Đà Nẵng: Hướng đến sản phẩm du lịch bao trùm
27/08/2024 | 13:59Xem số liệu khách du lịch lưu trú theo từng tháng vào năm 2023 sẽ nhận thấy xu hướng du lịch theo mùa vụ tại thành phố Đà Nẵng rất rõ nét, tăng trưởng theo hình “cầu vồng”. Theo đó, các tháng có mức tăng trưởng nhẹ là Ba, Tư, Năm và tập trung cao điểm nhất là vào mùa hè từ tháng Sáu, Bảy, Tám. Trong khi đó, 6 tháng còn lại đều giảm khi mùa du lịch nội địa kết thúc. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp để thu hút khách quốc tế đến thành phố trong những tháng thấp điểm?
Tỷ trọng trung bình khách nội địa/quốc tế chiếm gấp đôi, có nhiều tháng khách nội địa gấp 2,3 lần khách quốc tế. Những người làm du lịch tại Đà Nẵng cũng nhận biết rõ ràng rằng, Đà Nẵng vẫn là điểm thu hút khách nội địa mạnh mẽ nhất trong nhiều năm qua. Khách quốc tế vẫn là “mỏ vàng” chưa được khai thác.
Tập trung đặc thù "du khách cần”
Số lượng chuyến bay kết nối với các nước trong khu vực đến Đà Nẵng tăng đều, mạnh nhất vẫn là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan… Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia còn khó khăn, ngành hàng không vẫn còn khủng hoảng thiếu máy bay, các rào cản về chính sách từng quốc gia khiến các thị trường lớn kết nối hàng không với Đà Nẵng vẫn chưa triển khai được như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga… Đây cũng là một trở ngại khách quan lớn cho du lịch Đà Nẵng khi nỗ lực thu hút khách quốc tế.
Lễ hội và sự kiện du lịch, hội nghị, hội thảo là một trong những công cụ để kích cầu hiệu quả và khắc phục tính mùa vụ trong ngành du lịch. Theo báo cáo của Sở Du lịch thì trong năm 2023, thành phố tổ chức khoảng 20 sự kiện du lịch, lễ hội, một chương trình kích cầu du lịch “Tận hưởng Đà Nẵng 2023” với quy mô lớn. Tuy nhiên, theo quan sát thì các sự kiện chưa thực sự thu hút khách du lịch đến địa phương. Bởi, Đà Nẵng đầu tư khá nhiều lễ hội, sự kiện để thu hút khách tuy nhiên các sự kiện du lịch này hầu như chỉ tập trung vào “nguyên liệu địa phương có” mà chưa để ý đến đặc thù mà "du khách cần”. Hầu hết các lễ hội được tập trung vào mùa khách nội địa, đặc biệt là mùa hè với nhiều điểm mạnh như biển đẹp, thời tiết sáng, hải sản ngon...
Trong khi các mùa thấp điểm thì sự kiện rất thưa thớt, hoặc nếu có thì sự kiện không ấn tượng, mang tính hình thức và quy mô nhỏ lẻ. Ngoài hai tháng mùa mưa, thời tiết xấu có thể ảnh hưởng đến việc tổ chức sự kiện ngoài trời, thì các tháng còn lại có thể là cao điểm cho thị trường khách quốc tế nhưng cần đầu tư đúng tầm. Ví dụ: Lễ hội Té nước của người Thái, Lào, Camphuchia diễn ra vào tháng Tư nhưng không có hoạt động nào liên quan đến lễ hội này tại Đà Nẵng. Hoặc Tết Trung thu cũng là thời điểm nhu cầu du lịch của người Hàn Quốc rất cao, nhưng hoạt động này chỉ diễn ra tự phát từ người dân chứ chưa được sự đầu tư nâng tầm thành sự kiện thu hút du khách Hàn Quốc trong thời điểm này.
Hay thời điểm Golden Week là kỳ nghỉ vàng của người Nhật vào tháng Chín, tháng thấp điểm nhất trong năm, thì cũng không có hoạt động nào thu hút lượng khách này. Chưa kể tháng Mười hai, dịp Giáng sinh và năm mới là cao điểm các nước châu Âu nghỉ đông, lễ hội này đã trở thành phổ biến nhưng vẫn chưa có nhiều hoạt động chủ đề nào quy mô, định hướng thu hút dòng khách này tại Đà Nẵng...
Nhìn chung, sự kiện du lịch thu hút khách tại Đà Nẵng cần được chú trọng vào từng đặc thù của mỗi quốc tịch, hiện nay đa phần phù hợp với khách nội địa. Lễ hội là công cụ kích cầu hiệu quả nhất nên được quan tâm và đầu tư vào những tháng thấp điểm. Kéo khách du lịch quốc tế trong các tháng thấp điểm là cách để hạn chế tính mùa vụ du lịch.
Người dân là chủ thể du lịch
Du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm, hội chợ) cũng là nội dung chính để kéo lượng du khách từ các thị trường lớn. Chúng tôi nhận thấy rằng, du lịch là lĩnh vực đa ngành, góp phần vào phát triển kinh tế chung của một địa phương. Đà Nẵng nên mạnh dạn giao, hoặc đặt hàng mỗi sở, ban, ngành đăng cai tổ chức một sự kiện mang tầm quốc gia, hoặc quốc tế trong một năm. Từ đó, mỗi tháng đều có một sự kiện ngành diễn ra tại Đà Nẵng, góp phần lôi kéo khách MICE về địa phương, làm phong phú nguồn khách, khẳng định Đà Nẵng là thành phố của các sự kiện kinh tế, ngoại giao, chính trị, thể thao, văn hóa và du lịch.
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch bao trùm, đảm bảo cơ hội du lịch sẽ được trải rộng cho toàn dân, người dân sẽ là chủ thể du lịch, lợi ích về du lịch sẽ cơ hội nghề nghiệp, việc làm được trang trải cho toàn dân, đây là một yếu tố khẳng định tính bền vững trong du lịch.
Bằng dữ liệu lớn, một bản đồ của nhóm nghiên cứu FUSE (thuộc Trường Đại học Fulbright) nhận thấy các cơ sở dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng chỉ tập trung vào khu vực Hải Châu, Sơn Trà. Còn các quận khác vẫn thưa thiếu sở du lịch, trong khi tài nguyên du lịch những nơi đó không phải thiếu. Xã Hòa Ninh, Hòa Phú, hay Hòa Liên (huyện Hòa Vang) đều có thể khai thác phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề…
Các giá trị bản địa ở các địa phương này cần được khai quật và đóng gói để trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm giá trị cho khách du lịch. Chính quyền tiếp tục thúc đẩy hơn nữa chính sách khuyến khích đầu tư vào các mảng du lịch này, nhằm tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hay người dân, vừa đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho các nguồn khách khác nhau, vừa tạo dư địa để phát triển các lễ hội truyền thống, khai thác giá trị bản địa tại khu vực này, nhằm góp phần hạn chế tính mùa vụ trong du lịch tại địa phương.
Một lần nữa bài toán quy hoạch tuyến điểm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch bền vững cho một điểm đến cần khai thác hơn, mổ xẻ và đa dạng hóa để tăng tính bền vững cho một địa phương.