Đà Nẵng: Nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đồng hành trong mùa du lịch
28/06/2024 | 14:31Nhằm đem đến những trải nghiệm ấn tượng đối với du khách, mùa du lịch năm 2024, bên cạnh những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, Đà Nẵng cũng có nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, nghệ thuật quy mô, đặc sắc.
Theo Sở VHTT Đà Nẵng, khung thời gian ban đêm không chỉ để người dân nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, mà còn là khoảng thời gian để mọi người tự đáp ứng các nhu cầu cá nhân như vui chơi, mua sắm…
Việc thành phố đầu tư để làm nên diện mạo của một thành phố sự kiện - lễ hội cũng phần nào hướng đến mục tiêu này.
Thực hiện đề án “Tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hằng năm, gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2026”, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã hình thành những trục văn hóa - lễ hội về đêm ở hai bên bờ sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo và Bạch Đằng).
Mùa hè năm 2024, cùng với sự ra mắt của phố đi bộ Bạch Đằng, quận Hải Châu phối hợp các đơn vị xây dựng, tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật mới để phục vụ người dân và du khách.
Trong đó, phải kể đến chương trình “Góc âm nhạc Đà Nẵng - Danang Music Corner” tại phố đi bộ Bạch Đằng, thu hút đông đảo người dân, du khách đến thưởng thức.
Chương trình do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố chủ trì, biểu diễn vào tối thứ Bảy tuần đầu tiên của tháng 6, 7, 8 tại hai cụm dọc từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý. Cụm 1 biểu diễn hòa tấu nhạc cụ hiện đại saxophone, keyboard, guitar; cụm 2 hòa tấu nhạc cụ dân tộc đàn tranh, sáo trúc, đàn nhị…
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố Nguyễn Cường cho biết, chương trình được xây dựng theo tiêu chí vừa có tính cộng đồng, vừa bảo đảm tính nghệ thuật, truyền tải thông điệp tươi sáng, tích cực.
Hai cụm âm nhạc truyền thống - hiện đại biểu diễn song song nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích thưởng thức âm nhạc của mọi lứa tuổi khán giả, góp phần tăng sức hút, sự hấp dẫn của phố đi bộ Bạch Đằng, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các nhóm nghệ thuật, khơi dậy tinh thần tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong giới trẻ.
Từ ngày 4 đến ngày 7, Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản trở lại với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật mới và đầy sôi động, mang đậm bản sắc hai quốc gia.
Có các hoạt động thể thao sôi nổi, như: Ngày hội giao lưu bông đá giữa CLB Kawasaki Frontale với thanh thiếu niên Đà Nẵng; Trải nghiệm bóng chày Nhật Bản cho người dân và du khách, trình diễn đấu vật biểu diễn Việt – Nhật; Giao hữu các điệu nhảy dân vũ truyền thống Việt - Nhật; Giao lưu trà đạo Nhật Bản - trà thức Việt Nam...
Cùng với đó là workshop vũ đạo hiphop Nhật Bản do nhóm Kadokawa Dreams - đội nhảy đứng số 1 giải Japan Pro League 2023 tổ chức.
4 đêm nghệ thuật Việt - Nhật, được dàn dựng chuyên nghiệp, thể hiện những nét văn hóa truyền thống lẫn hiện đại của hai nước với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc; cuộc thi hóa trang các nhân vật hoạt hình Nhật Bản (cosplay) và trải nghiệm bóng chày Nhật Bản...
Lễ hội nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa thánh phố Đà Nẵng và các địa phương, đối tác của Nhật Bản, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến tại chỗ về đầu tư, thươn mại, du lịch, giáo dục, việc làm.
Góp phần đẩy mạnh giao lưu văn hóa, ngoại giao nhân dân, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt - Nhật.
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng Nguyễn Thị Hội An, việc đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm mới, mà còn là cách để thu hút, giữ chân khách du lịch ở lại, trở lại với thành phố.
Ngành văn hóa luôn xác định phải tạo ra những hoạt động hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang bản sắc địa phương và tính cộng đồng để tất cả mọi người đều có thể tham gia.
“Đồng hành cùng Lễ hội tận hưởng Đà Nẵng 2024, Sở VHTT đã chỉ đạo các nhà hát, đơn vị trực thuộc và huy động các nghệ sĩ không chuyên tham gia biểu diễn, bảo đảm chất lượng nghệ thuật để khuấy động chuỗi hoạt động hè, mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, khó quên”, bà Hội An chia sẻ.