Đặc sắc lễ hội làng La Phù, Hà Nội
18/02/2019 | 09:57Tối 17/2, các "ông lợn" nặng trên dưới 2 tạ sau khi chăm sóc đặc biệt đã được rước vào đình làng tế thần tại lễ hội làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội).
Hàng năm, cứ vào ngày 13 tháng Giêng, lễ rước lợn La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại tổ chức để tưởng nhớ công ơn thành hoàng làng Tĩnh Quốc Tam Lang thời Hùng Duệ Vương thứ 6.
Tương truyền rằng, trước mỗi khi lên đường đi đánh giặc, ông lại mổ lợn, thổi xôi khao quân. Người dân trong làng thường mang lợn đến dâng và tôn ông là Thành Hoàng Làng.
Mỗi năm, các xóm trong làng lại mang lợn ra đình dâng tế Thành Hoàng. Lợn được dâng tế đều được tuyển chọn kỹ càng, nuôi dưỡng cẩn thận, chu đáo từ các năm trước với cân nặng từ 170 kg đến 230 kg. Năm nay, từ 10 xóm của làng La Phù đã chọn ra được 17 "ông lợn" đủ tiêu chuẩn để tham dự
Điều quan trọng trong việc mổ các "ông lợn" là phải bóc thật khéo léo lớp mỡ màng. Lớp màng này sẽ được dùng để làm áo choàng cho các "ông lợn" khi dâng tế.
Trước đây, các "ông lợn" tối đa chỉ được 100 kg. Giờ đây, với giống lợn lai và cách chăm sóc đặc biệt, khối lượng của "ông lợn" trung bình khoảng 200 kg.
Nhiều em nhỏ trong bộ quần áo đầy màu sắc đi dự lễ hội.
Anh Nguyễn Duy Phú, (làng La Phù , Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: đây là năm đầu tiên gia đình anh được tham dự lễ hội này, tuy không trực tiếp nuôi ông lợn tại nhà nhưng anh rất vinh dự và tự hào khi gia đình được chọn để tổ chức rước "ông lợn" năm nay.
Ông lợn của xóm Điểm Công Nghiệp có cân nặng 189 kg, được đánh giá là đẹp nhất nhì trong hội rước năm nay , Anh Phú hy vọng sẽ đem lại may mắn và sự sung túc cho gia chủ và cả xóm trong năm 2019
Đúng 19h, các "ông lợn" của những xóm được rước về đình để chuẩn bị cho lễ tế. Mỗi đoàn rước sẽ gồm 3 kiệu chính: bàn lộc, mâm xôi và "ông lợn". Trước mỗi đoàn là một phường kèn trống.
Gần đến giờ làm lễ , dòng người đổ về khu vực này ngày càng đông đúc.
Đúng 21h, các "ông lợn" được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của BTC và các cụ cao tuổi.
Lễ hội rước "ông lợn" thu hút đông đảo người dân tham gia
Khi vào đến "cung cấm", gần như không ai được vào bên trong, trừ những người có nhiệm vụ chính. Đến 12h đêm, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế cho tới 1-2h sáng hôm sau. Sau đó, các xóm sẽ khiêng lợn trở lại nhà và đến sáng sẽ bắt đầu chia cho các hộ gia đình.