Đà Nẵng: Cần đầu tư phát triển hệ thống thư viện để phục vụ độc giả
22/10/2021 | 10:03UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án "Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030", trong đó hướng đến mục tiêu phát triển hệ thống mạng lưới thư viện, nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất phục vụ bạn đọc, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào việc quản lý và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn toàn thành phố.
Hướng đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc cho người dân, trong những năm qua Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi viết truyện, đọc sách thúc đẩy mạnh mẽ sự gắn kết của độc giả và sách, tín hiệu vui là các hoạt động này ngày càng được người dân tham gia hưởng ứng nhiều hơn. Tuy nhiên để đưa sách tiếp cận gần gũi và rộng khắp hơn nữa với người dân thì cần phải tăng cường đầu tư phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố. Nhìn chung, hiện nay Đà Nẵng mới chỉ có Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng là sân chơi rộng đáp ứng được nhu cầu của người dân, còn hầu như các thư viện, phòng đọc trên địa bàn thành phố chưa được đầu tư phát triển đồng bộ xứng tầm, không hấp dẫn độc giả.
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 6/7 quận, huyện có thư viện trực thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao/Trung tâm Văn hóa và Thể thao các quận, huyện. Trong đó có 4 thư viện quận, huyện chưa có trụ sở riêng là Sơn Trà, Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu. Hiện tại các thư viện này chỉ được sử dụng "ké" phòng trong nhà văn hóa hoặc Trung tâm văn hóa, Thông tin và Thể thao quận, huyện. Diện tích, không gian chật hẹp và không có phòng riêng để phục vụ bạn đọc, lưu trữ tài liệu và không thể triển khai các hoạt động cơ bản của một thư viện. Trang thiết bị tại các thư viện nói trên cũng chưa được đầu tư đồng bộ, đơn cử như số lượng máy tính ít, sách dồi dào về số lượng nhưng không có chất lượng, chủ yếu là sách vận động quyên góp, đa số sách trong tình trạng cũ, những hạn chế trên đã khiến các thư viện xã, phường không thu hút được độc giả, Số ít được bố trí phòng đọc sách riêng, còn lại đa số các phòng đọc sách kết hợp tại phòng truyền thống, nhà văn hóa cộng đồng hoặc nằm trong phòng làm việc của cán bộ Văn hóa thông tin xã, phường, do đó không có bàn ghế để phục vụ bạn đọc.
Đề án "Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030" hướng đến mục đích khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc nâng cao đời sống văn hóa của người dân, chú trọng nâng cao chất lượng sách, chỉnh trang tu bổ cơ sở vật chất của hệ thống thư viện công cộng theo hướng hiện đại. Theo đó đặt mục tiêu mỗi năm bổ sung khoảng 17.000 bản sách giấy; 1.500 đầu sách điện tử; 200 đầu báo - tạp chí cho toàn hệ thống thư viện công cộng; thu hút bạn đọc đăng ký tối thiểu 9.000 thẻ/năm. Phấn đấu xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất các thư viện quận, huyện để đáp ứng cho từ 100 -150 bạn đọc mỗi ngày; khuyến khích xây dựng mới các phòng đọc sách, đặc biệt ưu tiên các xã vùng sâu vùng xa của huyện Hòa Vang.
Việc xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, bổ sung ấn phẩm chất lượng cho thư viện chắc chắn sẽ là "đòn bẩy" cho văn hóa đọc, đơn cử như Thư viện Khoa học tổng hợp sau khi được đầu tư, nâng cấp, lượng độc giả đã tăng gấp 2,5 lần so với trước đây. Hệ thống phòng đọc mới cho phép Thư viện Đà Nẵng phục vụ khoảng 500 độc giả mỗi ngày, vào những ngày cao điểm như mùa hè, mùa thi, thư viện phục vụ trung bình khoảng 700 bạn đọc mỗi ngày đến học tập và nghiên cứu. Thư viện Khoa học Tổng hợp hiện nay cũng là một điểm nhấn nổi bật tượng trưng cho đời sống văn hóa của TP Đà Nẵng. Hiện Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng đang hoàn tất hồ sơ, thủ tục đề nghị được xây dựng cơ sở 2 để mở rộng phục vụ bạn đọc, song song đó xây dựng được bộ sưu tập số liệu cổ Hán Nôm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân tộc, phục vụ công tác nghiên cứu về địa phương.
Để đưa hệ thống thư viện, phòng đọc vào hoạt động hiệu quả đáp ứng nhu cầu đọc và học của nhân dân, Đà Nẵng đã vận động mọi người duy trì thói quen đọc sách trong điều kiện phù hợp với mỗi cá nhân, tăng cường vai trò phối hợp của gia đình và nhà trường trong việc duy trì thói quen đọc sách cho trẻ em đồng thời khuyến khích mở rộng mô hình phát triển văn hóa đọc như cà phê sách, hội sách, đường sách, tuần lễ sách. Kêu gọi từ nguồn xã hội hóa, cá nhân, tổ chức xã hội đầu tư xây dựng thư viện tư nhân, thư viện gia đình, tộc họ có phục vụ cộng đồng, phát triển rộng rãi các tủ sách, phòng đọc sách ở thôn làng, khu phố phục vụ cộng đồng dân cư, các khu công nghiệp... theo hình thức xã hội hóa có sự hỗ trợ luân chuyển sách báo của hệ thống thư viện công cộng.