Cụm tin văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật tại các tỉnh Nam Trung bộ từ ngày 19-22/7
22/07/2018 | 19:38Khai mạc Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XIX; Du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không ước đạt hơn 1 triệu lượt; Bình Thuận mở lớp tập huấn huấn luyện viên và trọng tài võ thuật cổ truyền năm 2018… là những thông tin hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật diễn ra tại các tỉnh Nam Trung bộ trong những ngày qua.
6 tháng đầu năm, khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không ước đạt hơn 1 triệu lượt. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Tại Phú Yên: Ngày 19/7, UBND tỉnh Phú Yên có Văn bản số 4046/UBND –KGVX gửi các sở, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý tại thắng cảnh gành Đá Đĩa. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chỉ đạo, đôn đốc và nâng cao trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan trong công tác phối hợp, quản lý Nhà nước theo chức năng, thẩm quyền (tại các Quyết định của UBND tỉnh số 23/2013/QĐ-UBND ngày 14/8/2013 về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; số 21/214/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Cũng tại Phú Yên: Ngày 20/7, UBND xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) tổ chức khai mạc Hội trại và liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã lần thứ V, năm 2018. Hội trại diễn ra từ ngày 20-22/7, với 12 chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong và ngoài xã tham gia. Các trại sinh cùng đông đảo người dân địa phương tham gia các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, cà kheo, kéo co, bắn nỏ… Ở phần liên hoan văn hóa cồng chiêng có hơn 200 diễn viên, nghệ nhân chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm H’roi đến từ 6 thôn trong xã thi diễn với các tiết mục đánh cồng chiêng, chơi nhạc cụ, hát dân ca truyền thống tái hiện lễ hội mừng lúa mới, bỏ mả… Đây là hoạt động truyền thống của địa phương được tổ chức hai năm một lần, nhằm phát triển phong trào văn hóa văn nghệ của xã, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tạo sân chơi lành mạnh cho người dân địa phương.
Tại Bình Thuận: Báo Bình Thuận ngày 19/7 đưa tin, Chủ tịch UBND tỉnh vừa giao UBND TP. Phan Thiết xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Trung thu hàng năm theo hướng chú trọng đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức. Theo đó, về quy mô, TP. Phan Thiết quan tâm tổ chức lễ hội ở nhiều địa điểm, cấp độ khác nhau, nhất là khuyến khích ở cả 3 cấp: Khu phố - thôn, phường - xã và thành phố nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi để thiếu niên, nhi đồng được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí trong dịp Lễ hội Trung thu. Sau Lễ hội Trung thu, UBND TP. Phan Thiết cũng cần nghiên cứu phương thức tổ chức trưng bày lồng đèn gắn với tổ chức không gian ẩm thực, hoặc thông qua các hình thức nghệ thuật sắp đặt để thu hút nhân dân và du khách tham gia thưởng lãm. Song song đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cổ động trực quan trên các tuyến đường tại Phan Thiết trước khi lễ hội diễn ra nhằm thu hút nhân dân, du khách biết thông tin và cùng tham gia…
Cũng tại Bình Thuận: Ngày 20/7, Sở VHTTDL phối hợp Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức lớp tập huấn huấn luyện viên và trọng tài võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Thuận năm 2018. Trong những năm qua phong trào võ thuật cổ truyền phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đoàn võ thuật cổ truyền tỉnh đã tham dự các lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên toàn quốc; dự các giải trong khu vực và các giải cấp quốc gia, đóng góp nhiều thành tích cho thể thao của tỉnh nhà. Qua đó, giúp đội ngũ võ sư, trọng tài võ thuật cổ truyền tỉnh nâng cao trình độ chuyên môn, đủ năng lực, tiêu chuẩn, trình độ để điều hành các giải. Nhân dịp này Bộ VHTTDL cũng đã trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành VHTTDL cho 5 võ sư, HLV.
