Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đà Nẵng: Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch

15/11/2022 | 10:32

Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng vừa phối hợp Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) và UBND huyện Hòa Vang thực hiện lớp tập huấn xây dựng Mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu trong hành trình du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Thổ cẩm là trang phục truyền thống được người Cơ Tu sử dụng nhiều trong các dịp lễ hội hay sự kiện trọng đại.

Chương trình là một trong ba hoạt động chủ yếu của Dự án Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng. Mục tiêu chính là nâng cao giá trị của tài nguyên, cũng như tăng cường sự hiểu biết của người dân và bảo tồn nguồn lực địa phương, thông qua việc thúc đẩy phát triển du lịch bằng cách sử dụng di sản văn hóa phi vật thể, đời sống văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được lựa chọn.

Đồng thời đề xuất mô hình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số gắn với du lịch, hướng tới sự phát triển bao trùm. Đây là cơ hội để những người đang thực hành, bảo tồn nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng trong quá trình thực hành và trao truyền di sản của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đưa di sản gắn kết với các hành trình du lịch, góp phần phát triển đồng đều đời sống văn hóa - xã hội cộng đồng dân tộc Cơ Tu; bảo đảm hỗ trợ cộng đồng phát huy di sản hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục, tập quán của đồng bào. 

Đồng bào các dân tộc thiểu số được phân bố rải rác trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống tập trung tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) và một số ít ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội nhằm đẩy mạnh, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn - đặc biệt là đối với người dân ở địa bàn vùng sâu, đời sống kinh tế khó khăn nhưng lại đang sở hữu những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, giá trị, như dân tộc Cơ Tu của huyện Hòa Vang. 

Đà Nẵng: Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Hướng đến gắn các nghề truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng.

Người Cơ Tu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay bảo tồn tương đối tốt trang phục truyền thống, phục hồi được nghề dệt thổ cẩm. Thổ cẩm là trang phục truyền thống được người Cơ tu sử dụng nhiều trong các dịp lễ hội, ngày tết, đám cưới, đám tang và các sự kiện trọng đại. Học sinh tiểu học người Cơ Tu ở xã Hòa Bắc cũng mặc trang phục truyền thống 2 buổi học/tuần. Nhìn chung, thổ cẩm của người Cơ tu Đà Nẵng vẫn giữ đúng hoa văn truyền thống dù chất liệu là sợi công nghiệp và trang phục đều đã được may theo lối cách tân. 

Theo đánh giá của Sở VHTT Đà Nẵng, trong Đề án Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Cơ Tu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2022 - 2030" cho thấy: "Trước sự tác động của thời gian, quá trình tiếp biến văn hóa và sự biến đổi của các yếu tố kinh tế, xã hội, trang phục - trang sức truyền thống của đồng bào Cơ Tu đang bị biến dạng và thay thế bằng các trang phục đã được cách tân. Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trong thời gian không xa, các trang phục - truyền thống sẽ mất đi, bản sắc văn hóa truyền thống không thể phục hồi lại được". Qua đó đặt ra vấn đề bảo tồn các nghề truyền thống trong đó có nghề dệt thổ cẩm, bên cạnh các nghề truyền thống khác như đan lát, điêu khắc gỗ và nấu rượu cần. Trước sự cấp thiết của việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, từ năm 2018, huyện Hòa Vang đã tổ chức cho đồng bào đi học nghề dệt ở Quảng Nam để về học cách bảo tồn nghề truyền thống nhằm phục vụ du lịch. UBND huyện Hòa Vang cũng tổ chức các lớp dạy nghề mời nghệ nhân từ huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) để truyền dạy lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho phụ nữ Cơ Tu của huyện./.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×