Đắk Lắk: Bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc
20/11/2024 | 15:51Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong việc phát triển thể thao, trong đó chú trọng đến việc "Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; phát triển thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, thể thao gắn với du lịch, lễ hội theo hướng đa dạng, độc đáo và bảo đảm an toàn". Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các địa phương sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới, trong đó có thể thao Đắk Lắk.
Đa dạng các hoạt động thể thao dân tộc, truyền thống
Với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số...chính là một trong những lợi thế để Đắk Lắk có thể thực hiện được mục tiêu bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, truyền thống. Ở tỉnh Đăk Lăk, các môn thể thao dân tộc luôn là nòng cốt trong phát triển TDTT quần chúng. Hàng năm, vào các dịp lễ hội chính, các hội thi, ngày hội văn hóa, các giải thể thao của tỉnh đều được tổ chức với tầm cỡ và quy mô nhất định, thu hút được đông đảo bà con các dân tộc tham gia tập luyện và thi đấu. Trong số đó, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh được coi là sự kiện thể thao thường niên lớn nhất. Đây là dịp để bà con các dân tộc thiểu số gặp gỡ, giao lưu, thi đấu các môn thể thao mình yêu thích; đồng thời cũng là dịp để các nhà chuyên môn đánh giá, tổng hợp thực trạng phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian tại địa phương.
Ông Thái Hồng Hà - Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết: Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh Đăk Lăk đã đặt ra trong việc phát triển TDTT giai đoạn mới.
Trong những năm qua, để bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, tỉnh duy trì tổ chức các giải, hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số cấp tỉnh cũng như các huyện, xã tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số, giải thể thao dân tộc ở các môn phổ biến như: Bắn nỏ, Bắn ná, Đẩy gậy, Kéo co, Đi cà kheo... thu hút được đông đảo VĐV tham gia tranh tài. Thông qua các giải đấu, nhiều VĐV tài năng đã được bổ sung vào các đội tuyển của tỉnh và đã mang về cho tỉnh nhà nhiều thành tích cao tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc với 12 năm giữ vị trí Nhất toàn đoàn (Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XIII, khu vực II, năm 2023, Đăk Lăk giành 22 HCV, 09 HCB, 08 HCĐ); hay tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Tây Nguyên lần thứ I năm 2023, các VĐV xuất sắc giành 14 HCV, 07 HCB, 10 HCĐ, xếp vị trí nhất toàn đoàn;...Ông Thái Hồng Hà cho biết thêm.
Bên cạnh việc tổ chức các giải cấp cơ sở, Sở VHTTDL Đắk Lắk còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các giải thể thao hàng năm và giai đoạn để phát triển các môn thể thao dân tộc. Theo đó, Sở đã ký kết Chương trình phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh về “Đẩy mạnh các hoạt động TDTT vùng đồng bào các Dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025”; với sở GD&ĐT về “Phối hợp chỉ đạo, quản lý, tổ chức công tác giáo dục thể chất hoạt động TDTT và bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trong trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026”...
Tích cực tìm giải pháp
Bám sát vào những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời dựa trên tình hình thực tế của địa phương, ông Thái Hồng Hà cũng đã nêu ra những đề xuất, giải pháp để có thể có thêm sự đầu tư, cơ hội phát triển các môn thể thao dân tộc trên địa bàn.
Đặc biệt, theo ông Thái Hồng Hà trong thời gian tới Bộ VHTTDL cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc làm cơ sở pháp lý để Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh tham mưu Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân ban hành các Nghị quyết, Quyết định đặc thù phù hợp với từng địa phương.
Cùng với đó, Cục TDTT duy trì hệ thống giải thi đấu và Hội thi thể thao các dân tộc cấp khu vực và toàn quốc. Đưa một số môn thể thao dân tộc thi đấu ở hệ thống giải vô địch quốc gia và Đại hội Thể thao toàn quốc. Bộ VHTTDL ưu tiền nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương đầu tư cơ sở vật chất, bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian.
Ông Thái Hồng Hà nhấn mạnh: Để bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc thì ngoài việc tăng cường sự đầu tư và hỗ trợ từ chính phủ còn cần sự chung tay giúp sức của các tổ chức xã hội. Ngoài ra, việc tạo ra các chương trình đào tạo, huấn luyện và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực thể thao dân tộc cũng là một yếu tố quan trọng. Chúng ta cần đầu tư vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và kiến thức cho các huấn luyện viên, vận động viên và các nhà quản lý thể thao dân tộc. Việc tạo ra môi trường thể thao lành mạnh, tích cực và hấp dẫn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích người dân tham gia và phát triển các môn thể thao dân tộc. Chúng ta cần xây dựng các cơ sở vật chất, hệ thống giải đấu, sân chơi và các hoạt động thể thao đa dạng, phong phú để tạo điều kiện cho mọi người tham gia và phát triển sở thích thể thao của mình.
Có thể khẳng định, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thực sự là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước nói chung, cho thể thao dân tộc, trò chơi dân gian nói riêng. Đối với tỉnh Đắk Lắk, với đặc thù chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số thì Chiến lược ra đời sẽ là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp” đến năm 2045.