Đà Nẵng: Hứa hẹn nhiều điểm đến văn hóa, lịch sử hấp dẫn
22/02/2022 | 14:47Phát huy giá trị di tích, đồng thời tạo điểm đến về văn hóa trong tương lai, Sở VHTT thành phố Đà Nẵng cho biết toàn ngành đang khẩn trương hoàn thành việc nâng cấp, trùng tu, tôn tạo nhiều công trình văn hóa - lịch sử có giá trị, dần đưa vào khai thác trong năm 2022.
Thành quả trong công bảo vệ di tích, giữ gìn di sản
Sau những thăng trầm, đấu tranh để giữ gìn văn hóa, di sản, hiện nay nhiều địa chỉ di tích, di sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được giữ lại và trùng tu sạch đẹp, là nơi người dân đến hương khói vào những ngày lễ, mang ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với người dân địa phương. Thời gian qua, có thể kể đến nhiều công trình di tích, di sản đã được ngành văn hóa TP Đà Nẵng quyết tâm phục hồi, tu bổ: Đầu tháng 1 năm 2022, ngành văn hóa bàn giao hai công trình di tích là miếu Tam Vị và miếu bà Liễu Hạnh cho quận Liên Chiểu quản lý; trong tháng 12.2021, hoàn thành trùng tu mộ Đô thống chế Chưởng phủ Lê Văn Hoan (huyện Hòa Vang). Ngôi mộ có niên đại gần 200 năm và đang xuống cấp trầm trọng. Cũng trong tháng 12.2021, công trình "Cải tạo, mở rộng Nghĩa trủng Phước Ninh" (phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cũng đã được TP nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, cuối tháng 12/2021, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ khởi công dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan tại di tích Hải Vân Quan, đèo Hải Vân. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm trên diện tích khoảng 6.500m2. Nguồn vốn đầu tư được trích từ ngân sách thành phố Đà Nẵng 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%. Theo đó, dự án sẽ tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đến nền gốc tích thời Nguyễn. Các lô cốt còn lại gồm 5 lô cốt được xây dựng thời Pháp chiếm đóng sẽ được tu bổ chống xuống cấp, phục hồi các chi tiết bị sập vỡ. Bên cạnh đó sẽ phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ, phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ…
Hiện các di tích trên địa bàn thành phố như: đình Cổ Mân, khu di tích làng Mân Quang (quận Sơn Trà); đình Nam Ô, Nghĩa trủng Nam Ô, miếu bà Bô Bô, Lăng Ông, miếu Âm linh, Giếng Lăng (thuộc cụm di tích lịch sử Nam Ô, quận Liên Chiểu) và đình Đà Sơn (quận Liên Chiểu) đang được gấp rút trùng tu, tôn tạo. Trong đó, khu di tích làng Mân Quang có kinh phí đầu tư lớn với gần 13 tỷ đồng, trên quần thể di tích rộng hơn 2.600m2 đã đang được gia cố những hạng mục chính bị hư hỏng; xây trát mới ở một số công trình phụ trợ. Dự kiến trong đầu năm 2022, Sở VHTT sẽ lần lượt bàn giao 7 công trình tu bổ di tích cho dân làng quản lý, sử dụng, với hy vọng cùng với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể "quây quần" tại làng Nam Ô, nơi đây sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai.
Phát huy giá trị của các thiết chế văn hóa, lễ hội
Năm 2021, sở VHTT đã khởi công trùng tu, tôn tạo 13 di tích văn hóa - lịch sử bị xuống cấp trên địa bàn với tổng kinh phí 60 tỷ đồng. Được biết trong năm 2022, TP đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ những công trình văn hóa trọng điểm bao gồm nâng cấp, cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng làm bảo tàng; bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan; tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2... để nhanh chóng đưa vào sử dụng, phục vụ du lịch và làm dày thêm giá trị văn hóa trên địa bàn thành phố.
Để phục vụ cho việc thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, vừa qua Sở VHTT Đà Nẵng đã tổ chức kiểm kê, điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá toàn bộ hiện trạng việc tổ chức lễ hội cầu ngư tại các địa phương có thiết chế thờ tự cá Ông (Thần Nam Hải); hỗ trợ địa phương khôi phục, kiện toàn Ban quản lý lăng thờ tự cá Ông và Ban tế lễ trực tiếp thực hành nghi lễ tại các cơ sở thờ tự; tổ chức lễ vinh danh "Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng" là di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời áp dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn di sản như số hóa lễ hội cầu ngư để dễ dàng lưu trữ thông tin nhằm phục vụ người dân. Ông Phạm Tấn Xử - Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết: Trong năm 2022, khi các công trình hoàn thành tu bổ, đưa vào sử dụng, Sở VHTT Đà Nẵng sẽ phối hợp địa phương quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục, tuyền truyền thay đổi và nâng cao nhận thức người dân đối với di tích, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên bằng các chương trình ngoại khóa, giáo dục tại di tích hoặc đưa giáo dục di tích vào trường học.