Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cuộc thi IRONMAN 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam 2020 sẽ chính thức khởi tranh từ 04/9

13/04/2020 | 11:22

Cuộc thi IRONMAN 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam 2020 sẽ chính thức khởi tranh từ 04/9; Quảng bá bảo tàng bằng hình thức trực tuyến; Phát triển du lịch cộng đồng ở làng nghề nước mắm Nam Ô là những điểm tin văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật tại Đà Nẵng.

Cuộc thi IRONMAN 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam 2020 sẽ chính thức khởi tranh từ 04/9 - Ảnh 1.

Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Ban Tổ chức cuộc thi IRONMAN 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam 2020 xác định thời điểm khởi tranh sự kiện vào ngày 04/9 tới. (Nguồn: baodanang.vn)

Cuộc thi IRONMAN 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam 2020 sẽ chính thức khởi tranh từ 04/9

Thông tin trên báo Đà Nẵng điện tử ngày 13/4 cho biết, do những diễn biến phức tạp của Covid-19, Ban tổ chức cuộc thi IRONMAN 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam 2020 vừa xác định chính thức thời điểm khởi tranh cuộc thi, bắt đầu bằng sự kiện Newborn's Vietnam Runout (vào ngày 4/9).

Ngày 5/9, sẽ tiến hành sự kiện Sunrise Sprint & IRONKIDS và sự kiện chính Techcombank IRONMAN 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam 2020 được tổ chức vào ngày 6/9 tại Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà).

IRONMAN 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam 2020 là sự kiện được tổ chức ở một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh và là điểm đến xếp thứ 15 trong số 52 điểm đến hàng đầu của thế giới trong năm 2019, theo đánh giá của nhật báo New York Times.

IRONMAN 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam 2020 là cuộc thi ba môn phối hợp (bơi, xe đạp, chạy bán marathon) lớn nhất Việt Nam, nằm trong series giải đấu hàng đầu châu Á.

Từ một sự kiện đơn lẻ vào năm 2015, sự kiện này đã trở thành một lễ hội thể thao quốc tế và quy tụ các vận động viên khắp nơi trên thế giới đến tranh tài. Sự kiện đã truyền cảm hứng cho ngày càng nhiều vận động viên Việt Nam theo đuổi môn thể thao này cũng như là cỗ vũ lối sống lành mạnh, và xem cuộc đua này như một cách để rèn luyện ý chí khi đương đầu với những thử thách khắc nghiệt nhất trong cuộc sống.

Quảng bá bảo tàng bằng hình thức trực tuyến

Cũng theo báo Đà Nẵng điện tử, thực hiện nghiêm chủ trương phòng, chống Covid-19, các bảo tàng trên địa bàn thành phố đã dừng đón khách tham quan. Tuy nhiên, nhằm tăng sự tương tác giữa bảo tàng và công chúng, các bảo tàng thực hiện nhiều video giới thiệu không gian trưng bày hấp dẫn, sinh động.

Cuộc thi IRONMAN 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam 2020 sẽ chính thức khởi tranh từ 04/9 - Ảnh 2.

Cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng thuyết minh về trận đánh giải phóng Đà Nẵng thông qua hiện vật, tư liệu tại bảo tàng. (Nguồn:baodanang.vn)

Cụ thể, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sử dụng video 3D để giới thiệu online về toàn bộ không gian trưng bày của bảo tàng đến công chúng. Theo đó, trong thời lượng 5 phút, dưới góc quay sắc sảo, video như một chuyến tham quan ngắn để nhìn ngắm toàn bộ không gian trưng bày bên trong của bảo tàng.

Ngoài ra, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng lần lượt giới thiệu đến công chúng hình ảnh các không gian trưng bày chuyên đề ngắn hạn cũng như không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng tại các tầng. Ở mỗi không gian, bảo tàng chọn những điểm nhấn về chủ đề hay tác giả đặc sắc để giới thiệu; đặc biệt, giới thiệu các tác phẩm hội họa chủ đề về thành phố, ca ngợi vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương…

Trong khi đó, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã giới thiệu đến công chúng video "Bảo tàng Đà Nẵng - nơi lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng". Video này là bức tranh tổng thể về bảo tàng trong dòng chảy văn hóa, lịch sử của thành phố. Đặc biệt, bảo tàng hoàn thành video thuyết minh không gian trưng bày "Đà Nẵng ngày giải phóng", giới thiệu đến công chúng phần nào sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mà trực tiếp là Đặc khu ủy Quảng Đà, cùng khí thế quyết chiến, quyết thắng của đoàn quân giải phóng và tinh thần quật khởi, nổi dậy của người dân Đà Nẵng.

Ngoài ra, Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu trên trang mạng xã hội của bảo tàng hình ảnh, bài viết về văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc Xơ Đăng, huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; những tượng cổng làng đang trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng được ông Hồ Bill - dân tộc Xơ Đăng (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) thực hiện; bộ bưu ảnh "Bảo tàng Đà Nẵng - Sản phẩm truyền thông mới" giới thiệu đến công chúng những hiện vật hấp dẫn nhất trong trưng bày bảo tàng… Tất cả đều được xây dựng bởi sự tận tâm của cán bộ, nhân viên các bảo tàng trong giai đoạn tạm ngừng đón khách.

Phát triển du lịch cộng đồng ở làng nghề nước mắm Nam Ô

UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đề án Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng. Đây là một phần trong tổng thể đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô với tổng mức đầu tư 46,1 tỉ đồng (ngân sách 10,7 tỉ đồng, còn lại xã hội hóa) nhằm chuyển đổi nghề cho ngư dân tham gia hoạt động du lịch.

Mục tiêu của đề án là bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề nước mắm Nam Ô, gắn với phát triển du lịch - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của Đà Nẵng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Cuộc thi IRONMAN 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam 2020 sẽ chính thức khởi tranh từ 04/9 - Ảnh 3.

Làng nghề nước mắm Nam Ô phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. (Nguồn: baovanhoa.vn)

Cụ thể, thành phố xây dựng sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, trong đó tập trung các chỉ tiêu như: đạt sản lượng nước mắm tiêu thụ từ 200.000-250.000 lít/năm; nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, nhãn mác của sản phẩm để tạo thương hiệu riêng, đặc sắc của vùng miền, từ đó nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm nước mắm Nam Ô; tăng thu nhập bình quân đầu người từ nghề đạt 3-4 triệu đồng/người/tháng vào năm 2020 và đạt 4,5-5 triệu đồng/người/tháng vào năm 2025.

Thành phố xây dựng làng nghề nước mắm Nam Ô trở thành điểm du lịch của thành phố nhằm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nước mắm và các sản phẩm liên quan của làng nghề; khai thác tiềm năng các di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đề án cũng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Bảo tồn và phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô bằng cách khôi phục đội tàu đánh cá từ 3-4 chiếc để chủ động nguồn nguyên liệu, khuyến khích tạo điều kiện cho người dân đóng mới tàu thuyền, tham gia đánh bắt cá nhằm tăng quy mô và sản lượng phục vụ nghề mắm được ổn định./.

Anh Vũ (Tổng hợp)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×