóa về văn hóa cồng chiêng...
Ngoài ra, để góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa của cồng chiêng, Nghị quyết cũng đề ra các hoạt động chính như: mở lớp dạy đánh cồng chiêng, truyền dạy chỉnh chiêng; mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ; mở lớp truyền dạy sử thi; phục dựng một số lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ; phối hợp với các địa phương triển khai chính sách tôn vinh, đãi ngộ, khuyến khích các cá nhân, tập thể tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống, thống kê, sưu tầm, ghi chép lưu giữ các bài chiêng cổ trong các nghi lễ của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ…
Minh Huyền (t/h)