Đà Nẵng kỳ vọng đón lượng lớn du khách Ấn Độ và Trung Đông
24/09/2022 | 19:48Việc mở các đường bay trực tiếp từ Ấn Độ đến Đà Nẵng vào tháng 10/2022 sẽ đưa lượng lớn du khách của quốc gia có 1,4 tỷ dân này đến thành phố sông Hàn. Trong khi đó, nguồn khách từ Trung Đông cũng là thị trường tiềm năng đối với ngành du lịch Đà Nẵng.
Tại các chương trình xúc tiến du lịch, trao đổi thông tin để chuẩn bị phục vụ khách Ấn Độ và Trung Đông do Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành đều kỳ vọng thành phố miền Trung Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng thu hút đông đảo du khách đến từ hai thị trường này.
Tạo ra các gói sản phẩm hấp dẫn, phù hợp thị hiếu của du khách
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, ngày 17 và 18/10/2022, hãng Vietjet Air sẽ bắt đầu khai thác 2 đường bay thẳng từ hai thành phố lớn của Ấn Độ là Mumbai và New Delhi đến Đà Nẵng. Sau đó, hãng này sẽ khai thác 3 đường bay mới từ Bengaluru, Hyderabad và Ahmedabad đến Đà Nẵng vào tháng 11/2022.
Đối với thị trường Trung Đông, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tổ chức các đoàn công tác tại Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để giới thiệu du lịch Đà Nẵng, đồng thời xúc tiến sớm mở lại đường bay trực tiếp Doha - Đà Nẵng. Trước thời điểm COVID-19 bùng phát đã có đường bay trực tiếp Doha - Đà Nẵng của hãng Qatar Airways với tần suất 4 chuyến/tuần.
"Qua nghiên cứu, khảo sát thị trường và tìm hiểu xu hướng, thị hiếu của khách Ấn Độ cũng như Trung Đông, chúng tôi nhận thấy Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để đáp ứng hai thị trường này, đặc biệt là du lịch cưới và nghỉ dưỡng", bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.
Cũng theo bà Hạnh, Sở Du lịch Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch thành phố, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch, các khu điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch và hãng hàng không liên kết xây dựng các gói sản phẩm hấp dẫn để khai thác, thu hút các thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông.
"Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm đặc trưng cho thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp, trong đó có sản phẩm du lịch cưới và nghỉ dưỡng phù hợp nhu cầu, thị hiếu của du khách Ấn Độ cũng như Trung Đông", bà Hạnh chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, Đà Nẵng sẽ đón khoảng 200.000 khách Ấn Độ trong số 1,2 triệu khách nước này đến Việt Nam năm 2023 và họ sẽ lưu trú 5-7 đêm, thậm chí 10 đêm.
Ông Dũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch nhanh chóng tạo ra sản phẩm chuyên cho thị trường Ấn Độ, đồng thời xúc tiến gửi khách Việt Nam qua quốc gia Nam Á này để duy trì đường bay.
Xây dựng bếp Ấn và Trung Đông để phục vụ khách đoàn
Ông Subhash Prasad Gupta - Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam - dẫn chứng trong 9 tháng đầu năm 2022 đã có 94.000 khách Ấn Độ đến Việt Nam; trong đó 75% là những người từ 35-55 tuổi.
Trong top 10 điểm đến của Việt Nam được du khách Ấn Độ quan tâm tìm kiếm nhiều nhất, ngoài hai trung tâm lớn là Hà Nội và TPHCM còn có Đà Nẵng.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, hình ảnh điểm đến Đà Nẵng được quảng bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội; sự xuất hiện và ảnh hưởng lớn của Cầu Vàng - Bà Nà đã thu hút sự quan tâm, hiếu kỳ của khách du lịch quốc tế nói chung và khách Ấn Độ nói riêng. Theo đó, Đà Nẵng được xem là một điểm đến mới đối với du khách quốc tế thay thế cho điểm đến Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia) đã quá tải.
Đối với thị trường Trung Đông, nhu cầu du lịch của người dân khu vực này được dự báo sẽ tăng nhanh, dự kiến đạt 165 tỷ USD vào năm 2025 với các thị trường gửi khách hàng đầu bao gồm: Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Người dân Trung Đông đang tìm kiếm những điểm du lịch mới do những điểm truyền thống đã bão hòa. Vì vậy, nguồn khách Trung Đông là thị trường tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Ông Nguyễn Minh Xoang, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành quốc tế Hải Vân Cát khẳng định: Các công ty lữ hành đã sẵn sàng đón khách Ấn Độ và Trung Đông.
Ông Xoang lý giải thêm: "Đà Nẵng có nhiều lợi thế về điểm đến, khách sạn, nguồn nhân lực ổn. Tuy nhiên, nếu đón đoàn lớn từ Ấn Độ và Trung Đông, chúng ta sẽ gặp khó khăn vì thiếu nhà hàng có thể đáp ứng quy mô từ 100-300 khách. Các nhà hàng cần tuyển dụng đầu bếp Ấn và Trung Đông, nghiên cứu các món ăn phù hợp với khách ở hai thị trường này".
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Furama Resort, cũng cho rằng các nhà hàng Ấn Độ trên địa bàn Đà Nẵng có quy mô nhỏ, không có nhà hàng dành cho khách đoàn.
"Nhu cầu về ẩm thực của khách Ấn Độ khá đặc biệt nhưng khách Ấn Độ cũng muốn trải nghiệm ẩm thực ở địa phương. Hội Khách sạn Đà Nẵng sẽ mở các lớp đào tạo để làm khách Ấn Độ hài lòng hơn", ông Quỳnh nói.
Trong khi đó, các nhà hàng Hồi giáo nhỏ trên địa bàn Đà Nẵng chưa nhiều, chưa phong phú về thực đơn, chỉ có 2 nhà hàng được chứng nhận Halal để phục vụ khách Hồi giáo đến từ Trung Đông.
Trước những hạn chế nói trên, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng, ngành du lịch Đà Nẵng cần có sự chuẩn bị chu đáo, sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị với doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không và các đơn vị cung ứng dịch vụ.
"Môi trường du lịch tại Đà Nẵng hết sức an toàn, thân thiện và mến khách. Số lượng buồng phòng cùng cơ sở lưu trú của Đà Nẵng cũng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của du khách Ấn Độ và Trung Đông", bà Hạnh nhấn mạnh.