Cuộc thi sáng tác, thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch tỉnh Bắc Ninh
30/05/2024 | 16:39Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thể lệ Cuộc thi sáng tác, thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch tỉnh Bắc Ninh với chủ đề “Lan tỏa di sản văn hóa Bắc Ninh”.
Theo đó, đối tượng dự thi là các tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, họa sỹ, nhà thiết kế, nhà điêu khắc, các cơ sở, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, thiết kế sản phẩm lưu niệm trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh.
Sản phẩm dự thi là loại sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ hoàn chỉnh, đa dạng về chất liệu, màu sắc, ưu tiên các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường, các chất liệu sẵn có tại địa phương (như tre, gỗ, đá, gốm, đồng...); Sản phẩm được thiết kế, sản xuất chế tác để làm quà lưu niệm du lịch, quà tặng cho du khách phải có ý nghĩa, nội dung phong phú, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của du lịch Bắc Ninh, tập trung vào chủ đề phát huy giá trị di sản văn hóa và bảo vật Quốc gia Bắc Ninh.
Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 15/10 - 15/11/2024. Tác giả gửi mẫu sản phẩm đã hoàn chỉnh kèm theo bản thuyết minh, chú thích các thông tin của sản phẩm như: Ý tưởng, ý nghĩa, kiểu dáng, tính năng, chất liệu, kích cỡ, dự kiến chi phí sản xuất sản phẩm… tới địa chỉ: Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh (Số 15 đường Lý Thái Tổ, Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh. Số điện thoại: 0222.3874.204).
Cuộc thi nhằm tuyển chọn một số sản phẩm lưu niệm du lịch từ chủ đề từ các di sản văn hóa, bảo vật Quốc gia để sản xuất thí điểm nhằm gợi mở, kích thích xã hội hóa việc sản xuất đồ lưu niệm du lịch của tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả và đa dạng sản phẩm quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Bắc Ninh đến với du khách, đối tác trong và ngoài nước. Các sản phẩm thể hiện sự sáng tạo độc đáo, mang tính đặc trưng nổi bật, đậm bản sắc văn hóa của vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh - quê hương Quan họ và có khả năng đưa vào sản xuất đại trà phù hợp với các đối tượng khách du lịch, qua đó tăng nguồn thu cho hoạt động du lịch, tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân làng nghề, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.