Tại Quảng Nam: Ngày 19/7, UBND xã Quế Phong (Quế Sơn) tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đình làng Gia Cát. Đình làng Gia Cát được xây dựng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Trải qua thăng trầm lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, ngôi đình cổ đã bị phá hủy. Năm 2012, nhân dân địa phương góp công sức, kinh phí để phục dựng và gìn giữ đến ngày hôm nay. Dù qua nhiều lần tu sửa nhưng di tích hiện vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính của người Việt. Với những giá trị to lớn của di tích, ngày 20/4/2018, UBND tỉnh ra Quyết định số 1341-QĐ/UBND công nhận đình làng Gia Cát là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Cũng tại Quảng Nam: Ngày 21/7, Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XIX với chủ đề “Âm vang vùng cao” chính thức khai mạc tại tổ hợp sân vận động huyện Nam Giang. Lễ hội là dịp tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân sinh sống ở miền núi của tỉnh nâng cao sức khỏe, thể lực, phát triển đời sống văn hóa tinh thần, thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương theo tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi vùng tây Quảng Nam.
Tại Đà Nẵng: Ngày 19/7, Hội Âm nhạc thành phố tổ chức tọa đàm nhằm lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ trên cả nước về nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn âm nhạc tại Đà Nẵng. Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ nổi tiếng trong giới âm nhạc cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã cùng thảo luận nguyên nhân và tìm ra giải pháp để Đà Nẵng có những bài hát hay. Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đề cập đến vai trò của nhà quản lý trong việc nâng cao chất lượng, đời sống âm nhạc của cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Các đại biểu cho rằng, Đà Nẵng nên nâng cao vai trò quản lý của các cấp gồm cả quản lý hành chính và quản lý văn hóa nghệ thuật, trong đó có cả Sở VHTT, Sở Giáo dục, các đoàn nghệ thuật, các tổ chức đào tạo nghệ thuật, các trường phổ thông…
Cũng tại Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng ngày 22/7 đưa tin, 6 tháng đầu năm, lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt hơn 4 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không ước đạt hơn 1 triệu lượt, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng tập trung chủ yếu ở thị trường Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các đường bay trực tiếp. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thêm nhiều đường bay trực tiếp mới kết nối với thành phố, qua đó góp phần thúc đẩy các thị trường khách quốc tế tiềm năng.
Tại Khánh Hòa: Ngày 20/7, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp với các thành viên trong Ban chỉ đạo đề án xây dựng Bảo tàng tỉnh về việc thông qua đề xuất nội dung, hình thức của bảo tàng mới và giới thiệu đơn vị tư vấn lập đề án xây dựng Bảo tàng tỉnh. Theo lãnh đạo Sở VHTT, bảo tàng mới có tổng diện tích 14.900m2, trong đó diện tích xây dựng 2 khối nhà trưng bày và hành chính từ 3.000 đến 4.000m2, diện tích còn lại được sử dụng để làm công viên, vườn tượng… Các thành viên dự họp đã thống nhất cao với hình thức, nội dung của bảo tàng, đồng thời đồng ý chọn Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long làm đơn vị tư vấn thực hiện lập đề án xây dựng Bảo tàng tỉnh.
Cùng ngày, Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo Sở VHTT, UBND huyện Vạn Ninh đã thực hiện nghi thức động thổ xây dựng đền tưởng niệm danh nhân Trần Đường. Đền tưởng niệm được xây dựng trong khuôn viên chùa Lương Hải ở tổ 14 Lương Hải (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) có diện tích 51,6m2. Phần mộ của danh nhân Trần Đường cũng được cải tạo. Tổng kinh phí xây đền khoảng 2 tỷ đồng, được sử dụng từ quỹ phát triển sự nghiệp của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh. Danh nhân Trần Đường sinh năm 1838 tại thôn Hiền Lương (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh). Năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông đã cùng danh tướng Trịnh Phong, Nguyễn Khanh và các sĩ phu yêu nước ở Khánh Hòa tập hợp nghĩa quân kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng với Trịnh Phong, Nguyễn Khanh, danh nhân Trần Đường được người dân kính trọng gọi là Khánh Hòa tam kiệt.
Lan Anh (t/h)