Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đại sứ quán Hoa Kỳ hỗ trợ hơn 2 tỉ đồng trùng tu Thành Nhà Hồ

28/09/2018 | 16:45

92.500 USD (tương đương hơn 2 tỷ đồng) là kinh phí mà Đại sứ quán Hoa Kỳ vừa tài trợ để bảo tồn di sản văn hóa Thành Nhà Hồ ở Huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Đây được xem là nguồn hỗ trợ quý giá, đúng thời điểm cho kế hoạch trùng tu, tôn tạo và sửa chữa Di sản văn hóa thế giới này.

Thành Nhà Hồ thuộc địa phận các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, Vĩnh Thành và thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc), tỉnh Thanh Hóa. Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407.

Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay nhà Trần và đặt tên nước là Đại Ngu (1400-1407), thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô. Ngoài tên gọi thành Nhà Hồ, trong lịch sử còn có các tên gọi khác là thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Nhai, Tây Giai.

Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011, tại Paris (Pháp), trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã công nhận thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.

Thành Nhà Hồ đã đáp ứng hai tiêu chí được quy định trong Công ước Di sản Thế giới năm 2008. Đó là tiêu chí 2 “bày tỏ sự trao đổi quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật điêu khắc, quy hoạch thành phố hay thiết kế phong cảnh” và tiêu chí 4 “là ví dụ nổi bật về một loại hình công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại”.

Trong hồ sơ di sản thế giới, thành Nhà Hồ được mô tả là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn, cùng sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, thành Nhà Hồ được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên hầu như còn nguyên vẹn. Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Trải qua thời gian, một số hạng mục của công trình bằng đá có một không hai này đã bị xuống cấp, trong đó đáng lưu tâm là mái vòm ở cổng thành phía Nam đã xuất hiện hiện tượng sụt vỡ của các phiến đá. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kết cấu vòm, nguy hiểm cho khách tham quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và thẩm mỹ của di tích.

Bên cạnh đó, hiện tượng thực vật như rêu, địa y ngày một sinh sôi đã làm biến đổi màu sắc bề mặt các phiến đá (từ màu trắng ngà, xanh lá sang màu đen). Thời gian tu sửa mái vòm cổng nam Thành Nhà Hồ và loại bỏ thực vật trên bề mặt các phiến đá, trả lại màu tự nhiên dự kiến sẽ được thực hiện trong 9 tháng./.

Hoàng Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×