Đà Nẵng cơ cấu lại ngành du lịch để phát triển bền vững
12/10/2020 | 13:43Với mong muốn phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch thành phố đang nghiên cứu xây dựng đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Việc cơ cấu lại này sẽ giúp ngành du lịch thành phố nhìn nhận và đánh giá rõ nét hơn tổng thể tương quan, tỷ lệ giữa các phân ngành du lịch cơ bản là dịch vụ lưu trú, lữ hành và dịch vụ vận chuyển du lịch.
Giảm mất cân đối giữa "cung" và "cầu"
Theo Sở Du lịch, thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch đến Đà Nẵng năm 2019 là 2,68 ngày. Trong đó, số ngày lưu trú của khách du lịch quốc tế 2,9 ngày, khách du lịch nội địa 2,35 ngày. Giai đoạn 2013-2019, tốc độ tăng trưởng thời gian lưu trú bình quân đạt trên 5%/năm, trong đó số ngày lưu trú bình quân của khách quốc tế tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, khoảng 7%, khách nội địa chỉ khoảng trên 3%.
Theo kết quả điều tra khảo sát du lịch năm 2019, chi tiêu bình quân của khách nội địa khoảng 3,55 triệu đồng/lượt khách, bằng 48,2% so với khách du lịch quốc tế (7,37 triệu đồng/lượt khách). Giai đoạn 2013-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân chi tiêu của khách trên 6%/năm.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam (Tổng cục Du lịch), về tổng thể có thể thấy Đà Nẵng là một trong những điểm đến phát triển hàng đầu ở Việt Nam và đạt các tiêu chí về kinh tế của ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, sự phát triển đó có bền vững hay không cần phải tính đến hiện trạng cơ cấu du lịch của thành phố đối với các thành phần tạo nên "cung" của điểm đến gồm: cơ cấu về thị trường, sản phẩm du lịch, cơ cấu về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, cơ cấu về nguồn nhân lực du lịch và cơ cấu về đầu tư du lịch. Đây là những chỉ số quan trọng, trực tiếp liên quan đến hiệu quả tăng trưởng du lịch với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn.
Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" cho thấy đến cuối năm 2019, Đà Nẵng có 943 cơ sở lưu trú du lịch với 40.074 phòng, với số lượng khách có lưu trú (khách nghỉ qua đêm) tại Đà Nẵng năm 2019 là 5,92 triệu lượt thì tổng số phòng tối đa cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách là 37.090 phòng. Như vậy, với tổng số 40.074 phòng hiện có "cung" về số lượng phòng đã vượt "cầu" khoảng 8%, ảnh hưởng lớn đến công suất sử dụng buồng phòng chung của thành phố. Chưa kể, vào mùa thấp điểm về du lịch nội địa từ tháng 10 năm này đến tháng 4 năm sau, lượng khách nội địa giảm xuống còn 40-50% và ngày lưu trú trung bình chỉ còn 1,0-1,2 ngày/khách thì "cầu" chỉ còn khoảng 30.637 phòng.
Điều này đồng nghĩa với "cung" về số phòng hiện tại đã vượt "cầu" tới 30%. Chính sự bất hợp lý về cơ cấu hệ thống cơ sở lưu trú nhìn từ góc độ "cung - cầu" nếu không được điều chỉnh sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tăng trưởng và tính bền vững trong phát triển du lịch.
Chưa kể, nhân lực du lịch cũng là một trong những yếu tố cần đề cập tới. Thống kê của Sở Du lịch thành phố đến hết năm 2019, tổng số lao động trong ngành du lịch khoảng 49.463 người, trong đó khoảng 19,2% lao động trong lĩnh vực lữ hành vận chuyển; 61,3% trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ bổ sung khác khoảng 19,5%. Cơ cấu lao động thiếu hợp lý thể hiện sự mất cân đối khi lao động trong lĩnh vực lưu trú và nhà hàng chiếm phần lớn trong cơ cấu dịch vụ du lịch.
Cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ
Một trong những yếu tố hạn chế chất lượng tăng trưởng của du lịch Đà Nẵng là chưa có được sản phẩm du lịch đêm với trọng tâm là văn hóa, vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và tham quan du lịch. Ở nhiều điểm đến, du lịch mua sắm rất được coi trọng phát triển để góp phần tăng mức chi tiêu của khách du lịch. Đà Nẵng cần hình thành và phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chính và nhóm sản phẩm du lịch bổ sung mới để đón bắt xu hướng phát triển của du lịch thế giới và đáp ứng nhu cầu của thị trường, chú trọng đáp ứng các nhu cầu, sở thích đặc biệt của khách du lịch.
Do đó, để định hướng cơ cấu lại du lịch Đà Nẵng theo hướng ngành kinh tế mũi nhọn và bảo đảm sự phát triển bền vững, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, với việc cơ cấu lại ngành du lịch của thành phố phải bảo đảm góp phần tích cực giữ được sự ổn định và tiếp tục nâng cao vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của du lịch Đà Nẵng.
Du lịch thành phố cần phát huy đầy đủ lợi thế, các nguồn lực phát triển du lịch cùng với việc khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển. Việc vận hành du lịch thành phố theo quy luật kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế.
Đồng thời, tạo sự khác biệt về tính sáng tạo, hấp dẫn và chất lượng sản phẩm dịch vụ phục vụ cho điểm đến du lịch Đà Nẵng; phát triển du lịch Đà Nẵng nhanh và bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, phát huy vai trò trung tâm của hệ thống doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của cộng đồng, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh cũng cho biết thêm, giải pháp chung thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch trong giai đoạn mới sẽ bao gồm: đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch; tạo thuận lợi về điều kiện tiếp cận và đi lại cho khách du lịch; tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, bảo đảm an toàn vệ sinh cho các điểm đến; tập trung đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường liên kết phát triển du lịch...