Đà Nẵng: Tăng cường đưa nghệ thuật Bài Chòi vào trường học
25/08/2022 | 11:32Từ ngày 24 – 28/8, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TP Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật hô hát Bài Chòi năm 2022 cho hơn 100 giáo viên âm nhạc đang giảng dạy tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Trong chương trình, các học viên sẽ được truyền dạy những kiến thức về các hình thức diễn xướng ở duyên hải miền Trung của hô hát Bài Chòi; lịch sử hình thành và phát triển Bài Chòi vùng duyên hải Nam Trung Bộ; cách hô hát các làn điệu chính gồm Xuân nữ, Xàng xê, hò Quảng và Nam xuân cũng như xây dựng các tiết mục biểu diễn.
Ông Ngô Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TP Đà Nẵng cho biết: "Qua những dịp tập huấn là cơ hội để các nghệ nhân truyền tải kinh nghiệm, cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn và cả sự đam mê nghệ thuật Bài Chòi cho học viên. Kế hoạch trước mắt của đơn vị vẫn là tập huấn cho đội ngũ giáo viên các trường học, đặc biệt là các Trường THPT, tiến đến xây dựng các câu lạc bộ (CLB) Bài Chòi trong các trường học. Trường nào có nhu cầu thành lập CLB, đủ điều kiện về số lượng học sinh tham gia thì sẽ được các nghệ sĩ, CLB Bài Chòi hỗ trợ tập huấn, giảng dạy. Cụ thể là sau đợt tập huấn này, Sở GDĐT các quận, huyện sẽ chọn trường, đăng ký xây dựng CLB điển hình ở mỗi vùng miền. Ngoài ra Trung tâm Văn hóa điện ảnh vẫn duy trì hoạt động của các CLB bài chòi, có kế hoạch tổ chức liên hoan bài chòi tiếp nối các năm trước để góp phần giữ gìn, phát huy và lan tỏa giá trị nghệ thuật Bài Chòi đến thế hệ trẻ".
Nghệ thuật Bài Chòi ở thành phố Đà Nẵng là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo và không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, dịp lễ hội, trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng địa phương. Bài Chòi ở Đà Nẵng tồn tại chủ yếu dưới hình thức các CLB hô/hát bài chòi dân gian tại các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà, Liên Chiểu, trong đó phong trào hô hát Bài chòi phát triển mạnh nhất ở huyện Hòa Vang và nhận được sự hưởng ứng, yêu mến của đại bộ phận người dân địa phương. Điều đó chứng tỏ, Bài Chòi vẫn có sức sống mạnh mẽ, được nuôi dưỡng, trao truyền trong nhân dân, trong làng xã và được người dân hưởng ứng, yêu thích. Từ các làn điệu, lời ca bình dị mà sâu sắc, bài chòi đã đi vào đời sống của nhân dân lao động, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phong trào, hội diễn văn nghệ quần chúng.
Trước nguy cơ nghệ thuật Bài Chòi bị lãng quên, mai một, lâu nay thành phố Đà Nẵng cũng đã có sáng kiến lồng ghép nghệ thuật Bài Chòi vào những sự kiện văn hóa, du lịch lớn của thành phố, Hội chơi Bài chòi được tổ chức thường xuyên vào các tối thứ Bảy và Chủ Nhật ở bờ đông cầu Rồng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân và du khách, từng bước tạo sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn.
Theo các nghệ nhân nghiên cứu Bài Chòi nhận định, việc phát huy, làm mới giá trị của di sản Bài Chòi phụ thuộc không nhỏ vào việc tổ chức những liên hoan sân khấu dân ca Bài chòi, lồng ghép các cuộc thi sáng tác kịch bản, sáng tác lời mới cho Bài Chòi, thông qua đó tìm kiếm và tuyển chọn những nhân tố mới, tác phẩm hay để phục vụ công chúng. Bên cạnh đó cần có sự quan tâm của chính quyền để giải quyết phần nào những khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này. Vì nghệ thuật Bài Chòi dù là di sản, có chỗ đứng nhất định trong "sân khấu lớn" của nghệ thuật của Đà Nẵng, nhưng khi đặt trước tình hình mới Bài Chòi vẫn gặp phải nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi những người làm nghệ thuật, những nhà nghiên cứu Bài Chòi phải thể hiện sức sáng tạo mãnh liệt đối với loại hình nghệ thuật này.