Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đà Nẵng: Khôi phục du lịch đường sông

23/12/2020 | 10:09

Dịch bệnh, mưa bão kéo dài khiến các hoạt động du lịch bị ảnh hưởng, trong đó có các hoạt động du lịch đường thủy nội địa. Ngành du lịch thành phố đang nỗ lực từng bước để thúc đẩy du lịch đường sông sớm hoạt động trở lại.

Đà Nẵng: Khôi phục du lịch đường sông - Ảnh 1.

Ngành du lịch thành phố đang tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch đường sông.

Năm 2020, các hoạt động du lịch đường thủy nội địa khá trầm lắng. Lý do chủ yếu do dịch bệnh nên nguồn khách đến Đà Nẵng bị giảm đáng kể. Theo thống kê của Sở Du lịch thành phố, tổng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng năm 2020 ước khoảng 2,79 triệu lượt, giảm 68,7% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế ước khoảng 881.000 lượt, giảm 80,5% so với năm 2019; khách nội địa ước khoảng 1,91 triệu lượt, giảm 60,6% so với năm 2019. Khách du lịch đường thủy nội địa ước khoảng 161.443 lượt, giảm 78% so với năm 2019.

Du lịch đường sông được những người làm du lịch đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển vì hiện nay mới chỉ khai thác được bề nổi trong những tuyến gần, còn lại cần có thời gian, kế hoạch cụ thể để triển khai. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình, trong kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng năm 2019-2021 có 9 nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiệm vụ phát triển 8 tuyến du lịch và một số nhiệm vụ trọng tâm khác.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, đến nay mới chỉ triển khai được 3 tuyến điểm chính gồm tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý; tuyến sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà; tuyến sông Hàn đi Hòn Chảo. 5 tuyến còn lại tồn tại nhiều vướng mắc. Điển hình như tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn, một số hạng mục để phát triển du lịch tại khu di tích đã được thi công và hoàn thành các hạng mục bổ sung tại bến K20 nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng do đang chờ Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết, khớp nối với hạ tầng kỹ thuật của toàn khu tại K20 theo quy định. Tại tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai, dù đã triển khai kêu gọi đầu tư làng rau La Hường (Cẩm Lệ) nhưng khu vực này mùa mưa bão thường bị lụt, đây cũng là khu vực được quy hoạch là vùng thoát lũ trên tuyến sông nên chưa có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư…

Dù gặp nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch cũng như xây dựng điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch để thu hút khách nhưng thời gian qua, ngoài 27 tàu đang hoạt động (trong đó tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý có 19 tàu; tuyến sông Hàn - Hòn Chảo có 8 tàu), ngành du lịch thành phố cũng đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, đóng mới tàu có cấp SB (tàu sông pha biển), đặc biệt các tàu lưu trú về đêm trên vịnh Đà Nẵng. Đơn cử như Công ty TNHH Đồng Vĩnh Thịnh đóng mới 1 tàu nhà hàng 80 chỗ ngồi hiện đại, đưa vào khai thác phục vụ khách từ đầu năm; Chi nhánh Công ty TNHH Đông Tây Tourist đăng ký đóng mới 2 tàu SB (tàu 60 chỗ tuyến sông Hàn và tàu cao tốc 30 chỗ đi Hòn Chảo) trong năm 2021; Công ty TNHH du lịch THP đóng mới 1 tàu nhà hàng 99 chỗ hoạt động tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý. Ngoài ra, còn có 3 doanh nghiệp đang làm thủ tục xin phép thành phố cho đóng mới 2 tàu lưu trú trên vịnh Đà Nẵng, 2 tàu khai thác tuyến khu vực bán đảo Sơn Trà. "Với việc đầu tư, đóng mới tàu theo tiêu chuẩn hiện nay đã nâng cao chất lượng đội tàu du lịch, bảo đảm an toàn và đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách", ông Nguyễn Xuân Bình chia sẻ.

Ông Lê Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH An Pha Sơn, chủ tàu du lịch Phú Quý bày tỏ, năm qua, du lịch đường thủy gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đến nay, dù đã hoạt động trở lại nhưng lượng khách chưa nhiều. Các doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy nội địa đều gặp khó trong việc khai thác nguồn khách vì khách quốc tế không có, khách nội địa khá èo uột, một số tàu chỉ phục vụ khách vào cuối tuần. Vì vậy, thời gian này, các đơn vị chủ yếu tham gia các công tác đào tạo, tập huấn thường niên như phòng cháy chữa cháy, nghiệp vụ phục vụ khách, an toàn cứu hộ cứu nạn….

Ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, thời gian tới ngành sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch, trước mắt ưu tiên phát triển tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý và tuyến quanh khu vực bán đảo Sơn Trà để hoàn thiện cho khách được trải nghiệm du lịch đường sông. Do đó, cần sớm kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng sông Hàn, cảng sông Thu thành cảng, bến thủy nội địa phục vụ khách du lịch. Với các bến đã triển khai đầu tư và cơ bản hoàn thành hạng mục cầu tàu (Túy Loan, Thái Lai) tiếp tục đầu tư các hạng mục bổ sung như nhà chờ, bãi đậu xe, nhà vệ sinh, quầy lưu niệm…; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố làm việc với Bộ tư lệnh vùng 3 Hải quân để thống nhất phương án trả khách tại bến Tiên Sa; đầu tư các điểm dừng chân; hỗ trợ quảng bá, khai thác… Về lâu dài, Sở Du lịch đề xuất UBND thành phố quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại ở các tuyến du lịch đường thủy nội địa chưa được triển khai.

Để chuẩn bị cho sự quay trở lại của các hoạt động du lịch đường thủy nội địa, thời gian qua, ngành du lịch thành phố đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho 21 học viên là thuyền viên, nhân viên phục vụ trên các tàu; hướng dẫn thực hiện các bộ tiêu chí đã được ban hành; các khóa tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách, nắm bắt tâm lý khách và xử lý tình huống cho người dân phục vụ khách du lịch tại các điểm đến du lịch đường thủy nội địa (Khu Di tích cách mạng K20 của Ngũ Hành Sơn, Túy Loan, Thái Lai của Hòa Vang, khu vực Liên Chiểu), từng bước tạo sự chuyển biến và chuẩn hóa về kỹ năng phục vụ khách du lịch cho người dân, bảo đảm chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ…

Theo baodanang.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×