Đà Nẵng: Mở rộng không gian đọc trong cộng đồng
16/03/2022 | 16:00Nhiều thư viện do địa phương và tư nhân đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã góp phần phục vụ đời sống tinh thần người dân, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Khánh thành trước Tết Nhâm Dần 2022, công trình Nhà truyền thống và thư viện quận Liên Chiểu trở thành điểm đến của đông đảo sinh viên, công nhân sinh sống trên địa bàn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20-40 lượt người đến đọc sách tại thư viện, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Đến với thư viện từ những ngày đầu, Vũ Ngọc Thanh (sinh năm 2004, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chia sẻ: "Thư viện quận không chỉ khang trang, hiện đại mà còn đa dạng về đầu sách nên em và bạn bè thường đến đây để đọc sách, tra cứu tài liệu và gặp gỡ những người bạn có cùng chung sở thích đọc sách. Việc học tập tại thư viện giúp em có không gian yên tĩnh, tập trung hơn vì nơi đây thoáng đãng". Trong khi đó,
Nguyễn Hoàng Vi (sinh năm 2006, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết: "Trước đây, khi cần tìm hiểu tài liệu, thông tin gì em đều đến Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tìm, tuy nhiên quãng đường đến đó khá xa. Từ khi thư viện quận hoạt động, em thường xuyên đến đây để tìm hiểu tài liệu học tập nên rất thuận tiện và nhanh chóng".
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Liên Chiểu Nguyễn Thị Hồng Nghĩa, công trình Nhà truyền thống và thư viện quận Liên Chiểu được xây dựng với tổng mức đầu tư 14,8 tỷ đồng, diện tích khoảng 800m2 nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận. Công trình gồm các hạng mục: phòng truyền thống, phòng hội thảo, thư viện điện tử, không gian đọc sách ngoài trời, phòng đọc, kho sách, khu cà-phê sách... với hơn 5.000 đầu sách phục vụ độc giả ở mọi lứa tuổi. "Do ảnh hưởng của Covid-19 nên số lượng độc giả đến với thư viện chưa nhiều. Trong thời gian đến, để thu hút bạn đọc, chúng tôi sẽ tăng cường thông tin qua kênh facebook "Thư viện quận Liên Chiểu" và hệ thống loa truyền thanh của quận", bà Nghĩa nói.
Vừa mở cửa, thư viện tư nhân Olive Gallery Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) đã thu hút rất đông bạn đọc trẻ. Chị Tống Thu Huyền, người điều hành Olive Gallery Đà Nẵng chia sẻ, Olive Gallery gồm thư viện sách và phòng triển lãm tranh được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại, rộng khoảng 500m2, có thể đáp ứng nhu cầu đọc và thưởng thức nghệ thuật của độc giả. Hiện thư viện có hơn 10.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại, bao gồm sách dành cho thanh, thiếu nhi, sách dạy kỹ năng, tâm lý… Đây còn là nơi trưng bày hàng trăm tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam và nước ngoài; thường xuyên được trưng bày (50-60 tác phẩm/lần) theo các chủ đề khác nhau để tạo nên sự tươi mới.
"Hiện tại, Covid-19 diễn biến phức tạp nên thư viện tiếp nhận khoảng 10 bạn đọc/buổi để bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch. Chúng tôi còn tạo điều kiện hỗ trợ những họa sĩ trẻ yêu thích tranh và vẽ tranh chưa có điều kiện tổ chức triển lãm tại các địa điểm lớn thì có thể chọn Olive Gallery", chị Huyền cho biết.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay, bên cạnh Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, có 6 thư viện trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các quận, huyện gồm: Cẩm Lệ, Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và Hòa Vang. Ngoài ra, toàn thành phố có 16/56 xã, phường có thư viện, phòng đọc sách. Một số phòng đọc sách xã, phường đã được bố trí trụ sở riêng như: Phòng đọc sách phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), phường Khuê Trung và phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Các phòng đọc sách phường, xã được bố trí kết hợp tại phòng truyền thống, nhà văn hóa cộng đồng hoặc nằm trong phòng làm việc của cán bộ Văn hóa Thông tin xã, phường.