Đà Nẵng: Nỗ lực bảo vệ hệ thống di tích, di sản văn hóa
09/08/2021 | 13:44Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được quan tâm đầu tư có trọng điểm, đặc biệt là triển khai các dự án về trùng tu, tôn tạo di tích nhằm tạo điểm nhấn văn hóa đặc sắc, kết hợp với nhu cầu phát triển du lịch, đồng thời tăng tính giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.
Trùng tu, tôn tạo các bia, biển tưởng niệm
Sở VHTT TP Đà Nẵng cho biết UBND TP vừa ban hành danh mục các bia, biển tưởng niệm trùng tu, tôn tạo trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, thời gian tới, ngành chức năng TP và các địa phương sẽ trùng tu, tôn tạo 6 bia, biển di tích, chiến tích.
Cụ thể, đối với bia chiến tích Trung đoàn 96 xã Hòa Liên (H. Hòa Vang) đang bị nứt chân bia, tường bao bị ngập sẽ được trùng tu tôn tạo và nâng cốt nền bia. Bia bến đò Thủy Tú (Hầm Vàng) tại tổ 37, P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu) tuy hiện trạng còn tốt nhưng lại nằm trên đồi cao, khó tiếp cận, lối đi lên bia bị vướng đường dây điện; chữ khắc trên mặt bia khó đọc, bị phai màu. Sở VH-TT TP cho biết sẽ cải tạo đường lên bia di tích, đồng thời sơn lại chữ trên mặt bia. Ngành chức năng cũng sẽ làm lại mặt biển mới với kích thước lớn hơn đối với biển di tích hang Bà Đính (nằm trên đường lên bán đảo Sơn Trà) do tấm biển này nhỏ, mặt biển mờ và bị phong hóa.
Đối với bia di tích trận Hải Vân lần 1 và lần 2 (gắn liền với sự kiện chiến thắng trong 2 trận đánh của tiểu đoàn 18 và 19 của Trung đoàn 96 vào năm 1947) nằm trên đường lên đèo Hải Vân thuộc địa phận P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu) sẽ được tái dựng, tôn tạo lại cảnh quan xung quanh. Theo đánh giá của ngành văn hóa, hiện nay bia đang bị xuống cấp, quy mô bia nhỏ không tương xứng với tầm vóc của sự kiện; hình thức bia không phù hợp và nằm ở vị trí khó nhìn thấy nên không có hiệu quả tuyên truyền. Theo đó, trong năm 2021, Đà Nẵng dự kiến trùng tu, tôn tạo bia kỷ niệm chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 (tại vị trí gần đầu cầu Hòa Xuân) do bia có nguy cơ sạt lở, bị xuống cấp; biển di tích ngã tư chợ Cồn (bên trái cổng số 1 chợ Cồn ở ngã tư Ông Ích Khiêm - Hùng Vương) - biển di tích này gắn liền với trận đánh ngày 9.2.1971, chiến sĩ Ban An ninh quận 3 Đà Nẵng Hồ Thị Phương dùng mìn tiêu diệt Trưởng ban Mật vụ của Nha cảnh sát vùng 1 chiến thuật Mỹ - Ngụy.
Hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều di tích
Thành tựu nổi bật nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích là việc nghiên cứu đề nghị xếp hạng di tích; đến nay, thành phố có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 61 di tích cấp thành phố và 06 hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm được Thủ tướng chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công trùng tu tôn tạo các di tích gồm: Trùng tu 7 di tích thuộc Cụm Nam Ô gồm: Di tích Miếu Bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô, Đình làng Nam Ô, Lăng Ông, Miếu Âm linh và Giếng Lăng, Nghĩa trủng Nam Ô; Trùng tu di tích Đình Đà Sơn, Miếu Tam Vị, Đình Cổ Mân, Đình Mân Quang, Mộ Thống chế Lê Văn Hoan; Cải tạo, mở rộng Nghĩa trủng Phước Ninh. Riêng trong năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao đã hoàn thành 10 công trình Trùng tu các di tích: Đình Phước Trường, Miếu Cây Sung, Nhà thờ chư phái tộc làng Nại Hiên, Đình Phước Hưng, Đình Cẩm Toại, Đình Nại Hiên Đông, Nhà thờ Tập linh nghề cá Thanh Khê, Nhà thờ Tộc Đinh, Nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng, Khu di tích Miếu Hàm Trung - Miếu Trung Lập - Văn Thánh Xuân Thiều. Dự kiến, đến tháng 12.2021 các di tích này sẽ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Hiện nay, thành phố đang triển khai một số dự án lớn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích gồm: Dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2; dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng; dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; dự án Bảo tồn và phát huy giá trị khảo cổ học Chăm Phong Lệ.
Nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa, di sản, tri ân các anh hùng liệt sỹ đồng thời tạo cảnh quan và địa điểm cho người dân và du khách trong thời gian tới, năm 2020 Đà Nẵng đã có quyết định lấy lại đất, mở rộng diện tích cho 2 Khu di tích Nghĩa trủng Phước Ninh (Q. Hải Châu), Khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang (Q. Cẩm Lệ), lấy 3.000 diện tích đất làm công viên dự án sẽ xây dựng cảnh quan khu công viên gắn kết văn bia nghĩa trủng Phước Ninh. Về quyết định cải tạo, mở rộng Khu di tích quốc gia Nghĩa Trủng Hoà Vang (quận Cẩm Lệ), vị trí mở rộng từ Nghĩa Trủng Hòa Vang ra đến hết khu đất của Bệnh viện Y học dân tộc hiện nay (khoảng 6.000m2), theo đó triển khai đầu tư khu vực cảnh quan, công viên, tưởng niệm kết nối với nghĩa trủng.
"Quan điểm của thành phố bây giờ là bảo tồn phát triển di sản bền vững theo hướng bảo vệ theo luật di sản, cấm các hoạt động xâm hại. Việc mở rộng 2 khu di tích Nghĩa trủng là việc làm cần thiết và ý nghĩa không chỉ đối với ngành văn hóa, mà còn của cả thành phố, đem lại giá trị văn hóa tinh thần cho người dân. Trả lại đất cho di tích là hướng đi đúng đắn của thành phố, qua đó sẽ góp phần làm tôn tạo, phát huy giá trị di sản, văn hóa - đặc biệt là đối với hai di tích được xem như hai nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của việt nam, nơi mà ghi dấu sự hy sinh của bao anh hùng liệt sỹ trong buổi đầu kháng Pháp, khơi dậy truyền thống yêu nước đấu tranh cách mạng" - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện khẳng định.
Kể từ khi thành phố có Đề án Bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn Đà Nẵng năm 2016 - 2020, các di tích văn hóa không chỉ được đầu tư trùng tu mà số lượng di tích cấp quốc gia và cấp thành phố cũng được tăng lên. Trong 5 năm từ 2016 - 2020, thành phố đã đầu tư 250,496 tỷ đồng để trùng tu 35 di tích xếp hạng. Về cơ bản, các di tích xuống cấp đều được trùng tu, tôn tạo và công tác trùng tu, tôn tạo đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn, không làm sai lệch biến dạng, đặc điểm vốn có và các yếu tố gốc cấu thành di tích./.