Đà Nẵng bảo tồn và phát huy giá trị của ma nhai
28/02/2023 | 09:38Việc ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO không những giúp nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt này, mà còn hứa hẹn thu hút du khách tìm hiểu và khám phá danh thắng. Lễ đón bằng công nhận sẽ diễn ra vào 1/3 tới.
Cuối tháng 11/2022, Hội nghị toàn thể lần thứ 9 tại Hàn Quốc của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) công nhận "Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng, Việt Nam" là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Như vậy, TP. Đà Nẵng có di sản được công nhận ở tầm khu vực đầu tiên và Việt Nam đến nay có 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.
Nguồn tư liệu quý
Thăm danh thắng Ngũ Hành Sơn, Dương Tuấn Mạnh - sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM - được giới thiệu về hệ thống ma nhai. Mạnh cảm thấy rất thú vị và muốn tìm hiểu về quần thể di tích các ngọn núi đá vôi cũng như về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của ma nhai.
Đến danh thắng Ngũ Hành Sơn vào giữa tháng 2/2023, chị Nguyễn Kiều Nga (37 tuổi, ở Hà Nội) cho biết: "Danh thắng Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động, ngôi chùa đẹp, mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Giờ đây, ma nhai được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì càng nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt này".
Ma nhai là một loại hình thạch khắc, được khắc trực tiếp lên các phiến đá trên vách núi tự nhiên sau khi đã gia công mài giũa bề mặt phiến đá. Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện có 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên các vách đá và hang động, phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội của 3 quốc gia: Việt Nam - Trung Quốc - Nhật Bản.
Trong đó, ma nhai "Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật" ở động Hoa Nghiêm lưu giữ thông tin về mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực. Ma nhai này cũng cho thông tin về cuộc hôn nhân giữa những người phụ nữ bản địa và thương nhân nước ngoài tại thương cảng Hội An, đặc biệt là trong gia đình "đa văn hóa" kiểu Nhật (chồng) - Việt (vợ), Hoa (chồng) - Việt (vợ) - những gia đình coi trọng vai trò của phụ nữ.
Động Huyền Không lưu giữ 30 ma nhai, nhưng chỉ 15 ma nhai đọc được; 9 ma nhai quá mờ; 6 ma nhai bị bôi trát bởi sơn và xi-măng. Nội dung ma nhai đa phần là thơ tả cảnh ngụ tình. Có 1 ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng dịch là "Huyền Không Động" và một số văn bia đề danh, ghi lại kỷ niệm khi vãng cảnh núi Ngũ Hành.
Động Tàng Chơn có 20 ma nhai, trong đó có 15 bia khắc rõ chữ, còn đọc được nội dung. Ma nhai có niên đại sớm nhất là "Nam Bảo Đài hình bi" được tạo tác thời chúa Nguyễn (trước thế kỷ thứ 18), muộn nhất là văn bia đề danh của Mai Viên Nguyễn Khoa Nghi (năm Bảo Đại thứ 13-1938). Ma nhai ở động Tàng Chơn chủ yếu tả cảnh, đề thơ, đề danh, với nhiều thể thức, kiểu chữ đa dạng.
Động Vân Thông có 2 bia ma nhai gồm: ma nhai "Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc" của thiền sư Huệ Đạo Minh được khắc bản năm Tân Mùi (1631); ma nhai "Vân Thông Động" - ngự bút của vua Minh Mạng vào năm (1837) với kiểu chữ Chân rất đẹp. Ma nhai "Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc" không còn nguyên vẹn do bị người đời sau khắc đề lên một số chữ quốc ngữ.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, so với các địa chỉ lưu dấu văn khắc trên đá nổi tiếng ở Việt Nam, Ngũ Hành Sơn không chỉ vượt trội về mặt số lượng, tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại, hội tập nhiều thế hệ tác giả ba miền đất nước cũng như ngoại kiều, mà còn hơn thế, văn khắc có nghệ thuật điêu khắc đá tinh xảo đọng lại qua hệ thống bia ký thời các chúa Nguyễn, đánh dấu một nét son đáng tự hào trên bản đồ phân bố bia ký tại Việt Nam.
Việc để lại chữ nghĩa trên vách đá, hang động của các bậc quân vương, quần thần, trí thức cho thấy triều Nguyễn trọng thi thơ và chữ nghĩa. Bởi lẽ, ngay khi xác lập vương triều, nhà Nguyễn đã chọn Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống, giữ vai trò độc tôn trong xã hội, từ chính trị đến giáo dục.
Hơn nữa, hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như: Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Nam Thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên…
Đồng thời, tính quý hiếm còn được thể hiện ở việc ma nhai tại Ngũ Hành Sơn luôn là nguồn dẫn liệu quan trọng của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế khi đề cập vấn đề ngoại giao văn hóa kinh tế của Việt Nam - Trung Quốc - Nhật Bản nói riêng và giao lưu hàng hải khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Do ảnh hưởng của khí hậu, thời gian, chiến tranh và con người, hiện có 52/78 ma nhai còn đọc được. Số còn lại đã bị bào mòn theo thời gian, bị bôi lấp bởi các lớp sơn và xi-măng, bị nứt vỡ do chiến tranh, bị người đời sau đục bỏ hoặc khắc thêm chữ quốc ngữ, làm biến dạng hoặc mất một số chữ Hán.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng, do sớm nhận thức được giá trị của ma nhai Ngũ Hành Sơn, những năm gần đây, chính quyền thành phố cùng các cơ quan chức năng đã hợp tác với chuyên gia trong nước và trên thế giới, tiến hành triển khai hàng loạt dự án bảo tồn. Bởi vậy, loại hình văn khắc này vẫn giữ được như là hiện vật gốc độc bản.
Chú trọng vai trò của cộng đồng
TS. Nguyễn Hoàng Thân - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Đà Nẵng nhận định: "Hệ thống tư liệu ma nhai là một bộ phận cấu thành quan trọng của di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Ngũ Hành Sơn; là dấu nối giữa tiền nhân và hậu thế; là nhịp cầu giao lưu, quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Di sản này đang dần mai một do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nếu không nhanh chóng kiểm kê, sưu tầm, in rập, số hóa thì sẽ vĩnh viễn mất đi".
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn bền vững và phát huy giá trị ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.
UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; trong đó chú trọng các giải pháp và phương án quản lý, bảo tồn bia ma nhai lâu dài, bền vững, kể cả phương án phục hồi di sản trong trường hợp bị hư hại do thời tiết, thiên tai; gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản với phát triển du lịch.
Theo đó, Ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn đã xây dựng các phương án quản lý, bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn và ma nhai, như đặt bảng chỉ dẫn tham quan để ngăn du khách sờ vào bia đá; bố trí lực lượng túc trực nhắc nhở du khách; vệ sinh sạch sẽ khu vực bia ma nhai; xử lý các thực vật gây hại; lắp đặt ánh sáng; đặt các pa-nô giới thiệu nội dung ma nhai.
Toàn bộ nội dung ma nhai được dịch ra tiếng Việt, xây dựng thành cơ sở dữ liệu để tra cứu, lưu giữ theo cách truyền thống và tra cứu trên Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng cho hay, công tác quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ chú trọng vai trò của cộng đồng; tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và du khách trong việc bảo vệ di sản; giới thiệu những tư liệu quý này vào trường học.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số để bảo tồn các ma nhai; sưu tầm, sao chụp, dập bản, số hóa, phiên âm dịch nghĩa hệ thống ma nhai phục vụ công tác nghiên cứu lâu dài. Đây là giải pháp khoa học tối ưu để bảo tồn nguồn tài liệu quý giá.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nguồn tài liệu văn khắc thường xuyên và rộng rãi thông qua hoạt động trưng bày, triển lãm và trên các phương tiện thông tin như tổ chức các hoạt động, trưng bày, triển lãm ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn tại các kỳ lễ hội, mở các cuộc thi viết thư pháp Hán Nôm, lập trang web, thư mục giới thiệu, quảng bá các bản văn khắc độc đáo. Phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, nhà nghiên cứu Hán Nôm, trong lĩnh vực bảo tồn các văn khắc thông qua việc trùng tu, bảo quản và nghiên cứu…
Danh thắng Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 8km về phía đông nam.
Cụm núi Ngũ Hành Sơn trải dài trên phần diện tích khoảng gần 2 km2, bao gồm 6 ngọn núi đá vôi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn với hệ thống hang động đá vôi Karst tuyệt đẹp.
Năm 1980, danh thắng Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Năm 1980, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt.